Sunday, June 28, 2009

Nhìn lại ngày cũ Bài học NGU

Đường về của các Việt kiều đầu tư ở Việt Nam rải rác những xác người. Nhưng chỉ có số rất ít trường hợp được người ta biết đến thôi: Trịnh Vĩnh Bình, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Hoan, Trần Trường, Hoàng Ngọc Tiến, Nguyễn Trung Trực.... Đa số đều im lặng, bỏ của chạy lấy người vì 1. Con kiến mà kiện củ khoai. Ai làm ăn ở VN thì biết hệ thống pháp luật ở VN thế nào rồi (một đại diện pháp luật của VN đã rất thẳng thắn khi cho biết “Pháp luật ở miệng tao”) 2. Họ còn thân nhân bên VN, làm to chuyện chỉ khổ cho các con tin còn ở lại 3. Nói ra không ai thương mà người bên hải ngoại còn cười, cho là ngu, đáng đời 4. Làm ăn ở VN không thể nào mà không sai trái được. Thủ tục đầu tiên là bắt buộc phải có. Phải hối lộ chạy chọt ở mọi cửa mọi nơi. Một khi chính mình tay đã nhúng chàm thì còn đi kiện ai được nữa? 5. Muốn làm cho ra chuyện phải đi kiện tụng ở các toà án ngoại quốc mới có hy vọng. Nhưng phí tổn ban đầu rất cao. Mà chắc gì thắng khi tay đã nhúng chàm? Vì vậy nên đại đa số các nạn nhân ngậm đắng nuốt cay im lặng trở về. Chỉ duy nhất truờng hợp TVB là một ngoại lệ. Vừa có tiền, vừa có thế lực, và cả may mắn nữa, TVB đã làm đến cùng và buộc chính phủ VN phải nhượng bộ. Trong vụ kiện ở toà án quốc tế ở thủ đô Stockholm của Thụỵ Điển với sự trợ giúp của tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ là Covington Burling, TVB đòi phía VN phải bồi thường 150 triệu đôla. Phía VN, đại diện bởi tổ hợp luật sư quốc tế của Pháp Loyrette Rouel, sau hơn 2 năm trời cò cưa, sau cùng yêu cầu được dàn xếp ngoài toà án. Và một trong các điều kiện của VN là các chi tiết bồi thường phải được giữ bí mật.

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình
Trần Quốc Hoàn

Gần đây, việc ông Trịnh Vĩnh Bình thưa kiện Chính phủ Việt Nam ra một toà án Quốc tế đã làm xôn xao dư luận ở Hải ngoại. Vụ kiện này là một vụ án chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và có rất nhiều ý nghĩa khác nhau, đặc biệt là số tiền bồi thường quá lớn đối với một đất nước nghèo khó như Việt Nam: 100.000.000 USD. Thật ra, trong những cuộc họp giao ban của khối an ninh vào khoảng cuối năm 2002 thì người ta đã phổ biến thông tin rằng ông Trịnh Vĩnh Bình đang tìm cách thưa kiện Chính phủ Việt Nam rồi. Song, vì thái độ vô trách nhiệm, coi thường pháp luật, coi thường dư luận Quốc tế, cộng với sự chủ quan, lúng túng của bộ máy an ninh, của lãnh đạo cộng sản nên họ đã để sự việc diễn biến đến nghiêm trọng như ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dư luận trong nước lại rất ít người biết đến vụ việc này, do sự chỉ đạo bưng bít thông tin của Ban tư tưởng Văn hóa, Đảng cộng sản Việt Nam, mới chỉ có hai, ba tờ báo là “dám” nhắc đến vụ án này một cách “qua quít”, sao chép giống hệt nhau, cùng với mấy ông luật sư trả lời một cách “không có đầu, không có cuối”.

