Sunday, February 22, 2009

Bài sưu tầm trên mạng

CHÍNH TRỊ

Đang đọc một cuốn sách rất hay: “TIỂU LUẬN viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932” của Phạm Quỳnh. Tác giả là một nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ 20, đã từng viết nhiều bài báo và tác phẩm văn học có giá trị.

Trong các tiểu luận này, có một bài báo tựa đề “Chính trị” được viết vào năm 1929 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Xin được trích dẫn vài đoạn:

“Vậy chính trị theo định nghĩa ở từ điển là gì? Đó là tất cả những gì liên quan đến công việc cai quản Nhà nước, đến công việc quản lý có hiệu quả mọi công việc công cộng, đến việc bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc.
Vậy thì, vì lẽ gì một công dân xứng với danh hiệu này, cho dù danh hiệu đó đã bị hạ thấp ít nhiều, - và đó chính là trường hợp của kẻ đang muốn trở thành công dân ở xứ Đông Dương hay ở nước Nam – lại có thể không quan tâm đến công việc của đất nước mình, nghĩa là quan tâm đến chính trị, cái chính trị như một nghệ thuật quản lý mọi công việc của đất nước sao cho tốt đẹp?

Vì lẽ gì một người nước Nam biết lo lắng cho sự phồn thịnh và tương lai của tổ quốc mình, lại có thể không tìm hiểu xem tố quốc mình được cai quản như thế nào, lại không tự hỏi liệu các thể thức cai quản hành chính hay cai quản hiện nay có phù hợp với đất nước mình không, và nếu cần, thì phải tiến hành những cải cách, những cải tiến, những sửa đổi hoặc những cải tạo hữu ích hoặc cần thiết nào? Và nếu cái người nước Nam ấy phát hiện thấy có những lạm dụng, những sai sót hoặc những vi phạm, liệu cái người nước Nam ấy có thể tự buộc tội mình không tố cáo chúng ra?

Tất cả những điều đó chính là chính trị, và đó không chỉ là quyền được làm mà còn là nghĩa vụ phải làm của người công dân.

Và nếu, trong khi tranh luận về những vấn đề lợi ích chung này, công dân nước Nam kia chỉ duy nhất bị thúc đẩy bởi ước vọng được có ích cho đất nước và đồng bào mình, nếu như công dân ấy không bao giờ mất bình tĩnh, mất khả năng làm chủ hoàn toàn bản thân, mất cái trung lập về tinh thần hay tính “trung dung” thành thói quen trải qua nhiều thế kỷ văn hóa Khổng giáo, nếu như công dân ấy không đem vào đó bất kỳ định kiến nào, bất kỳ sự nóng nảy nào, và hơn thế nữa, nếu công dân ấy luôn luôn giữ mình trong phạm vi hợp pháp và tôn trọng trật tự, thì có cái chính phủ nào, dù có yếu bóng vía đến mấy, lại có thể coi hành vi và thái độ như thế của công dân kia là một tội ác?

Ngược lại, một chính phủ quan tâm đến việc hoàn tất tốt nhiệm vụ của mình sẽ phải biết ơn những con người có thiện chí này, những người làm hết sức mình để soi tỏ cái niềm tin đó của chính phủ.

Và trong hoàn cảnh này, các bạn lại không muốn người nước Nam làm chính trị hay sao? Như thế chẳng khác nào các bạn muốn họ thờ ơ với số phận của đất nước họ, đến tương lai con cháu họ, đến hạnh phúc gia đình họ, đến cuộc sống của chính họ!

Chính các xã hội mị dân Phương Tây đã truyền bá ra thế giới dạng chính trị này, một dạng chính trị khêu gợi và khai thác các đam mê của dân chúng, chia rẽ dân tộc thành các bè phái đối lập, khích họ chống lại nhau, khơi dậy các bản năng thấp hèn nhất của dân chúng để thỏa mãn các tham vọng của một thiểu số sẵn sàng làm tất cả. Dưới cái cớ kiếm tìm hạnh phúc cho nhân dân, người ta ru ngủ và lừa dối nhân dân bằng các ảo tưởng nguy hiểm hoặc giả trá. Với chiêu bài chính trị này, những kẻ tầm thường nhờ vào những con người tốt đẹp hơn họ để giành lấy chính thắng, những người cuồng nhiệt nhất thì vùng vẫy và đứng ra trục lợi là láu cá nhất hạng hoặc là những kẻ ít biết hổ thẹn hơn cả thì đứng ra trục lợi.

Bọn họ duy trì trong xã hội một tình trạng siêu kích động triền miên thuận lợi cho sự bùng nổ mọi loại hằn thù, oán hận, mọi loại tình cảm xấu vốn đang ngủ yên trong đám đông. Đó chính là chính trị “làm chiêu bài cho đủ điều ngu ngốc, cho mọi thứ tham vọng, và cho mọi chuyện lười nhác” như Alphonse Daudet đã nói. Chính vì thế nó trở thành “chất hòa tan cực mạnh ý thức con người”, trở thành yếu tố làm bại hoại tình cảm và phong tục. Cái thứ chính trị đó luôn luôn đi kèm với những cách thức thực thi ít nhiều được đem dùng phổ biến, bao gồm từ những lời dối trá ngu xuẩn nhất đến những dọa dẫm trơ trẽn nhất, từ các mưu mô xảo quyệt nhất đến hành động mua chuộc công nhiên nhất. Lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, lòng ái quốc, sự hòa hợp xã hội, đó là những lời lẽ được dùng để biện hộ cho sự buông thả mọi dục vọng và mọi thói ích kỷ.

