Thursday, December 31, 2009

Tinh thần Samurai

Thạch Tảo ‒ Tổng hợp

Lính Mỹ tập tọa thiền

Cách đây không lâu, tại Fort Bragg (tiểu bang North Carolina), căn cứ quân sự lớn nhất Hoa Kỳ, người ta thấy có những nhóm khoảng 7 quân nhân ngồi thành vòng tròn trong ánh đèn mờ. Họ ngồi yên, mắt nhắm, hai đầu ngón tay ấn nhẹ vào vùng dưới rốn để kích hoạt vùng “trọng điểm”. Chìm trong tiếng nhạc, những người lính tập trung vào việc để đầu óc trống rỗng.

Khi nói về quân đội, người Mỹ thường nghĩ tới sự năng động và linh hoạt, khó thể hình dung người lính trong thế ngồi yên. Thế nhưng, ngồi yên như một thiền sư chính là phần quan trọng của chương trình huấn luyện có tên Warrior Mind Training (Huấn luyện Tinh thần Chiến binh, WMT) - Chương trình này sẽ giúp cho 1.1 triệu binh sĩ có được tinh thần vững chãi hơn trong chiến đấu. (1)


Warrior Mind Training
Nguồn: stripes.com
Việc ngồi thiền còn được coi là có thể đem lại sự yên tĩnh cho những ai vẫn còn bị chiến cuộc ám ảnh. Đối với Kade Williams, một cựu chiến binh Afghanistan, việc ngồi yên, nhắm mắt; vừa ấn tay vào huyệt (hạ) đan điền vừa chú ý lắng nghe tiếng guitar là một điều khá kỳ cục. Thế nhưng, những cơn ác mộng rền tiếng bom đạn buộc anh phải tìm cách giải quyết, và anh đã tham gia những lớp WMT. Sau một thời gian thực tập, Williams cảm thấy tinh thần của mình trở nên yên ổn hơn. (2)

Phương pháp huấn luyện của WMT đã áp dụng ngồi thiền, một trong những cách rèn luyện cơ bản của giới Samurai, những võ sĩ Nhật Bản nổi tiếng với trình độ kiếm thuật cao siêu lẫn ý chí kiên định phi thường

Đối với người châu Á chúng ta, việc ngồi yên, để đầu óc trống rỗng, tập trung vào đan điền... không phải là điều xa lạ. Hầu như ai cũng đều nghe qua những câu “khí trầm đan điền”, “tham thiền nhập định”, “cửu niên diện bích”... Những câu đó có chung một điểm: khuyên con người đi tìm trạng thái tĩnh lặng nhất, vì khi đạt được sự tĩnh lặng trong tâm tưởng (không còn bị xáo trộn bởi suy nghĩ, cảm xúc...), người ta mới có thể hiểu được những lý lẽ sâu xa nhất.


Hagakurec
Nguồn: wikipedia.org
Thế nhưng một tâm tư yên tĩnh có thật sự làm người ta bớt sợ không? Tọa thiền có phải là cách thức chủ yếu để đạt được tâm tư an tĩnh không? Và làm sao đo lường sự yên tĩnh của mình đã đạt đến mức nào?

Để tìm câu trả lời, mời bạn đọc cùng người viết lục lại những tư tưởng của người xưa, trong sách “Hagakure: The Book of the Samurai” (3)


Bushidō - Cái đạo của chiến sĩ


Samurai
có hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, samurai là một bộ phận của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, là thuộc hạ của các shogun, daimyo, và đứng trên một số bộ phận võ sĩ khác. Samurai theo nghĩa này là cách hiểu ở Nhật Bản. Theo nghĩa thứ hai và được sử dụng phổ biến trên thế giới ngoài Nhật Bản, samurai chính là tầng lớp võ sĩ (tiếng Nhật: 武士; rōmaji: bushi; phiên âm Hán-Việt: võ sĩ ) của Nhật Bản, tức là bao gồm cả cả shogun (vương gia) và daimyo (lãnh chúa).

Samurai tuân thủ những quy tắc danh dự của Bushidō, võ sĩ đạo. Theo bushido, người võ sĩ cần có cần có 7 đức tính chủ yếu: Gi: trí tuệ - Yuuki: can trường - Jin: nhân nghĩa - Rei: lễ nghi – Makoto: thành thực - Meiyo: liêm sỉ - Chuugi: trung tín. (4)

Thế nhưng, trong những câu chuyện về samurai người ta thường thấy những thuật ngữ khác, đó là: seppuku, kaishaku, và Zen.



