Sunday, June 14, 2009

"Cần tỉnh táo khi thị trường dốc đứng!"


Lao Động Cuối tuần số 24 Ngày 14/06/2009 Cập nhật: 7:25 AM, 14/06/2009

http://www.laodong.com.vn/avatar.aspx?ID=103167&at=0&ts=236&lm=633805627655630000

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn.

(LĐCT) - Đúng lúc thị trường chứng khoán vào thời kỳ huy hoàng hiếm thấy sau khủng hoảng, chúng tôi điện thoại cho ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI). Câu trả lời cộc lốc của ông như xé toạc những ảo ảnh du dương mà thị trường đang ập đến: "Không thể hiểu nổi! Điên thật rồi! Nói thật, đến tôi cũng mất phương hướng!".

Câu trả lời của một trong những nhà lãnh đạo thị trường chứng khoán như một gáo nước lạnh, nhưng có sức cảnh báo mạnh, đặc biệt cho những nhà đầu tư còn đang "say máu" vì lợi nhuận mỗi ngày...

Những chỉ báo đáng ngại

Là một thành viên của thị trường, lãnh đạo một trong những công ty chứng khoán hàng đầu, lại tham gia xây dựng thị trường chứng khoán từ thời còn "trứng nước", chứng kiến nhiều thăng trầm của thị trường, lần này ông cảm thấy thế nào?

- Thực sự thị trường đã tăng trưởng ngoài dự đoán. SSI lập kế hoạch kinh doanh cho thị trường chỉ xoay quanh 350 điểm. Tất cả những người kinh doanh CK không ai lại không vui trước việc thị trường tăng trưởng như vậy. Nếu thị trường càng nóng, từ địa vị kinh doanh, các CTCK càng vui: Phí môi giới cao, tự doanh thuận lợi, kiếm tiền dễ hơn... Thị trường tăng như hiện tại sẽ rất dễ dàng cho SSI đạt kế hoạch.

Tuy nhiên từ góc độ của một thành viên để xây dựng thị trường thì tôi lại cảm thấy đáng lo. Nếu thị trường cứ lên thẳng đứng như vậy thì tính bền vững không cao. Tăng trưởng đó không tốt về lâu dài và đó mới là cái đáng lo hơn cơ hội kiếm lời trước mắt một vài tháng. Thị trường chứng khoán chỉ tốt được khi xây dựng được một hệ thống lòng tin với nhà đầu tư (NĐT).

Sau 2007-2008 lòng tin của NĐT với thị trường bị xói mòn rất lớn. Nếu lại lặp lại câu chuyện tăng thẳng đứng và rơi thẳng đứng nữa thì lòng tin còn hay không? Khi lòng tin của NĐT không còn nhiều mới là điều đáng sợ với những người xây dựng thị trường.

Chúng ta thường nghe nói TTCK đi trước nền kinh tế từ 3-6 tháng. Vừa qua cũng có những chỉ số vĩ mô khá tích cực. Có thể coi đó là lời giải thích hợp lý cho những gì đang diễn ra không, thưa ông?

- Phải thừa nhận kinh tế vĩ mô đã cải thiện hơn rất nhiều so với thời điểm xấu nhất, thời kỳ lạm phát tăng rất cao, NĐT nước ngoài bán ra rút vốn. Chúng ta lạc quan nhưng cũng không nên quá lạc quan. Kinh tế thế giới được nhận định là có thể đã qua đáy nhưng để phục hồi không thể ngày một ngày hai. Với Việt Nam, hiện nay cơ cấu nền kinh tế chưa có gì là tốt hơn nhiều khi các ngành nghề vẫn không bật lên đáng kể so với thời kỳ trước.

Kinh tế vĩ mô tốt là phải tăng trưởng so với thời kỳ trước liền kề. Rõ ràng chỉ số GDP của ta chưa tốt vì đang giảm. Cán cân thanh toán tiếp tục giảm, thu nhập từ xuất khẩu giảm. Tình hình kinh tế thế giới cũng vậy: GDP tăng trưởng âm, thất nghiệp tăng... Những con số gần đây chỉ cho thấy tình hình bớt xấu chứ chưa thể gọi là tốt.