Dạng chính trị này, vốn dĩ mọi người đều có thể tiếp cận được, tự nhiên làm nảy nở mọi sự tầm thường. “Thô bạo, bất công, gây hận thù, và to mồm”, nó làm những con người có giá trị tránh xa, nhưng lại phô ra những nét hấp dẫn đặc biệt cho đám người bất tài, mưu mẹo, tham vọng, ba hoa. Sở thích này bắt đầu lan truyền trong một số giới người nước Nam. Nhưng nếu đồng bào chúng ta được tiếp xúc sâu rộng với loại chính trị này, - và dường như đó là quy luật để “tiến bộ” lên – thì chúng tôi mong muốn sự tiếp xúc để tiến bộ đó càng xảy ra muộn càng tốt.

Kết luận phải rút ra từ sự so sánh như thế giữa hai dạng chính trị là rành rành rồi. Người nước Nam có thể và cần phải làm chính trị, nhưng đó là chính trị theo nghĩa thứ nhất đã đem ra phân tích: cái chính trị của lợi ích chung đòi hỏi một sự toàn tâm toàn ý cho việc công. Ngược lại, người nước Nam phải tránh cái chính trị có xu hướng mị dân, nó ve vãn nhân dân để lừa dối nhân dân, và bất chấp thực tế, khiến nhân dân lao vào các ảo tưởng nguy hiểm và không thể thực hiện được.” (trang 312 – 317)

Bài báo ra đời vào năm 1929, thời điểm mà chính quyền phong kiến và chế độ bảo hộ của thực dân Pháp bước vào giai đoạn suy vong. Đúng 80 năm trôi qua nhưng tình trạng bài báo mô tả chẳng thay đổi là mấy ở nước ta, có phần còn tệ hơn. Lúc đó còn có những tờ báo chính thức đăng tải công khai những bài báo như thế này. Tốt hơn nữa là tác giả của chúng chẳng bị làm sao. Không những thế, 2 năm sau ông còn được triều đình Huế mời vào làm quan, giữ đến chức thượng thư (tức bộ trưởng bây giờ). Chính quyền thực dân cũng chẳng bắt tội ông chút nào vì đã dám mỉa mai đến “mẫu quốc”. Nếu Phạm Quỳnh sống vào thời nay thì chắn chắn các bài báo rất giá trị của ông sẽ bị xem là “lề trái”. Nhưng “may” cho ông là đã không “phải” sống đến bây giờ. Ngay sau cách mạng Tháng 8 ông đã bị bắt và giết chết. Một thời gian dài mấy chục năm sau đó chính quyền xem ông là phần tử xấu.

Nhờ tiến bộ công nghệ của nhân loại, người dân Việt vừa tìm thấy một không gian để bày tỏ quan điểm và mối quan tâm chính trị cho đất nước thì chính quyền nhanh nhạy cho ra thông tư quản lý blog. Cuộc sống khó khăn của dân chúng đang có quá nhiều thứ cần chính quyền nhanh nhạy nhưng các quan chức đều vô cảm với những điều ấy. Hệ thống công quyền này chỉ quan tâm đến những cái họ gọi là nhạy cảm. Ý nghĩa trong sáng của tính từ này khi nói về công chúng là để diễn tà mức độ quan tâm rất lớn của nhiều người, nhưng nó đã bị lạm dụng và chính trị hóa để ngăn chặn sự quan tâm chính đáng của người dân vào chính trị.

Xét cho cùng đó là sự hoảng sợ. Yếu thế nào thì người ta mới sợ đến như vậy.

Trần Đông Chấn
Mùa đông tháng 1, 2009


CHÀO 2009

2008 đã khép lại. Mậu Tý cũng sắp kết thúc. Hơn 20 năm qua, kể từ khi Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường, chúng ta chưa bao giờ bước vào năm mới với một không khí ảm đạm như 2009 này. Cách đây đúng 11 năm, 1998 cũng khởi đầu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Đông Á nặng nề nhưng trong nước vẫn giữ được một tinh thần lạc quan để vượt qua khó khăn. Còn bây giờ sự bi quan bao trùm mọi sinh hoạt của xã hội. Nhưng đa phần người dân đều chưa biết rằng một cơn bão lớn đang chuẩn bị ập tới. Sự tuyên truyền trấn an của chính phủ làm cho chúng ta nghĩ đây chỉ là những khó khăn trước mắt và chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Do vậy rất ít người có được một kế hoạch tránh bão an toàn.