Gi, yuuki, jin, rei, makoto, meiyo and chuugi - the seven virtues of bushido
Nguồn: theartofcalligraphy.com
Seppuku (hay Harakiri) là là nghi thức tự mổ bụng với một thanh kiếm ngắn.
Người samurai thực hiện seppuku để tự xử khi không hoàn thành nhiệm vụ, hay khi vi phạm luật lệ. Seppuku còn là cách bảo toàn danh dự khi bị lăng nhục mà không chống trả được. Danh dự là một điều cực kỳ thiêng liêng của người Nhật thời xưa, ngay cả giới bình dân và phụ nữ cũng có ý thức rất cao về việc bảo toàn danh dự.

Một người tên Takagi có lần cãi vã với 3 nông dân hàng xóm, rồi bị họ đánh khá nặng ngoài ruộng. Về đến nhà, vợ hỏi: “Cái lý của sự chết há ông quên rồi sao?” – “Dĩ nhiên là không” người chồng đáp.

Người vợ than: “Người ta chỉ chết một lần: hoặc chết bịnh, hoặc chết trận, hoặc chết vì mổ bụng, bị chặt đầu... nhưng chết hèn chết nhát thì thật là xấu hổ”. Nói xong bước ra ngoài. Hồi sau trở về, đem hai con vào giường, đi sửa soạn đuốc, nai nịt như người ra trận trong đêm, đoạn nói với chồng: “Hồi nãy tôi đi coi, thấy 3 người họ đã đến một nơi để bàn bạc. Đúng lúc rồi. Đi thôi!” Hai vợ chồng ra đi, cầm đuốc, đeo gươm ngắn. Họ xông vào nhà kẻ thù, giết 2 người, làm bị thương 1 người. Về sau, quan cho phép người chồng được seppuku.

Theo luật pháp, giết người phải đền mạng, nhưng nếu giết người để bảo vệ danh dự thì cũng được chết trong danh dự: được quyền tự sát thay vì bị xử chém.


Seppuku
Nguồn: sadame.wordpress.com

Người tự sát bằng cách seppuku, sau khi lấy dao đâm và rạch bụng, không nhất thiết phải nằm chờ chết trong đau đớn. Anh ta có quyền yêu cầu một kiếm sĩ khác chặt đầu mình xuống. Người “thứ hai” này được trao cho nhiệm vụ danh dự “kaishaku”. Khi một lãnh chúa bị thua trận và được cho phép seppuku, ông ta thường chọn người samurai thân tín nhất để làm kaishakunin cho mình.

Được giết người cũng là một danh dự - Có khi còn hơn danh dự, có khi là thâm tình như cha với con.


Con trai của Mori Mobei sau một cuộc đấu kiếm đã bị thương. Lúc về nhà, cha hỏi, “Con xử sao với đối phương?”Người con thưa, “Đã chém hắn chết.” Cha lại hỏi, “Có nhát kiếm danh dự không?” “Thưa có!” Người con đáp.

Người cha nói, “Con đã làm tốt. Không có gì phải hối tiếc. Bây giờ, dù đi trốn con cũng phải tự sát. Chừng nào cảm thấy khá hơn, hãy seppuku, và thay vì chết dưới kiếm người khác, con sẽ chết dưới kiếm của cha”. Không lâu sau, Moibei thực hiện kaisaku cho con trai ông.

Xử kiếm để kaisahku là điều không dễ. Người được chọn làm kaishakunin phải là một cao thủ để có thể chặt đứt đầu người chỉ với một nhát kiếm duy nhất, nhờ đó giảm sự sợ hãi và đau đớn cho tử tội.


Người cầm kiếm chuẩn bị kaishaku với các quan giám sát
Nguồn: imageshack.us

Kaishaku đến tuyệt đỉnh là nhát kiếm bén ngọt nhưng chính xác đến mức làm xương cổ đứt lìa nhưng đầu vẫn còn dính với thân bằng một miếng da. Theo tương truyền, chém như thế để đầu phạm nhân không văng ra và bắn máu tung toé vào áo các quan giám sát.

Tuy được coi là một vinh dự, không mấy ai mong làm kashakunin, vì dù nhát chém tuyệt hảo họ vẫn không được tiếng tốt, ngược lại, nếu nhát chém vụng về, người xử kiếm sẽ bị cười chê suốt đời.

