Sunday, February 22, 2009

Bài sưu tầm trên mạng

CHÍNH TRỊ

Đang đọc một cuốn sách rất hay: “TIỂU LUẬN viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932” của Phạm Quỳnh. Tác giả là một nhà văn hóa lớn đầu thế kỷ 20, đã từng viết nhiều bài báo và tác phẩm văn học có giá trị.

Trong các tiểu luận này, có một bài báo tựa đề “Chính trị” được viết vào năm 1929 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Xin được trích dẫn vài đoạn:

“Vậy chính trị theo định nghĩa ở từ điển là gì? Đó là tất cả những gì liên quan đến công việc cai quản Nhà nước, đến công việc quản lý có hiệu quả mọi công việc công cộng, đến việc bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc.
Vậy thì, vì lẽ gì một công dân xứng với danh hiệu này, cho dù danh hiệu đó đã bị hạ thấp ít nhiều, - và đó chính là trường hợp của kẻ đang muốn trở thành công dân ở xứ Đông Dương hay ở nước Nam – lại có thể không quan tâm đến công việc của đất nước mình, nghĩa là quan tâm đến chính trị, cái chính trị như một nghệ thuật quản lý mọi công việc của đất nước sao cho tốt đẹp?

Vì lẽ gì một người nước Nam biết lo lắng cho sự phồn thịnh và tương lai của tổ quốc mình, lại có thể không tìm hiểu xem tố quốc mình được cai quản như thế nào, lại không tự hỏi liệu các thể thức cai quản hành chính hay cai quản hiện nay có phù hợp với đất nước mình không, và nếu cần, thì phải tiến hành những cải cách, những cải tiến, những sửa đổi hoặc những cải tạo hữu ích hoặc cần thiết nào? Và nếu cái người nước Nam ấy phát hiện thấy có những lạm dụng, những sai sót hoặc những vi phạm, liệu cái người nước Nam ấy có thể tự buộc tội mình không tố cáo chúng ra?

Tất cả những điều đó chính là chính trị, và đó không chỉ là quyền được làm mà còn là nghĩa vụ phải làm của người công dân.

Và nếu, trong khi tranh luận về những vấn đề lợi ích chung này, công dân nước Nam kia chỉ duy nhất bị thúc đẩy bởi ước vọng được có ích cho đất nước và đồng bào mình, nếu như công dân ấy không bao giờ mất bình tĩnh, mất khả năng làm chủ hoàn toàn bản thân, mất cái trung lập về tinh thần hay tính “trung dung” thành thói quen trải qua nhiều thế kỷ văn hóa Khổng giáo, nếu như công dân ấy không đem vào đó bất kỳ định kiến nào, bất kỳ sự nóng nảy nào, và hơn thế nữa, nếu công dân ấy luôn luôn giữ mình trong phạm vi hợp pháp và tôn trọng trật tự, thì có cái chính phủ nào, dù có yếu bóng vía đến mấy, lại có thể coi hành vi và thái độ như thế của công dân kia là một tội ác?

Ngược lại, một chính phủ quan tâm đến việc hoàn tất tốt nhiệm vụ của mình sẽ phải biết ơn những con người có thiện chí này, những người làm hết sức mình để soi tỏ cái niềm tin đó của chính phủ.

Và trong hoàn cảnh này, các bạn lại không muốn người nước Nam làm chính trị hay sao? Như thế chẳng khác nào các bạn muốn họ thờ ơ với số phận của đất nước họ, đến tương lai con cháu họ, đến hạnh phúc gia đình họ, đến cuộc sống của chính họ!

Chính các xã hội mị dân Phương Tây đã truyền bá ra thế giới dạng chính trị này, một dạng chính trị khêu gợi và khai thác các đam mê của dân chúng, chia rẽ dân tộc thành các bè phái đối lập, khích họ chống lại nhau, khơi dậy các bản năng thấp hèn nhất của dân chúng để thỏa mãn các tham vọng của một thiểu số sẵn sàng làm tất cả. Dưới cái cớ kiếm tìm hạnh phúc cho nhân dân, người ta ru ngủ và lừa dối nhân dân bằng các ảo tưởng nguy hiểm hoặc giả trá. Với chiêu bài chính trị này, những kẻ tầm thường nhờ vào những con người tốt đẹp hơn họ để giành lấy chính thắng, những người cuồng nhiệt nhất thì vùng vẫy và đứng ra trục lợi là láu cá nhất hạng hoặc là những kẻ ít biết hổ thẹn hơn cả thì đứng ra trục lợi.