Bão bao giờ cũng khốc liệt nhất với những ai bị bất ngờ với nó. Mọi người cần tìm nơi trú ẩn bảo toàn lực lượng, không phải là lúc ra khơi đánh bắt. Chỉ những con thuyền nào sớm nhận biết từ mấy năm trước là sẽ có bão thì mới vạch được những hải trình phù hợp để tiếp tục đi tới mà vẫn tránh được bão. Nhưng những con thuyền nào được cầm lái bởi những kẻ liều lĩnh, ăn may và dựa dẫm, tưởng mình là những thuyền trưởng tài ba thì sẽ bị cơn bão này nhấn chìm, cuốn phăng. Kỷ Sửu 2009 sẽ là năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Nó đã khởi động từ đầu năm 2008 và sẽ chỉ kết thúc vào cuối năm 2010. Người ta sẽ có dịp để thấy hậu quả của việc làm trái các qui luật tự nhiên tai hại đến thế nào, không chỉ là qui luật kinh tế mà cả qui luật nhân quả.

Và có lẽ cũng không mấy ai, kể cả chính quyền ngờ rằng cơn bão này có thể lớn thành sóng thần, và nếu vậy, sẽ gây nên một cơn địa chấn về kinh tế, xã hội, chính trị lớn nhất trong vòng 33 năm qua. Chính vì thế mà chính phủ đang liều lĩnh và cầu may trong việc hoạch định và kéo người dân vào thực thi những chính sách vượt khó như hiện nay. Khả năng thành công của chúng rất thấp nhưng hậu quả của sự thất bại có thể dẫn đến sự giẫm đạp hỗn loạn lên nhau nhằm thoát thân khi xảy ra địa chấn. Việt Nam ta đang ở trong giai đoạn nhận lấy hậu quả của những việc trái qui luật không thể tránh khỏi. Một giải pháp đúng đắn là phải sửa sai ngay từ gốc để giảm bớt số lượng những “quả đắng” và sinh dần ra những “trái ngọt”. Những gì chính phủ đang làm là bọc đường, nhúng mật cho những quả đắng và làm cho chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Mật ngọt lắm ruồi, đến khi hết đường hết mật thì sẽ trơ ra những quả đắng. Khi ấy là lúc chính quyền sẽ mất khả năng kiểm soát quyền lực tập trung vì không còn đường và mật để ban phát. Vì phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực nên chính quyền nuôi hy vọng kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi để có thêm đường thêm mật. Nhưng điều ấy sẽ không thể sớm hơn 2010. Bước vào 2010 niềm tin của người dân Việt Nam sẽ không còn gì có thể cứu vãn do rất nhiều người ngậm quả đắng vì tưởng là trái ngọt. Một môi trường như vậy ắt sẽ dẫn đến những biến cố chính trị to lớn.

Những thời điểm như thế chính là thời cơ cho những thay đổi căn bản mang tính lịch sử. Các vấn đề thâm căn của Việt Nam mà biểu hiện cuối cùng của nó là cuộc khủng khoảng hiện nay chỉ có thể giải quyết tận gốc bằng cách thay đổi toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội. Chữa trị những triệu chứng bên ngoài như lâu nay rất tốn kém mà không hiệu quả, qui luật tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi tất yếu hợp lý. Nhưng những thời điểm như vậy cũng là cơ hội cho những kẻ cơ hội tiếp tay cho ngoại bang chà đạp quyền lợi dân tộc.

Vận nước sẽ thay đổi tốt hay không phụ thuộc vào việc hình thành một lực lượng chính trị mới mang tính dân tộc và dân chủ, thực tâm đặt quyền lợi của đất nước và đa số dân chúng lên trên hết. Những ai có lòng vì vận mệnh đất nước phải kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, nhưng cũng hãy giữ sự sốt ruột để duy trì nhiệt huyết.

Xin chúc mọi người dân có đủ sức khỏe và sự tỉnh táo để vượt qua giai đoạn khó khăn đỉnh điểm sắp tới. Và hãy giữ niềm tin, đặt nó đúng chỗ để chào đón một vận hội mới của Việt Nam.

Chào năm mới 2009.

Trần Đông Chấn

Mùa đông, ngày đầu tiên 2009

Saturday, February 14, 2009

KỶ NIỆM NGÀY 17/02/1979

(KỶ NIỆM 30 NĂM (17/2/1979 - 17/2/2009) CHIẾN ĐẤU, CHIẾN THẮNG

QUÂN BÀNH TRƯỚNG BÁ QUYỀN BẮC KINH)

Nhận rõ bộ mặt bẩn thỉu, gian ác, thâm độc... của ông "bạn lớn, láng giềng", là thây ma của chế độ độc tài, toàn trị, siêu lừa... đó chính là tập đoàn bành trướng, bá quyền, sô vanh nước lớn Bắc Kinh. Năm 1975, kết thúc chiến tranh, Sư đoàn 3 bộ binh chúng tôi chưa được hưởng một ngày hoà bình. Tháng 7 năm 1976, từ Nha trang, tỉnh Khánh Hoà, toàn Sư đoàn nhận lệnh chuyển quân ra Bắc có nhiệm vụ chống kẻ thù K (kẻ thù K là tập đoàn bành trướng, bá quyền Bắc Kinh). Sau một năm ổn định biên chế, toàn đơn vị tập trung huấn luyện, rèn quân. Tháng 7-1978, từ vị trí đóng quân chúng tôi được lệnh chuyển lên xây dựng trận địa trên toàn tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn. Đến vị trí đóng quân mới, nhiệm vụ chính của chúng tôi là: đào hầm, đào hào, gần 8 tháng vừa tập trung xây dựng trận địa, vừa củng cố doanh trại, ổn định nơi ăn ở, vừa tổ chức huấn luyện thuần thục với các phương án theo địa hình được phân công và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Những tháng, năm trên biên giới Lạng Sơn, cuộc sống đầy gian nan, vất vả, đói rét,.... Song, tinh thần bộ đội rất hăng hái, căm thù tập đoàn bành trướng, bá quyền Bắc Kinh. Vì nó, mà chúng tôi chưa được hưởng một ngày hoà bình.