Nhà nước cộng sản Việt Nam, mà tất nhiên là do Đảng cộng sản cầm quyền lãnh đạo, đã rất lo ngại vụ việc này bị phanh phui như một vụ án nghiêm trọng và đặc biệt điển hình để tố cáo chế độ cộng sản ở nhiều mặt khác nhau. Với Quốc tế và giới doanh nhân (xin nhấn mạnh ở đây là giới doanh nhân nói chung, ở cả trong và ngoài nước chứ không riêng gì Việt kiều hay doanh nghiệp nước ngoài như một số bài báo nêu ra, vì ở Việt Nam chưa hề có “một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp” như lời mời gọi của giới lãnh đạo cộng sản vẫn hô hào, bất kể doanh nghiệp nào không phải là doanh nghiệp nhà nước (là “con bò sữa”, là chỗ làm tiền và rửa tiền của Mafia cộng sản) đều gặp phải rất nhiều rắc rối do chính quyền gây ra) đây là một vụ án điển hình nhất được tố cáo và sẽ đưa ra xét xử công khai trước Quốc tế, sẽ là một bằng chứng sống động nhất cho Thế giới biết đến sự cưỡng bức trắng trợn, sự bất chấp luật pháp, vi phạm nhân quyền của bộ máy an ninh cộng sản, chính quyền cộng sản. Đặc biệt đây là một sự kiện hi hữu, không thể lý giải được: một tội phạm đào thoát đang chịu hình phạt bị kết án 11 năm tù - có nghĩa là một kẻ đang bị một chính phủ truy nã - lại dám công khai đứng ra kiện chính phủ đó trước Tòa án Quốc tế. Nhưng quan trọng hơn là đối với số đông quần chúng nhân dân, chính quyền cộng sản đang rất lo sợ dư luận nhân dân sẽ biết rõ sự việc này, và đặc biệt nếu chính phủ Việt Nam sẽ bị xử thua ở phiên tòa năm sau thì vụ án này sẽ gây ra một sự bất bình lớn trong dân chúng, nếu toàn bộ sự thật được phơi bày có thể sẽ gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ mà sẽ khó đoán trước được hậu quả như thế nào.

Sau khi đã đọc và nghe kỹ hầu hết các bài viết và phỏng vấn ở Hải ngoại có liên quan đến vụ án, tôi xin gửi đến quý độc giả (thính giả) và đặc biệt là ông Trịnh Vĩnh Bình thêm một số chi tiết mà tôi khẳng định là yếu tố quyết định vụ án. Với cương vị là một người trong cuộc, tôi xin đảm bảo rằng những thông tin mình đưa ra là chính xác 100% (điều này hy vọng sẽ được ông Trịnh Vĩnh Bình xác nhận), đồng thời cũng cung cấp thêm một số thông tin mà có thể do ở một góc độ khác ông Trịnh Vĩnh Bình không được biết, hoặc vì một vài lí do nào đó mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tiết lộ, với mục đích làm rõ hơn những ẩn khuất trong vụ án này và để dư luận trong ngoài nước sẽ được biết đến, quan tâm đến vụ án này hơn nữa; qua đó quần chúng nhân dân, đồng bào Việt Nam ở Hải ngoại và trong nước sẽ cùng lên tiếng tố cáo những bất công, bưng bít, vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam.

Cần trở lại vụ án Công ty cổ phần Bình Châu (cũng gọi là vụ án Bình – Hà Lan) ở những năm 1998-1999, đã được báo chí Việt Nam viết đến rất nhiều, cũng không ít bài báo viết có sự phân tích, mổ xẻ về tính pháp lí của vụ án, bênh vực “bị cáo” Trịnh Vĩnh Bình. Do có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau nên vụ án được dư luận trong nước quan tâm nhiều. Thế nhưng, sự quan tâm đấy cũng chỉ đơn thuần coi như một vụ án kinh tế, có “dính dáng” đến Việt kiều, đến đầu tư nước ngoài. Rất ít ai được biết đến vụ án là đã có những yếu tố chính trị, thậm chí cái yếu tố ấy đã có tính quyết định toàn bộ vụ án. Về nội dung này tôi không nghĩ là ông Trịnh Vĩnh Bình đã không hề biết gì. Gần đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã không cung cấp thêm thông tin gì mới hơn, có thể ông cần phải giữ thái độ thận trọng cần thiết, cũng có thể ông chưa được biết chính xác. Tôi xin công khai chi tiết này dưới đây, để độc giả có thể hiểu được bản chất của sự việc và qua đó các bên liên quan sẽ tìm ra những phương pháp hành xử tốt nhất trong những công việc tiếp theo của vụ án mà ông Trịnh Vĩnh Bình đang theo kiện chính phủ Việt Nam.