Để có khả năng thực hiện kaisaku, võ sĩ phải trải qua sự khổ luyện cả về thể lực lẫn tinh thần. Yamamoto Kichizaemon lúc mới 5 tuổi đã được lệnh của thân phụ Jinemon chặt đầu một con chó. Khi 15 tuổi, được giao nhiệm vụ chặt đầu tử tội.

Việc giết người và giết mình dù vì lý do nào đi nữa vẫn là những hành vi trái ngược với nhân tính và bản năng sinh tồn của con người. Huống hồ Bushido coi Nhân (Jin) là một trong 7 đức tính không thể thiếu của samurai.

Lòng nhân giữa người và người được thể hiện qua cách đối xử hàng ngày với nhau:

Nói cho người khác biết ý kiến của mình và chỉ ra sai lầm của họ là một việc quan trọng. Trước hết, việc đó phải bắt nguồn từ lòng thương người, nhưng nói như thế nào là khó vô cùng. Nhìn thấy điều hay, điều dở của một người thì không khó, nói ra ý kiến của mình cũng không khó. Người ta thường nghĩ mình làm điều tử tế khi dám nói ra những điều khó nói, và nếu người bị chỉ trích tỏ vẻ khó chịu, thì người phê bình tự cho rằng mình đã làm hết bổn phận. Nếu chỉ làm được đến thế thì thật vô ích. Làm như vậy cũng chẳng khác gì nhục mạ người khác bằng cách vu oan. Cách phê bình này chỉ để thỏa mãn cho chính mình mà thôi.

Khi có ai đó cho ta ý kiến, hãy nhận nó và tỏ lòng biết ơn cho dù ý kiến đó chẳng có giá trị gì hết. Nếu không như thế, sẽ không ai còn muốn nói với ta những điều họ thấy hay nghe về ta nữa. Tốt nhất là cho và nhận ý kiến với thái độ hòa nhã vui vẻ.

Lòng nhân là giúp người khác hoàn thành nhiệm vụ để người đó không mang tiếng xấu.

Makiguchi Yohei từng thực hiện kaishaku nhiều lần trong đời. Khi một người tên Kanahara phải seppuku, ông này đã đâm được dao vào bụng nhưng không sao xẻ ngang như nghi thức đã định. Thấy thế, Yohei đến bên cạnh, bất ngờ hô to: “Ei!” và dậm chân thật mạnh. Nhờ có đà, Kanahara rạch được bụng mình. Người ta kể rằng Yohei đã rơi lệ và nói: “Mặc dù anh ấy từng là bạn tốt của tôi…”

(Câu nói đứt đoạn của Makiguchi có thể được hiểu rằng: “Mặc dù anh ấy có lúc từng là bạn tốt của tôi và tôi có thể xuống tay ngay để anh ta không bị đau đớn, thế nhưng danh tiết của anh sẽ bị hoen ố”)

Lòng nhân còn là sự quan tâm, chia xẻ với người khác, nhất là trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Có lời nói rằng: “Nếu muốn biết cái tâm của một người, hãy mang bịnh”. Khi anh mắc bệnh hay gặp khó khăn, sẽ có nhiều người hàng ngày vẫn tỏ ra bè bạn hay thân thiết trở nên hèn nhát. Khi có ai lâm cảnh khổ đau, hãy thăm hỏi hay tặng quà. Và không bao giờ trong đời được quyền quên những người đã giúp đỡ anh.

Làm như thế tức là tỏ được sự quan tâm tới người chung quanh. Trên đời này, số người nhận sự giúp đỡ của người khác trong lúc khốn cùng nhưng sau đó chẳng còn nhớ gì tới họ nữa thì thật nhiều lắm.

Với một tâm tình thương yêu như thế làm sao người samurai có thể trở nên lạnh lùng vô cảm khi xử kiếm? Phật giáo tuy dạy con người “bi, trí, dũng” nhưng người Nhật cho rằng đạo Phật thuần túy không thích hợp với những võ sĩ trẻ tuổi bởi vì họ sẽ nhìn cuộc đời dưới hai hệ giá trị khác nhau, và như thế họ sẽ không thể tập trung tinh thần được.

Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki phân tích lý do tại sao các kiếm sĩ Nhật ưa thích Thiền học: (5)

Nghệ thuật đấu kiếm, tập cho lão luyện là một trong những công việc thu hút nhất của các giai cấp thống trị Nhật Bản từ thời đại Kiếm thương (Kamakura), nghệ thuật này đã thành công phát triển lạ lùng, và nhiều trường học khác nhau dạy về môn đó đã thịnh hành cho tới nay. Thời đại Kiếm thương liên hê chặt chẽ với Thiền, pháp môn của Thiền tông, một tông phái Phật giáo độc lập, đầu tiên được truyền vào Nhật Bản. Nhiều thiền sư lớn đã cai quản thế giới tâm linh bấy giờ và mặc dù họ khinh miệt học thuật, học thuật vẫn được bảo tồn bằng đôi tay của họ.

Vào thời này, các chiến sĩ tụ tập quanh họ khát khao được họ giảng dạy và rèn luyện. Phương pháp giảng dạy của họ giản dị và trực tiếp, không cần phải có học thuật uyên bác về Phật học. Các chiến sĩ cố nhiên không phải là thông thái lắm; điều họ muốn là không rụt rè trước cái chết mà họ thường xuyên đối diện. Đây là một vấn đề thực tiễn nhất đối với họ, và Thiền sẵn sàng giải quyết, có lẽ bởi vì các thiền sư chỉ nói tới những sự thực của đời sống, không nói tới những khái niệm. Có thể họ đã nói với một chiến sĩ, khi ông ta đến để được soi sáng về vấn đề sống và chết: “Không sống không chết ở đây. Cút lẹ đi.” Nói thế rồi, họ xách gậy đuổi ông chiến sĩ đó đi. Hoặc giả có một chiến sĩ đến kiếm sư và nói: “Bây giờ tôi phải trải qua một cuộc hiểm nghèo nhất của đời sống; nên làm gì?” Sư có thể rống lên: “Đi thẳng tới, đừng nhìn lại!” Sự kiện đó cho thấy các chiến sĩ dưới thời Nhật Bản phong kiến đã được các thiền sư huấn luyện như thế nào.


Thiền tông (được du nhập vào Nhật đầu thế kỷ 13) không theo những nghi thức rườm rà, những bài luận dài dòng khó hiểu của Phật giáo nguyên thủy. Thiền Tông còn khuyên hành giả tọa thiền để tìm thấy căn tính của mình và hiểu ra lẽ đạo. Vì thế giới samurai coi việc tọa thiền là một trong những điều cơ bản hết sức cần thiết để đạt đến giới cảnh cao xa của tâm linh cũng như của kiếm thuật.

Zen và Bushido không phải là con đường một chiều, nghĩa là chỉ có kiếm sĩ chịu ảnh hưởng của thiền sư mà cả hai cần biết phải học tập và bổ khuyết lẫn cho nhau.

Thiền sư Tannen thường nói: “Một tu sĩ sẽ không thể chứng đạt Phật pháp nếu chỉ tu tập về lòng bác ái mà không rèn luyện sự dũng cảm. Còn một võ sĩ nếu không vừa luyện cái dũng bên ngoài vừa lòng nhân bên trong thì không thể làm nhiệm vụ bảo vệ cho tốt. Do đó, tu sĩ cần luyện sự dũng cảm của võ sĩ, còn võ sĩ cần luyện sự từ bi của tu sĩ.

Ta đã đi đây đó nhiều năm và đã gặp nhiều người khôn ngoan nhưng ta chẳng thể nào tìm ra cách để hiểu lẽ đạo. Vì thế, hễ khi nghe kể về sự can trường của một người ta đều tìm gặp người đó bất chấp gian khó. Thế rồi ta hiểu ra rằng cái Đạo võ sĩ quả đã trợ giúp cho con đường tu tập Phật pháp. Khi một chiến sĩ mang giáp trụ xông vào trại giặc, thì anh ta có sức mạnh từ cái áo giáp. Còn một tu sĩ với chuỗi bồ đề có thể nào dám lao vào nơi kiếm dài thương nhọn chỉ với sự ôn hòa và lòng từ bi? Nếu tu sĩ đó không có can đảm thực sự, anh ta sẽ chẳng dám làm như thế. Thực tế cho thấy ngay các hòa thượng danh cao chức trọng cũng còn khi run rẩy, đó là vị họ không có đủ dũng khí.”

Những trích dẫn ở trên phần nào cho thấy việc tọa thiền đã góp phần tạo nên tính cách và khả năng riêng biệt của những võ sĩ samurai. Tuy nhiên, để đạt đến tinh thần “vô úy” , bình tĩnh đến mức coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, thì không thể chỉ tập luyện bằng cách ngồi yên, nhắm mắt, và ngưng suy nghĩ.
Để có được sự dũng cảm theo tinh thần samurai, một người phải rèn luyện từ suy nghĩ bên trong cho tới hành vi bên ngoài, cũng phải tập luyện thường xuyên và bền bỉ, có như thế, đến lúc “đụng chuyện” mới thắng được cái sợ.