Bọn họ duy trì trong xã hội một tình trạng siêu kích động triền miên thuận lợi cho sự bùng nổ mọi loại hằn thù, oán hận, mọi loại tình cảm xấu vốn đang ngủ yên trong đám đông. Đó chính là chính trị “làm chiêu bài cho đủ điều ngu ngốc, cho mọi thứ tham vọng, và cho mọi chuyện lười nhác” như Alphonse Daudet đã nói. Chính vì thế nó trở thành “chất hòa tan cực mạnh ý thức con người”, trở thành yếu tố làm bại hoại tình cảm và phong tục. Cái thứ chính trị đó luôn luôn đi kèm với những cách thức thực thi ít nhiều được đem dùng phổ biến, bao gồm từ những lời dối trá ngu xuẩn nhất đến những dọa dẫm trơ trẽn nhất, từ các mưu mô xảo quyệt nhất đến hành động mua chuộc công nhiên nhất. Lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, lòng ái quốc, sự hòa hợp xã hội, đó là những lời lẽ được dùng để biện hộ cho sự buông thả mọi dục vọng và mọi thói ích kỷ.

Dạng chính trị này, vốn dĩ mọi người đều có thể tiếp cận được, tự nhiên làm nảy nở mọi sự tầm thường. “Thô bạo, bất công, gây hận thù, và to mồm”, nó làm những con người có giá trị tránh xa, nhưng lại phô ra những nét hấp dẫn đặc biệt cho đám người bất tài, mưu mẹo, tham vọng, ba hoa. Sở thích này bắt đầu lan truyền trong một số giới người nước Nam. Nhưng nếu đồng bào chúng ta được tiếp xúc sâu rộng với loại chính trị này, - và dường như đó là quy luật để “tiến bộ” lên – thì chúng tôi mong muốn sự tiếp xúc để tiến bộ đó càng xảy ra muộn càng tốt.

Kết luận phải rút ra từ sự so sánh như thế giữa hai dạng chính trị là rành rành rồi. Người nước Nam có thể và cần phải làm chính trị, nhưng đó là chính trị theo nghĩa thứ nhất đã đem ra phân tích: cái chính trị của lợi ích chung đòi hỏi một sự toàn tâm toàn ý cho việc công. Ngược lại, người nước Nam phải tránh cái chính trị có xu hướng mị dân, nó ve vãn nhân dân để lừa dối nhân dân, và bất chấp thực tế, khiến nhân dân lao vào các ảo tưởng nguy hiểm và không thể thực hiện được.” (trang 312 – 317)

Bài báo ra đời vào năm 1929, thời điểm mà chính quyền phong kiến và chế độ bảo hộ của thực dân Pháp bước vào giai đoạn suy vong. Đúng 80 năm trôi qua nhưng tình trạng bài báo mô tả chẳng thay đổi là mấy ở nước ta, có phần còn tệ hơn. Lúc đó còn có những tờ báo chính thức đăng tải công khai những bài báo như thế này. Tốt hơn nữa là tác giả của chúng chẳng bị làm sao. Không những thế, 2 năm sau ông còn được triều đình Huế mời vào làm quan, giữ đến chức thượng thư (tức bộ trưởng bây giờ). Chính quyền thực dân cũng chẳng bắt tội ông chút nào vì đã dám mỉa mai đến “mẫu quốc”. Nếu Phạm Quỳnh sống vào thời nay thì chắn chắn các bài báo rất giá trị của ông sẽ bị xem là “lề trái”. Nhưng “may” cho ông là đã không “phải” sống đến bây giờ. Ngay sau cách mạng Tháng 8 ông đã bị bắt và giết chết. Một thời gian dài mấy chục năm sau đó chính quyền xem ông là phần tử xấu.

Nhờ tiến bộ công nghệ của nhân loại, người dân Việt vừa tìm thấy một không gian để bày tỏ quan điểm và mối quan tâm chính trị cho đất nước thì chính quyền nhanh nhạy cho ra thông tư quản lý blog. Cuộc sống khó khăn của dân chúng đang có quá nhiều thứ cần chính quyền nhanh nhạy nhưng các quan chức đều vô cảm với những điều ấy. Hệ thống công quyền này chỉ quan tâm đến những cái họ gọi là nhạy cảm. Ý nghĩa trong sáng của tính từ này khi nói về công chúng là để diễn tà mức độ quan tâm rất lớn của nhiều người, nhưng nó đã bị lạm dụng và chính trị hóa để ngăn chặn sự quan tâm chính đáng của người dân vào chính trị.

Xét cho cùng đó là sự hoảng sợ. Yếu thế nào thì người ta mới sợ đến như vậy.