Những nguyên nhân chính mà ông Trịnh Vĩnh Bình đưa ra (cũng đã được ông Trọng Kim, chủ bút tờ báo Ngày nay ở Houston, Texas – Hoa Kỳ cho biết thêm) là do ông Bình đã có một sự đối đầu với cơ quan công an tỉnh Bà rịa – Vũng tàu, cụ thể là ông Ngô Chí Đan, trưởng phòng an ninh điều tra (PA24) và ông Phạm Văn Phương - anh vợ ông Ngô Chí Đan - chức danh phó Tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarent.

Sự việc này cần phải diễn giải chi tiết thêm thì độc giả mới có thể hình dung được. Tại địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì gần như ai ai cũng đều biết đến ông Ngô Chí Đan, với cương vị trưởng phòng An ninh điều tra, phó thủ trưởng cơ quan điều tra liên tục mười mấy năm liền, và là một con người khét tiếng với các vụ án quan trọng. Thế nhưng còn nổi tiếng và “tài ba” hơn nhiều lại chính là ông Phạm Văn Phương, anh vợ của Ngô Chí Đan, với những quan hệ mà những người dân thường chỉ nghe thấy thôi cũng đã phải “rùng mình”, từ Tổng bí thư (xin nói rõ là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam chứ không phải bí thư xã, bí thư huyện nhé) đến Thủ tướng, phó thủ tướng Chính phủ, còn cỡ như Bộ trưởng, thứ trưởng thì ông Phương có thể quen biết vài chục vị. Chỉ qua việc ông ta đã từng hạ “nốc ao” cả Chủ tịch tỉnh và đưa một vị khác lên thay chức chủ tịch tỉnh, rồi vào ủy viên Trung ương Đảng cộng sản là đủ biết uy lực của ông Phương lớn đến thế nào (riêng sự việc này tôi xin gửi thông tin đến độc giả ở một bài viết khác).

Thế nhưng, sau này chính anh em ông Ngô Chí Đan và Phạm Văn Phương cũng lại phải ra hầu Tòa trong một vụ án khác, mà ông Ngô Chí Đan đã bị kỉ luật, tước danh hiệu công an, Phạm Văn Phương thì chịu bản án 27 năm tù giam. Thật ra, trong vụ án đó anh em ông Phương, ông Đan cũng chỉ là con mồi của bộ máy an ninh cộng sản, con mồi của chính cái bẫy mà mình đã giăng ra, và tôi cũng xin khẳng định rằng vụ án đó cũng lại chính là hệ lụy của vụ án Trịnh Vĩnh Bình mà chúng ta đang nói đến hôm nay, vì lí do đó tôi lại phải xin hẹn với độc giả trong một bài viết khác sẽ được nói rõ thêm về vụ án này (độc giả ở Hải ngoại có thể tìm xem về “vụ án Phương Vicarent” trên các trang pháp luật của các báo điện tử tại Việt Nam, còn ở Việt Nam thì chắc là ai cũng đều biết đến vụ án ấy cả).