Với các DN, cũng chưa có tín hiệu nào cho thấy tốt thực sự mà chỉ là đỡ khó khăn hơn thôi, chưa có DN nào trở lại thời kỳ sung mãn cả. Chẳng hạn trước DN bên bờ vực phá sản, giờ nguy cơ đó bớt đi. Như với nhiều CTCK, làm ăn tốt hơn chẳng qua là nhờ hoàn nhập dự phòng, đầu tư tài chính khởi sắc chút, còn các mảng khác vẫn rất kém.

Như vậy các yếu tố kinh tế hỗ trợ có tốt, nhưng không đủ tốt để TTCK tăng gấp đôi chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Trong khi đó chúng ta lại đang đầu tư cho cái bớt xấu tương tự như với cái tăng trưởng. Đó là điều bất hợp lý tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên vừa thực tế có những số liệu cho thấy DN đã có lãi. Liệu chúng ta có quá lo lắng cho DN hay không?

- Có những DN vẫn trụ vững trong bối cảnh khó khăn. Đó là những DN tốt. Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với những con số lãi vì vừa qua khá nhiều DN tham gia đầu tư tài chính. Ở các nước, các DN sản xuất kinh doanh trên cơ sở một ngành nghề cốt lõi chứ không đầu tư tài chính vì nếu đầu tư tài chính thì họ bỏ vào các quỹ để chuyên nghiệp hoá chứ không tự mình làm. Nhưng ở VN, hầu như các Cty mạnh đều có tham gia đầu tư tài chính và sở hữu chéo nhau.

Do đó khi thị trường xuống, một cổ phiếu mất giá thì các Cty khác phải trích lập dự phòng và cùng lỗ. Lúc thị trường lên, chỉ cần một cổ phiếu tăng giá, các Cty khác lại được hoàn nhập dự phòng thì bảng kế toán lại được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là trên sổ sách vì phần hồi dự phòng nhiều khi còn lớn hơn cả lợi nhuận từ sản xuất chính. Nhưng đó lại chính là điểm yếu vì thực chất hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa có gì cải thiện cả. Lãi đó vì thế không bền vững vì phụ thuộc lớn vào yếu tố thị trường.

Chúng ta phân tích đầu tư trên cơ sở một cái sổ kế toán hiện tại là tốt nhưng cái số tốt đó mấy ngày trước đang còn rất xấu và không có gì chắc chắn nó sẽ không xấu trở lại, thì đó cũng lại là rủi ro.

Ông dường như là người luôn làm ngược. Năm 2003, khi thị trường chứng khoán ở vào tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử, ông lại tỏ ra quá tự tin khi nói với nhân viên của mình: "Đây là cơ hội lớn. Nghịch cảnh tạo ra những cơ hội phát triển đột biến cho những ai nỗ lực...", và rồi SSI đã có cơ hội thật. Nhưng trong những bối cảnh tưởng như thuận chiều, ông lại đánh giá thị trường với con mắt quá khắt khe?

- Tôi vẫn cho rằng thị trường tăng dốc đứng là biểu hiện sự không lành mạnh. Nếu không tỉnh táo thì lúc quay đầu rất có thể sẽ phải quay lại bài toán 2007-2008. Rất nhiều người sẽ mất tiền.

Ông Nguyễn Duy Hưng

"Nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán tăng nóng thời gian qua do vốn ngắn hạn đổ vào thị trường quá lớn".

Một tín hiệu đơn giản: Thị trường chứng khoán là một kênh thu hút vốn dài hạn nhưng tại thời điểm này không thực hiện được. Công ty chứng khoán không dám bảo lãnh dù nhiều DN rất muốn phát hành thêm để huy động vốn. Tuy nhiên, thị trường vẫn cứ tăng do đâu? Theo tôi là do lượng vốn ngắn hạn đổ vào thị trường quá lớn.