Mới ngày nào, nay đã tròn 30 năm (17/2/1979 - 17/2/2009) cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc do tập đoàn bành trướng, bá quyền Bắc Kinh gây hấn, khởi xướng. 5 giờ ngày 17-2-1979, đơn vị chưa báo thức, tôi nhận được điện từ Trung đoàn thông báo: "Địch đánh lớn ở Cao Bằng". Điều khó khăn của chúng tôi lúc này là: Trước đó, cán bộ cấp trưởng quân sự từ đại đội trở lên về hết Sư đoàn tập huấn, số ở lại trực chiến đều là cán bộ chính trị. Chưa kịp thông báo cho các đại đội tin "Địch đánh lớn ở Cao Bằng" thì, khoảng 15 phút sau, pháo của quân Bành trướng Bắc Kinh dồn dập nã vào vị trí đóng quân toàn tiểu đoàn. Dưới làn hoả lực (gồm các loại pháo) của kẻ thù, các chiến sỹ chuyền đạt bất chấp gian nguy, bộ đội đã chuyền lệnh tiểu đoàn xuống từng đại đội. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các đại đội khẩn trương cho bộ đội vận động chiếm lĩnh trận địa theo đúng phương án (trước đó đã được tập dượt nhiều lần rất nhuần nhuyễn) trước khi bộ binh địch xuất hiện. Các đại đội chiếm lĩnh trận địa chốt đúng ý định, đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cũng là lúc bộ binh địch xuất hiện.