Đến cái lúc đó thì không còn thì giờ cho lý lẽ nữa. Nếu không chịu học hỏi trước thì chỉ mang nhục mà thôi. Đọc sách hay nghe giảng chỉ có thể làm từ trước.

Trên hết mọi điều, Đạo của người Samurai nằm trong sự hiểu rằng ta không thể biết được cái gì sẽ xảy ra nên phải tìm tòi học hỏi đêm ngày. Thắng hay thua tùy thuộc vào các động lực nhất thời của hoàn cảnh. Nhưng để không bị mang nhục thì khác, nó tùy thuộc vào một người có dám chết hay không.


Bài học cho Việt Nam

Hoa Kỳ không thiếu những tấm gương anh hùng. Hoa Kỳ là nơi tụ hội những con người dám rời bỏ quê cha đất tổ, đi đến vùng đất hoang vu với mọi hiểm nguy bất trắc. Hoa Kỳ cũng là nơi có những chiến sĩ kiên cường trong Thế chiến Thứ hai ác liệt. Thế nhưng, sau cuộc chiến Việt Nam và sau một thời gian thanh bình, người lính Mỹ không còn giữ được tinh thần dũng mãnh của cha anh nữa. Ngày nay, trong một chiến cuộc không kém phần gay go, Hoa Kỳ đang tìm cách rèn luyện lòng can trường, khả năng bén nhạy và bình tĩnh của người lính vì họ biết rằng kỹ thuật tinh xảo và vũ khí tối tân không phải là điều kiện tiên quyết để đem lại chiến thắng.

Việt Nam cũng không thiếu những tấm gương anh hùng. Việt Nam đã bao lần đánh đuổi kẻ thù phương Bắc. Việt Nam vẫn đang hô hào mình đã từng đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng, sau hơn 30 năm sống dưới sự bưng bít thông tin, ngăn cấm tự do, và áp đặt tư tưởng, người dân Việt Nam đã không còn ý thức đấu tranh, tinh thần kiên cường bất khuất của cha ông nữa. Ngày nay, với sự đe dọa và lấn lướt quá rõ ràng của cộng sản Trung Quốc, Việt Nam đã và đang làm gì để vực dậy lòng dũng cảm của người dân?

Việt Nam mua tầu ngầm của Nga, thay đổi quân phục, lập đội dân quân tự vệ biển, ra sách trắng về ngân sách quốc phòng … để chứng tỏ Việt Nam đang ra sức hiện đại hóa quân đội, sẵn sàng ứng phó với mọi thế lực thù địch - Thế nhưng, Việt Nam không hề vun đắp cho dũng khí của người dân: Việt Nam thẳng tay cấm đoán những thể hiện của tinh thần yêu nước.

Khi không có ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của nhân dân, liệu quân đội Việt Nam với một số vũ khí tối tân có thể bảo vệ đất nước được không?

Muốn có một võ sĩ samurai can trường khi lớn, người ta không thể nuôi đứa bé trong sự sợ hãi và hèn nhát.

Nuôi một đứa trẻ để nó trở thành một samurai cũng phải có cách. Lúc còn nhỏ phải khuyến khích lòng dũng cảm của trẻ và không làm nó sợ hãi. Cái khiếp nhược từ lúc bé sẽ là là cái thẹo đứa trẻ phải mang suốt đời. Cha mẹ sai lầm khi vô tình làm trẻ sợ sấm sét, bóng tối, hay kể cho trẻ những điều kinh khiếp để nó thôi khóc. Ngoài ra, một đứa bé sẽ thành nhút nhát nếu nó bị khiển trách nặng nề.

Những bản án và sắc luật của nhà cầm quyền Hà Nội chính là những “khiển trách nặng nề” nhằm làm người dân Việt Nam hèn nhát thêm, khiếp sợ thêm . Thay vì xây dựng một thế hệ chiến sĩ dũng cảm, Đảng Cộng Sản chỉ cố duy trì sự khiếp nhược của toàn dân.

Sự khiếp nhược dẫn tới một điều chắc chắn: Việt Nam sẽ là thuộc địa hoàn toàn của Trung Quốc.