Trần Đông Chấn
Mùa đông tháng 1, 2009


CHÀO 2009

2008 đã khép lại. Mậu Tý cũng sắp kết thúc. Hơn 20 năm qua, kể từ khi Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường, chúng ta chưa bao giờ bước vào năm mới với một không khí ảm đạm như 2009 này. Cách đây đúng 11 năm, 1998 cũng khởi đầu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Đông Á nặng nề nhưng trong nước vẫn giữ được một tinh thần lạc quan để vượt qua khó khăn. Còn bây giờ sự bi quan bao trùm mọi sinh hoạt của xã hội. Nhưng đa phần người dân đều chưa biết rằng một cơn bão lớn đang chuẩn bị ập tới. Sự tuyên truyền trấn an của chính phủ làm cho chúng ta nghĩ đây chỉ là những khó khăn trước mắt và chủ yếu do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Do vậy rất ít người có được một kế hoạch tránh bão an toàn.

Bão bao giờ cũng khốc liệt nhất với những ai bị bất ngờ với nó. Mọi người cần tìm nơi trú ẩn bảo toàn lực lượng, không phải là lúc ra khơi đánh bắt. Chỉ những con thuyền nào sớm nhận biết từ mấy năm trước là sẽ có bão thì mới vạch được những hải trình phù hợp để tiếp tục đi tới mà vẫn tránh được bão. Nhưng những con thuyền nào được cầm lái bởi những kẻ liều lĩnh, ăn may và dựa dẫm, tưởng mình là những thuyền trưởng tài ba thì sẽ bị cơn bão này nhấn chìm, cuốn phăng. Kỷ Sửu 2009 sẽ là năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Nó đã khởi động từ đầu năm 2008 và sẽ chỉ kết thúc vào cuối năm 2010. Người ta sẽ có dịp để thấy hậu quả của việc làm trái các qui luật tự nhiên tai hại đến thế nào, không chỉ là qui luật kinh tế mà cả qui luật nhân quả.

Và có lẽ cũng không mấy ai, kể cả chính quyền ngờ rằng cơn bão này có thể lớn thành sóng thần, và nếu vậy, sẽ gây nên một cơn địa chấn về kinh tế, xã hội, chính trị lớn nhất trong vòng 33 năm qua. Chính vì thế mà chính phủ đang liều lĩnh và cầu may trong việc hoạch định và kéo người dân vào thực thi những chính sách vượt khó như hiện nay. Khả năng thành công của chúng rất thấp nhưng hậu quả của sự thất bại có thể dẫn đến sự giẫm đạp hỗn loạn lên nhau nhằm thoát thân khi xảy ra địa chấn. Việt Nam ta đang ở trong giai đoạn nhận lấy hậu quả của những việc trái qui luật không thể tránh khỏi. Một giải pháp đúng đắn là phải sửa sai ngay từ gốc để giảm bớt số lượng những “quả đắng” và sinh dần ra những “trái ngọt”. Những gì chính phủ đang làm là bọc đường, nhúng mật cho những quả đắng và làm cho chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Mật ngọt lắm ruồi, đến khi hết đường hết mật thì sẽ trơ ra những quả đắng. Khi ấy là lúc chính quyền sẽ mất khả năng kiểm soát quyền lực tập trung vì không còn đường và mật để ban phát. Vì phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực nên chính quyền nuôi hy vọng kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi để có thêm đường thêm mật. Nhưng điều ấy sẽ không thể sớm hơn 2010. Bước vào 2010 niềm tin của người dân Việt Nam sẽ không còn gì có thể cứu vãn do rất nhiều người ngậm quả đắng vì tưởng là trái ngọt. Một môi trường như vậy ắt sẽ dẫn đến những biến cố chính trị to lớn.

Những thời điểm như thế chính là thời cơ cho những thay đổi căn bản mang tính lịch sử. Các vấn đề thâm căn của Việt Nam mà biểu hiện cuối cùng của nó là cuộc khủng khoảng hiện nay chỉ có thể giải quyết tận gốc bằng cách thay đổi toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội. Chữa trị những triệu chứng bên ngoài như lâu nay rất tốn kém mà không hiệu quả, qui luật tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi tất yếu hợp lý. Nhưng những thời điểm như vậy cũng là cơ hội cho những kẻ cơ hội tiếp tay cho ngoại bang chà đạp quyền lợi dân tộc.

Vận nước sẽ thay đổi tốt hay không phụ thuộc vào việc hình thành một lực lượng chính trị mới mang tính dân tộc và dân chủ, thực tâm đặt quyền lợi của đất nước và đa số dân chúng lên trên hết. Những ai có lòng vì vận mệnh đất nước phải kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, nhưng cũng hãy giữ sự sốt ruột để duy trì nhiệt huyết.

Xin chúc mọi người dân có đủ sức khỏe và sự tỉnh táo để vượt qua giai đoạn khó khăn đỉnh điểm sắp tới. Và hãy giữ niềm tin, đặt nó đúng chỗ để chào đón một vận hội mới của Việt Nam.

Chào năm mới 2009.

Trần Đông Chấn

Mùa đông, ngày đầu tiên 2009

No comments:

Post a Comment