Lên vị trí chỉ huy trên cao điểm 339, nhìn ra pháo đài Đồng Đăng, chúng tôi thấy: bộ binh địch đông như kiến cỏ, chúng la hét ầm ỹ, hô tả... tả..., xe tăng địch đang quần lộn trên pháo đài. Tôi ra lệnh hoả lực nổ súng diệt xe tăng, các lực lượng khác nổ súng tiêu diệt bộ binh địch. Phát hiện có sự chống trả quyết liệt của quân ta, quân bành trướng Bắc Kinh chùn lại, dè dặt không giám nghênh ngang như ban đầu. Cùng lúc, tôi nhận tin: "Ban chỉ huy tiền phương, Trung đoàn bộ - Trung đoàn 12, đang bị địch bao vây chặt trên cao điểm 438". Tình huống mới xuất hiện, chúng tôi vừa chỉ huy bộ đội nổ súng đánh bộ binh, xe tăng địch, vừa tranh thủ triệu tập cán bộ hội ý bàn phương án giải vậy cho sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn. Hội ý xong, thay mặt Ban chỉ huy tiểu đoàn, tôi giao cho đồng chí Nguyễn Văn Biết - Chính trị viên đại đội 61 chỉ huy chung đội hình trên cao điểm 339 tiếp tục cho bộ đội nổ súng tiêu diệt địch, giữ chốt an toàn. Đại đội 63 và tiểu đoàn bộ dưới sự chỉ huy trực tiếp của tôi và đồng chí Nguyễn Xuân Phong (tiểu đoàn phó) quay lại cao điểm 438 giải vậy cho sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn. Đội hình hướng cao điểm 438 thẳng tiến, đến nửa chừng lực lượng bị lộ, địch chống trả không lên được cao điểm. Tôi ra lệnh vòng hướng đại đội 63, bí mật chiếm cao điểm 438. Đội hình hành quân vừa chạm cánh đồng Song Áng, phát hiện lực lượng địch quá đông. Tôi thông báo cho bộ đội: Bộ binh địch đông hơn ta gấp nhiều lần, chúng rất chủ quan đang hành quân tràn ra cánh đồng Song Áng, đồng thời động viên anh em bình tĩnh, hết sức bí mật, lợi dụng địa hình, địa vật chiếm lĩnh trận địa, ém quân an toàn, khi có lệnh đồng loạt nổ súng tiêu diệt bộ binh địch. Tôi tranh thủ trao đổi chớp nhoáng với đồng chí Phong (tiểu đoàn phó): Ta dùng khẩu Đại Liên do đồng chí Hoàng Mạnh Vạn - khẩu đội trưởng làm hiệu lệnh nổ súng và hai chúng tôi thống nhất nhận định: Khả năng lực lượng địch bí mật chiếm đường 1B, từ đường 1B kết hợp với xe tăng chúng tiến về Đồng Mỏ. Vừa tiến quân, chúng vừa thăm dò lực lượng ta. Trên đường tiến quân thuận lợi, không gặp sự kháng cự của ta, chúng sẽ chuyển thành lực lượng chính cùng xe tăng tiến thẳng về Hà Nội. Lực lượng này mà trót lọt, bọn chúng như đi vào chỗ không người. Bởi, phía sau ngày hôm đó (17-2-1979) không có bất kỳ lực lượng nào của ta chốt giữ. Và chắc chắn chúng sẽ thực hiện được lời thề: "Ăn cơm sáng ở Lạng Sơn, ăn cơm trưa ở Hà Nội". Mặt khác, nếu không nhanh chóng bẻ gấy trung đoàn vu hồi của quân bành trướng Bắc Kinh. Trung đoàn bộ - Trung đoàn 12 (kể cả tiền phương và cơ bản) bị xoá sổ là cái chắc. Phán đoán được ý đồ của địch, chúng tôi bình tĩnh để địch tràn ra cánh đồng, khi nào đầu đội hình chạm hang Con Khoang là nổ súng. Khẩu Đại Liên của đồng chí Hoàng Mạnh Vạn là hiệu lệnh, cối 60 chặn đầu đội hình địch tại hang Con Khoang. Đúng ý định, Đại liên phát hoả, đội hình tiểu đoàn thiếu (c61; c62) vào trận. Bị đánh bất ngờ, địch toán loạn không biết đường chống đỡ chết như ngả rạ, những tên sống sót chạy dạt sang phía chân đồi bên kia. Trận phủ đầu thua đau song, chúng chưa từ bỏ âm mưu chiếm đường 1B. Ổn định đội hình, chúng lại tổ chức hành quân. Bí mật nhử chúng vào trận đúng ý định, chúng tôi tiếp tục nổ súng tiến công, xác định ngổn ngang trên cánh đồng Song Áng. Chiến sự xẩy ra trên cánh đồng Song Áng kéo dài 3 ngày. Đánh thắng ngay trận đầu, càng đánh, càng mạnh, càng khí thế, bộ đội rất hăng, từ chiến sỹ nuôi quân đến thủ trưởng tiểu đoàn 6 bộ binh (thiếu c61; c62) thi đua nhau nổ súng tiêu diệt địch. Những trận đánh diễn ra trên cánh đồng Song Áng không có trong phương án định trước. Song, chính những trận đánh này đã góp phần phá tan ý đồ chiến lược của tập đoàn bành trướng, bá quyền Bắc Kinh "Ăn cơm sáng ở Lạng Sơn, ăn cơm trưa ở Hà Nội". Tiểu đoàn 6 bộ binh (thiếu c61; c62), hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, hiệu suất chiến đấu rất cao chỉ một số đồng chí bị thương, không ai hy sinh. Song, điều hết sức ý nghĩa là: Chúng tôi đã chặn đứng được Trung đoàn vu hồi của địch, bảo vệ an toàn cả sở chỉ huy tiền phương, sở chỉ huy cơ bản Trung đoàn 12. Nhờ trận đánh trên, Trung đoàn bộ - Trung đoàn 12 an toàn tuyệt đối, giữ vững vị trí chỉ huy từ phút đầu đến phút chót !. Bẻ gẫy mũi vu hôi của Tàu, chúng tôi lui quân bổ sung vũ khí đạn dược. Trung đoàn điều Đại đội 63 tăng cường cho Trung đoàn 2, Ban chỉ huy tiểu đoàn (tôi và đồng chí Phong) tiếp tục về vị trí chỉ huy chiến đấu trên cao điểm 339.

Những ngày trên cao điểm 339, chiến sự xẩy ra rất quyết liệt, có trận bộ đội đánh giáp lá cà, quyết sống mái với quân bành trướng Bắc Kinh giữ chốt. Trung đội trưởng thiếu uý - Nguyễn Văn Xá hết đạn nhẩy thẳng váo đội hình địch dùng súng B40 đập vào đầu quân thù và Xá đã anh dũng hy sinh. Những hành động quả cảm ấy làm cho quân địch bát vía, kinh hồn. Cao điểm 339 được giữ vững đến 2 giờ ngày 24-2-1979, khi nhận được lệnh của Sư đoàn phó - Đới Ngọc Cầu, tôi mới làm thủ tục bàn giao trận địa cho đơn vị bạn. Đội hình tiểu đoàn 6 bộ binh (thiếu c63) lui quân về nhận nhiệm vụ mới. Ngày 24-2-1979 về Trung đoàn bộ, tìm vị trí đóng quân, ổn định nơi ăn, ở, bộ đội tạm nghỉ ngơi cho lại sức, săn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 25-2-1979, đơn vị sắp xếp, ổn định biên chế, bỏ sung tiếp vũ khí, đạn dược, thực phẩm, thuốc men đúng cơ số. Cán bộ tiểu đoàn được triệu lên Ban chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ: "Tập trung 3 tiểu đoàn anh hùng, cất vó quân bành trướng Bắc Kinh tại ga Tam Lung, Lạng Sơn". Chiều 26-2-1979, tiểu đoàn lên Ôtô hành quân sang Kéo Càng, thị xã Lạng Sơn (Kéo càng cách thị xã Lạng Sơn khoảng 3 km).