Vì xã hội Việt Nam đã hoàn toàn bị Đảng cộng sản cưỡng bức thông tin, bưng bít thông tin; chế độ Đảng trị độc tài can thiệp vào tất cả bê bối kinh tế và chính trị nhằm che dấu tội lỗi của mình, lo sợ sự phản ứng giận dữ của quần chúng, nhằm đảm bảo sự độc tài thống trị của mình, nên người dân không được biết về thế lực thật sự của ông Phạm Văn Phương cùng những hành động tội lỗi của ông ta mà thật ra “tập đoàn Mafia Năm Cam” so ra với ông Phương cũng chỉ bằng hạt cát.

Quay trở lại vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình, thật không may cho ông Trịnh Vĩnh Bình là: thời điểm mà ông Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam đầu tư là thời điểm mà ông Phạm Văn Phương và vây cánh của ông ta đang rất mạnh. Tất cả các doanh nghiệp vào đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu đều phải nhờ vả hoặc đến “ra mắt” ông Phương, phải chịu sự điều khiển của ông ta, hoặc ít ra cũng phải “cống nộp” tiền bạc cho ông ta. Ông Trịnh Vĩnh Bình vì là người ở Hà Lan đến, cộng thêm sự tự tin là về đầu tư trên quê hương mình nên đã không sớm có sự hiểu biết đó. Nguyên nhân mà ông Trịnh Vĩnh Bình hiểu ra rằng sự khó chịu và đối đầu với ông Phạm Văn Phương đã gây ra cho ông bao nhiêu khó khăn, vất vả sau này, từ đổ vỡ trong kinh doanh, rồi tù tội, trắng tay về kinh tế, rồi phải đào thoát, tính mạng nguy hiểm đến thế nào, và cuối cùng là vụ kiện chính phủ Việt Nam mà ngày hôm nay ông đang theo đuổi. Về xuất phát cơ bản thì đúng là như vậy, nhưng sự thật đằng sau đó có ý nghĩa quyết định vụ án đấy là lí do chính trị, bàn tay của Tổng cục II, Bộ quốc phòng.

Ngay sau khi ông Phương và bè cánh của ông Phương đã lên một “kế hoạch” hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình, người ta chưa hề nghĩ đến sẽ có một hậu quả xấu như thế (tôi chắc là ngay cả chính ông Phương cũng chưa định liệu trước được một hậu quả như vậy). Bởi vì bản chất của Phương chỉ là một kẻ giang hồ, mượn oai thế và uy lực để bức hiếp kẻ yếu, tống tiền, trục lợi. Về con đường “quan lộ”, với cái gốc là lái xe, không một mảnh bằng cấp, không trình độ ngoại ngữ, Phương không thể “mảy may” nghĩ tới. Và Phương cũng không nghĩ ra được rằng con mồi của mình (ông Trịnh Vĩnh Bình) lại liên quan đến các yếu tố chính trị cơ hội khác. Ngô Chí Đan, dù là trưởng phòng an ninh điều tra, phòng có uy quyền nhất trong lực lượng công an cộng sản (cơ quan điều tra là cơ quan duy nhất được phép ra lệnh triệu tập và bắt người), là cơ quan theo dõi mọi hoạt động an ninh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, thế nhưng Ngô Chí Đan cũng không hề có thông tin và âm mưu hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình là có liên quan đến các yếu tố chính trị (ngoài việc biết ông Trịnh Vĩnh Bình là thành viên Đảng dân chủ tự do Hà Lan). Việc Phương và Đan mưu hại thật ra cũng chỉ là một màn kịch tống tiền, Phương và Đan chưa nghĩ ra được Trịnh Vĩnh Bình sẽ trở thành một miếng mồi thơm hơn để có thể trục lợi những âm mưu khác, Phương và Đan cũng không thể nghĩ ra rằng việc hãm hại Trịnh Vĩnh Bình có thể để lại một hệ lụy khôn lường (cho chính cả bản thân mình và cho cả chính phủ Việt Nam) đến ngày hôm nay.