Nhưng vừa qua đã có những công bố chính thức từ NHNN cho thấy các số liệu về dư nợ cho vay chứng khoán, bất động sản vẫn dưới mức cho phép?

- Đây có thể coi là một đặc thù của nước ta. Khi ngân hàng đã có quy định rõ ràng về việc cho vay bất động sản, chứng khoán, thì không ai dại gì nói thẳng mục đích đi vay của tôi là để làm việc đó. Nếu như ở nước ngoài, tín dụng được cấp ra dựa trên cơ sở tín chấp, người ta rất quan tâm đến đồng tiền được vay sẽ đi đến đâu, khả năng thu hồi vốn như thế nào. Việt Nam nặng về cho vay thế chấp nên chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo.

Nếu người dân trực tiếp đi vay để đầu tư chứng khoán không được, họ sẽ xoay sang vay hình thức khác, chẳng hạn thế chấp nhà hoặc bịa ra một dự án gì đó để vay được vốn rồi sử dụng vốn đó vào mục đích đầu tư chứng khoán. Chúng ta có thể so sánh đơn giản: Lúc thị trường tốt nhất, sầm uất nhất thì mức độ thanh khoản cũng chỉ 1.000-2000 tỉ đồng là rất cao rồi. Nhưng lúc này, 5.000 tỉ đồng mỗi ngày vẫn là bình thường.

Với thực trạng bảo lãnh phát hành không thực hiện được, rõ ràng vốn dài hạn đang thiếu, DN không huy động được vốn dài hạn, bán trái phiếu không được; vốn nước ngoài vào rất ít. Trong khi đó vốn quay vòng trên thị trường lại rất lớn. Rõ ràng đó chỉ có thể là vốn ngắn hạn từ ngân hàng.

"Tôi không "đánh bạc" với thị trường!"

Ông có thể đưa ra một nhận định về thị trường thời gian tới?

- Bất cứ một dự báo nào lúc này đều là "dở". Cái dở lớn nhất hiện nay là có nhiều dự báo quá chi tiết. Những dự báo này vô hình trung có thể góp phần làm thị trường nóng hơn. Vừa qua có nhiều dự báo kiểu giá cổ phiếu này sẽ tăng đến đâu, nên mua lúc này, bán lúc kia, thị trường sẽ còn lên tới mức kia...

Những thông tin như vậy sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều nhà đầu tư vẫn theo phong trào, coi những tư vấn, phân tích là quan trọng như thể lời bác sĩ với bệnh nhân. Mặc dù tất cả các tư vấn đều có khuyến cáo đi kèm rằng nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm, rằng đây chỉ là những ý kiến cá nhân.... nhưng người nghe chỉ biết đến những nội dung cần thiết mà thường quên đi phần miễn trách nhiệm của người tư vấn.

Vì có tin, người ta mới tìm đến những lời tư vấn. Đó là chưa kể đến mâu thuẫn lợi ích có thể xảy ra bởi bản thân công ty chứng khoán cũng có chức năng tự doanh. Không ai dám chắc là tổ chức đó trước đó đã mua vào cổ phiếu mà giờ đây họ tư vấn cho nhà đầu tư mua để họ bán ra kiếm lời.

Những cảnh báo luôn trái tai. Thực tế như thời kỳ 2007-2008, tôi đã nói ngược diễn biến thị trường. Do đó, thị trường chịu một cú sốc lớn nhưng SSI không sốc. Không bị sốc vì đã được chuẩn bị trước. Đó cũng là lý do SSI còn có lãi tính bằng trăm tỉ năm 2008 trong khi nhiều Cty khác lỗ trăm tỉ. SSI có tổng tài sản lớn nhất, nếu SSI bị "sốc" thì mức lỗ cũng sẽ lớn nhất. Khi thị trường quá nóng, tôi cũng đã lường trước tình huống ấy. Còn khi thị trường suy sụp, mình cũng bị ảnh hưởng theo là chuyện tất yếu.