Sáng 27-2-1979, chúng tôi nhận các vị trí chốt do Trung đoàn bộ binh 2 bàn giao. Tiểu đoàn 6 bộ binh (thiếu c63) vào vị trí, chúng tôi động viên bộ đội tích cực củng cố công sư, trận địa phù hợp với sở trường, cách đánh của mình. Chiều ngày 27-2-1979, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 triệu tập cán bộ tiểu đoàn 6 lên hội ý. Đến nơi, đồng chí Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 2 thông báo: "cao điểm 800 mới bị địch đánh chiếm, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 giao cho tiểu đoàn 6 bộ binh đánh chiếm lại". Nhận nhiệm vụ, tôi sững sờ, rất khó hiểu song vẫn nghiêm chỉnh chấp hành. Đêm hôm đó trời tối đen như mực, mưa tầm tã, rét như cắt da, cắt thịt song, bộ đội vẫn hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đúng 2 giờ ngày 28-2-1979, chúng tôi lại nhận lệnh quay về Kéo Càng lập trận địa chốt. Tới sáng, các đại đội bố trí trận địa chốt và làm công tác hợp đồng tác chiến xong. Cán bộ tiểu đoàn về vị trí chỉ huy, chưa hết nỗi mệt nhọc, căng thẳng, đầy gian nan, vất vả. trong đêm hành quân thì:

Đúng 8 giờ ngày 28-2-1979, các loại pháo của quân bành trướng Bắc Kinh dồn dập nã vào trận địa chốt của tiểu đoàn 6 bộ binh (thiếu c63). Chúng tôi nhận định: Chắc lần này Tàu sẽ tổ chức đánh chiếm thị xã Lạng Sơn. Khoảng 30 phút sau bộ binh địch xuất hiện, quan sát đội hình thấy: bọn chúng rất dè dặt, nhút nhát kiểu vừa tiến quân, vừa thăm dò không giám hung hăng, hô hoán ầm ỹ như mấy ngày đầu. Bộ đội ta nổ súng chống trả. Chúng tôi bị mất phương tiện thông tin, liên lạc, tình hình trở lên phức tạp hơn. Ban chỉ huy tiểu đoàn chuyển vị trí ra Lục Khoang. Vừa chạm cánh đồng Lục Khoang, tôi phát hiện xe tăng ta xuất kích. Gặp được xe tăng, nỗi vui mừng khôn xiết, tôi giới thiệu với các đồng chí xe tăng toàn bộ trận địa chốt của tiểu đoàn 6 bộ binh và của trung đoàn 2 rồi cùng nhau bàn phương án kết hợp vi xe tăng tổ chức tiến công tiêu diệt địch gỡ thế cho các trận địa chốt phía trước. Rút kinh nghiệm từ các trận đánh ở cánh đồng Song Áng, tôi trao đổi với các đồng chí xe tăng: Chúng ta cứ bí mật chiếm lĩnh trận địa chờ địch lọt vào đúng trận địa phục kích của ta, lúc đó mới đồng loạt nổ súng tiêu diệt, quá trình phục kích là quá trình theo dõi từng động thái của địch.

11 giờ 30 ngày 28-2-1979, đội hình địch lọt vào đúng đội hình phục kích, tôi ra lệnh bộ binh kết hợp cùng xe tăng xuất kích. Thời cơ chín muồi, chắc ăn, xe tăng dồn dập nã pháo vào đội hình bộ binh địch, hiệu quả chiến đấu rất cao. Bị đòn bất ngờ, đội hình địch tán loạn, chúng quay đầu tháo chạy. Được thế, lực lượng bộ binh còn lại của tiểu đoàn 6 cùng xe tăng tiếp tục truy kích tiêu diệt địch. Trận đánh kéo dài đến 17 giờ ngày 28-2-1979, xác địch ngổn ngang ở cánh đồng. Chúng tôi quan sát trên cánh đồng Lục Khoang không còn một bóng quân Tàu mới thu quân.

Một lần nữa, tiểu đoàn 6 bộ binh anh hùng lập công xuất sắc, đặc biệt c61, c62 chốt trên khu vực đồi Kéo Càng chiến đấu hết sức dũng cảm, ngoan cường bẻ gẫy nhiều đợt tiến công của địch. Nhưng lực lượng của chúng đông gấp nhiều lần ta, hoả lực đi cùng yểm trợ tối đa. Mặc dù cuộc chiến không cân sức, rất ác liệt song, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ, quyết chiến đấu đến người lính cuối cùng trên đồi Kéo Càng góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Trận đánh này, tiểu đoàn 6 bộ binh (thiếu c63) tổn thất khá nặng, c61 bộ đội hy sinh gần hết, c62 hy sinh 2/3 quân số. Bị tổn thất, song tiểu đoàn 6 bộ binh cùng xe tăng đã chặn đứng, kìm được bước tiến của kẻ thù không vào được thị xã Lạng Sơn đúng ngày 28-2-1979. Điều hết sức quan trọng là: Tiểu đoàn 6 bộ binh, trung đoàn 12, sư đoàn 3, được lệnh đi phối thuộc với c2, một lần nữa bảo vệ an toàn tuyệt đối sở chi huy Trung đoàn bộ binh 2 đủ điều kiện, thời gian lui về vị trí an toàn, không mất sức chiến đấu !. Và giải quyết đầy đủ, chu đáo chính sách thương binh, liệt sỹ đối với các sỹ quan, binh sỹ chiến đấu rất dũng cảm, đã phải nằm xuống vì mảnh đất thiêng liêng này.

Những ngày này cách đây 30 năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhà cầm quyền Bắc Kính ra rả chửi chế độ Ba - Đồng - Chinh (Ba là: Lê Duẩn; Phạm Văn Đồng; Trường Chinh). Trên biên giới phía Bắc, băng những chiếc loa nén công suất cực lớn, nhà cầm quyền Bắc Kinh hết lời chửi rủa chế độ Ba - Đồng - Chinh và không ngày nào chúng không rêu rao: "Dậy cho Việt Nam một bài học". Nhà cầm quyền Việt Nam chửi lại bằng nhiều dọng điệu: "Trung Quốc nghèo rớt mồng tơi, dân húp cháo suốt ngày, túi lách cách mấy đồng xu làm được trò gì ?" v.v và v.v. Thực tế trên chiến trường, chính đơn vị chúng tôi đã dậy cho nhà cầm quyền Bắc Kinh một bài học không thể chối cãi. Trước nhiều ngày chưa nổ súng, chúng hùng hồn tuyên bố: Sẽ "Ăn cơm sáng ở Lạng Sơn, ăn cơm trưa ở Hà Nội". Song, từ biên giới vào thị xã Lạng Sơn vẻn vẹn trên vài chục cây số, với một đội quân "hùng mạnh" như vậy, chỉ quần nhau với một sư đoàn suốt từ ngày 17-2-1979 đến ngày 04-3-1979 mới vào được thị xã Lạng Sơn, nhờ một đêm ngủ trọ. Sáng ngày 05-3-1979 đã phải vội vàng tuyên bố rút quân vô điều kiện. Ai đã dậy cho ai bài học ?, Nhà cầm quyền Bắc Kinh hãy trả lời cho cả thế giới biết. Thực tiễn chứng minh rằng: Trên thế giới này, chưa quân đội nào tổ chức hành quân chậm như quân đội Trung Quốc, còn ỳ ạch hơn "lực sỹ Asin không đuổi kịp con rùa". Chúng ta thừa biết: Quân đội Trung Quốc chưa hề đánh thắng bất kỳ ai. Chắc nhà cầm quyền Bắc Kinh chưa quên bài học: Cả nước Trung Hoa rộng lớn, vẫn bị quân Nguyên thôn tính. Nhưng khi quân Nguyên sang Việt Nam đã bị Dân tộc Việt Nam 3 lần đánh tan không còn mảnh giáp.

Kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc, trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày ấy, nhà nước Việt Nam dành cả tháng trời tuyên truyền, hết lời ca ngợi những thành tích chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của Sư đoàn 3 bộ binh (sư đoàn sao vàng) anh hùng. 5 năm sau (17/2/1979 - 17/2/1984), Nhà nước Việt Nam tổ chức kỷ niệm đánh Tàu. Ngày đó, Sư đoàn mời những chiến sỹ đánh giỏi kể lại các trận đánh tháng 2-1979, trong đó có tôi. Chiều ngày 17-2-1984, tại phòng chính trị Sư đoàn 3, tôi kể lại cho phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam những trận đánh xuất sắc nhất của tiểu đoàn 6 bộ binh thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 và khẳng định: Tiểu đoàn 6 bộ binh anh hùng đã dậy cho nhà cầm quyền Bắc Kinh một bài học nhớ đời.

Kỳ lạ thay: Suốt chặng đường lịch sử thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam chưa khi nào Nhà nước Việt Nam dành cả tháng trời liên tục tổ chức truyên truyền thành tích đánh giặc ngoại xâm như tuyên truyền Sư đoàn 3 bộ binh đánh quân bành trướng Bắc Kinh. Rõ ràng, đây là một sự kiện lịch sử rất trọng đại, hiếm có: Sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979. Sau lần kỷ niệm 5 năm đánh Tàu, Nhà nước Việt Nam không những ném sự kiện lịch sử trọng đại vào sọt rác mà còn tổ chức đàn áp tất cả những ai là người yêu nước giám đứng lên chống Tàu. Trong khi những chiến thắng thời chống Pháp, chống Mỹ không được tuyên truyền rùm beng như tuyên truyền Sư 3 thời kỳ đánh Tàu lại tổ chức kỷ niệm rất long trọng như: Chiến dịch biên giới, Đông Khê, Rạch ngầm, Đồng xoài, Khe Sanh, đường 9 Nam Lào đến Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không v.v, và các trò chơi vô bổ, vô văn hoá,... nhằm tiêu khiển thời gian, ru ngủ lòng người,... cũng tổ chức kỷ niệm rùm beng, rất tốn kém (!). Mới ngày nào, Nhà nước Việt Nam còn dõng dạc tuyên bố trước thế giới rằng: "Trung Quốc là kẻ thù số một". Nay, suốt ngày rêu rao, ca ngợi bằng nhiều lời đường mật "16 chữ vàng"; "4 tốt" "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững,...". Hiện tại, tội ác của nhà cầm quyền Bắc Kinh còn dã man, tàn bạo, nham hiểm,... hơn cuộc chiến tranh biến giới phía Bắc, ngày 17-2-1979 rất nhiều.