Một câu hỏi khá riêng tư. Nhiều tổ chức vẫn đang đứng ngoài bữa tiệc chứng khoán. Vậy SSI có "lỡ tàu" không, thưa ông?

- Không thể nói các tổ chức đã lỡ tàu được. Nhà đầu tư nhỏ có thể xoay xở nhanh với một số tiền nhỏ. Nếu một số tiền lớn mang đầu tư thì rủi ro thanh khoản rất lớn. Nếu đã không "chạy" được thì danh mục hôm nay hạch toán lãi, ngày mai có thể lỗ. Từ trước đến nay, SSI không bao giờ đánh bạc với thị trường bằng toàn bộ số tiền của mình. Chẳng hạn nếu SSI mua cả nghìn tỉ cổ phiếu thì thị trường sẽ biến động rất mạnh nhưng việc thoát ra cũng không dễ.

Năm 2008, trong lúc mọi người lỗ nhiều thì SSI vẫn lãi vì SSI luôn kinh doanh trong trạng thái cân bằng, luôn lường trước các trường hợp xấu nhất chứ không vạch kế hoạch theo khả năng tốt nhất. Tôi không biết tổ chức khác như thế nào, nhưng với SSI, tôi ngạc nhiên với độ nóng nhưng không bất ngờ và cũng không hối tiếc gì trong chuyện kinh doanh. Mặc dù như đã nói, thị trường nóng đã đem lại lợi nhuận rất tốt cho SSI.

Vừa rồi SSI có khá nhiều tin đồn, phần lớn là tin đồn tốt, "có lợi" cho giá cổ phiếu SSI. Vậy mà ông lại liên tiếp lên tiếng đính chính. Một lần nữa, ông lại chứng tỏ là người thích làm ngược?

- SSI luôn đính chính những thông tin không chính xác. Kinh doanh phải quan tâm đến hai khía cạnh: Lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Những thông tin không chính xác rồi cuối cùng nhà đầu tư cũng sẽ biết. Chẳng hạn mới đây lại rộ lên tin SSI sẽ lãi "khủng". Thông tin đó rồi cuối năm nhà đầu tư cũng sẽ biết. Thị trường này thuận lợi, SSI có lãi lớn hơn nhiều kế hoạch nhưng không phải lãi "khủng" theo kiểu thị trường những năm 2006-2007.

SSI từ trước đến nay tồn tại được vì NĐT tin tưởng vào thông tin chính xác. Nếu đã đính chính mà nhà đầu tư không nghe thì là chuyện khác, nhưng nghĩa vụ và văn hoá kinh doanh là phải đưa ra thông tin chính xác để khỏi hiểu nhầm. Tại thời điểm này, có thể người ta còn nghi ngờ tại sao mình phải đính chính những thông tin tốt, nhưng sau đó người ta biết chính xác rằng mình nói thật. Cái SSI cần là nhiều năm sau nữa người ta luôn nhìn SSI như một chỗ chỉ cung cấp thông tin chính xác. Bản thân thị trường chứng khoán là niềm tin, quan trọng nhất là phải có được niềm tin.

Xin cảm ơn ông!

"Chỉ số GDP của ta chưa tốt vì đang giảm. Cán cân thanh toán tiếp tục giảm, thu nhập từ xuất khẩu giảm. Tình hình kinh tế thế giới cũng vậy: GDP tăng trưởng âm, thất nghiệp tăng... Những con số gần đây chỉ cho thấy tình hình bớt xấu chứ chưa thể gọi là tốt. Với các DN, cũng chưa có tín hiệu nào cho thấy tốt thực sự mà chỉ là đỡ khó khăn hơn thôi. Trong khi đó chúng ta lại đang đầu tư cho cái bớt xấu tương tự như với cái tăng trưởng tốt. Đó là điều bất hợp lý tiềm ẩn rủi ro"

No comments:

Post a Comment