Sau 30 năm, nhớ lại cuộc chiến tranh xẩy ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, hàng vạn sỹ quan, binh sỹ "Thề quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh", giữ bằng được từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc đã phải nằm xuống. Nay, Bộ chính trị phớt lờ.

Trước đó, ngày 19-01-1974, được nhà cầm quyền Việt Nam bật đèn xanh, nhà cầm quyền Bắc Kinh tổ chức đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lực lượng Hải quân-Quân lực Việt Nam Cộng Hoà dưới sự chỉ huy của Trung tá-Vũ Hữu Sang anh dũng đánh trả. Do lực lượng không cân sức, 58 sỹ quan, binh sỹ Hải quân - Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã phải ngã xuống vì Tổ Quốc Việt Nam thân yêu.

Tháng 3 năm 1988, nhà cầm quyền Bắc Kinh tiếp tục dùng lực lượng Hải Quân đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 74 sỹ quan, binh sỹ Hải quân - Quân đội nhân dân Việt Nam lại phải nằm xuống vì quyết tâm bảo vệ những mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố thành lập khu hành chính Tam Sa thuộc đảo Hải Nam, gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chúng còn ngạo mạn tuyên bố: Tất cả các đảo chìm chưa có người ở, chúng sẽ cho người ra ở và khai thác triệt để tài nguyên thuộc khu vực này. Hiện tại, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã biến biển Đông của Việt Nam thành ao nhà của chúng. Nay, mai Cộng sản Việt Nam lại rước Tàu vào khai thác quặng Bôxit ở Tây Nguyên. Đúng vậy, bọn chúng đã cam tâm biến dân tộc ta thành nô lệ cho Tàu (!).

Chỉ vì cuộc sống, Ngư dân Việt Nam trong đó có Ngư dân Thanh Hoá lặn lội ra khơi đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển của chính mình. Nhà cầm quyền Bắc Kinh nổ súng bắn chết 9 người, số sống sót bị chúng tuyên phạt. Nhà cầm quyền Việt Nam không những chỉ im lặng mà còn ngấm ngầm cử cán bộ tuyên huấn xuống dân tuyên truyền, giải thích rằng: Xẩy ra sự việc trên là do ngư dân chúng ta lấy trộm lưới của Tàu nên bị họ phạt (!) v.v.

Ngày nay, Việt Nam đã hội nhập Quốc tế, đã vào WTO, là hội viên không thường trực - Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và đang lớn tiếng khoe khoang với thế giới rằng: "Việt Nam đang có uy tín trên trường Quốc Tế". Tại sao ???, Bộ chính trị - Đảng cộng sản Việt Nam không căn cứ vào các ưu thế trên để lên án những tội ác tầy trời, đặc biệt nguy hiểm mang tầm cỡ Quốc Tế của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với Việt Nam và yêu cầu Quốc Tế can thiệp sớm giải quyết vấn đề này. Bằng không, Nhà cầm quyền Việt Nam có đầy đủ cơ sở phát đơn khởi kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh ra Toà án Quốc Tế, yêu cầu Toà án Quốc Tế thụ lý giải quyết làm rõ trắng - đen. Sự thật rành rành là vậy, không những Bộ chính trị - Đảng cộng sản Việt Nam không giám làm mà còn cố ý im lặng, tìm mọi thủ đoạn che đậy, tảng lờ (!).

Điều không thể chấp nhận được là: những chiến sỹ dân chủ, những thanh viên khối 8406, những sinh viên đều là những người yêu nước cùng nhau xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh xâm lược Việt Nam đều bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ, bỏ tù. Đã đến lúc trên 80 triệu nhân dân Việt Nam chúng ta không thể ngồi im, làm ngơ trước thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam thao túng để nhà cầm quyền Bắc Kinh lộng hành cướp đất, cướp biển của nhân dân Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam chúng ta phải có chính kiến, tỏ thái độ rõ ràng, không thể tha thứ trước những hành động, cử chỉ quá nhút nhát đến hèn mạt của Bộ chính trị - Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang quỳ gối, hạ mình, ươn hèn, cam tâm bán rẻ Tổ Quốc Việt Nam cho tập đoàn Đại Hán, chưa có tiền lệ trong lịch sử Dân tộc. Bộ chính trị - Đảng cộng sản Việt Nam muốn biến Việt Nam thành một "bang" của Trung Quốc, biến Dân tộc Việt Nam chúng ta thành nô lệ truyền kiếp cho nhà cầm quyền Bắc Kinh để cầu vinh hay sao ?!.

Tự do - Dân chủ - Đoàn kết muôn năm !.

Dân tộc Việt Nam bất diệt !.

Tổ Quốc Việt Nam muôn năm !.

Ngày 14 tháng 2 năm 2009

Trần Anh Kim

Uỷ Viên Trung ương Đảng Dân Chủ Việt Nam.

Thành viên Ban điều hành khối 8406 tại miên Bắc.

Địa chỉ liên lạc:

Số nhà 502, tổ 10, phố Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Việt Nam.

Tel: 0363 642 818 và mạng bị lũ "yêu tinh" tự tiện cắt để bưng bít thông tin.

Mobile: 093 666 9296

For every one

Who, why not us ? When, why not now ?