Mọi việc không chỉ đơn giản như vậy. Chắc rằng, tất cả những người có một chút am hiểu về bộ máy an ninh của cộng sản đều biết rằng: mọi công dân nước ngoài khi vào hoạt động, làm ăn tại Việt Nam cũng đều bị một sự giám sát vô hình của cơ quan an ninh cộng sản. Đặc biệt như trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình, một thành viên của Đảng dân chủ tự do Hà Lan, ngoài các bộ phận nghiệp vụ của Bộ công an ra thì không thể nào Tổng cục II - Bộ quốc phòng lại có thể “quên” được. Do vậy, giai đoạn mà mạng lưới Mafia của Phạm Văn Phương đang tìm cách hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm quan trọng, quyết định nhất thì chính là lúc lộ diện vai trò của Tổng cục II. Lúc đó, Phương và Đan đều có phần lúng túng (dù là không bất ngờ) vì kế hoạch của mình có thể bị bại lộ hoặc phải thay đổi, lúc này bọn chúng phải tính đến việc phải phối hợp với Tổng cục II để hướng sự việc sang một chiều hướng khác. Do phối hợp với Tổng cục II nên nhiều yếu tố mới đã xuất hiện, từ đó sự việc trở nên phức tạp và ngoài tầm kiểm soát của Phương – Đan, nhưng cũng lại mở ra một âm mưu mới táo bạo hơn, có lợi hơn cho Phương – Đan (âm mưu hạ bệ ông Nguyễn Trọng Minh, chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau vụ án này) !?

Đây là yếu tố quyết định của vụ án này, và cũng chính từ Tổng cục II đã phát ra nhiều thông tin đặc biệt rất bất lợi đến ông Trịnh Vĩnh Bình (đến bây giờ cũng khó khẳng định được những thông tin này là thật hay “dỏm” như những thông tin mà Tổng cục II đưa ra về ông Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo cao cấp khác ?). Những diễn biến dưới đây , tôi cũng xin để trả lời cho nguyên nhân tại sao mà ông Trọng Kim, chủ bút tờ báo Ngày nay ở Houston, Texas – Hoa Kỳ, không biết được tại sao mà ngay cả khi đã có bút phê của thủ tướng chính phủ Việt Nam – Phan Văn Khải - rồi mà bên Bộ công an họ vẫn ra lệnh khởi tố, bắt giam ông Trịnh Vĩnh Bình (xin xem thêm trong phỏng vấn ngày 15/5/2005 của Đài RFA, BBC hoặc các trang Web: www.ykien.net, www.doi-thoai.com, www.dcvonline.net ...). Và qua đây tôi cũng xin làm rõ một số chữ viết tắt (mà theo tôi là không cần thiết), và một số điều chưa rõ trong “Thư gửi đồng bào cả nước” của tác giả Nguyễn Thiện Tâm đăng trên rất nhiều báo chí Hải ngoại thời gian gần đây, ở phần nói về vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình (xin đọc trên trang Web: www.vnn-news.com ra ngày 18/5/2005). Việc này ông Trọng Kim cho rằng: là do thế lực và vây cánh của thứ trưởng Bộ công an - Nguyễn Khánh Toàn - quá mạnh. Thực chất, không phải là như vậy, mặc dù tôi cũng khẳng định rằng ông Phương – Đan có quan hệ rất thân thiết với ông Nguyễn Khánh Toàn (thậm chí việc ông Nguyễn Khánh Toàn mất ghế Bộ trưởng công an sau này cũng do vụ án “Phương Vicarent” mà liên lụy), thế nhưng lúc đấy ông Lê Minh Hương là Bộ trưởng - Ủy viên Bộ chính trị, quyền lực rất mạnh nếu muốn làm cũng không thể làm được gì, đấy chính bởi vì đã có bàn tay của Tổng cục II - Bộ quốc phòng dính vào, thậm chí là quyết định toàn bộ vụ án.

Rất ít khi có một vụ án kinh tế mà lại phức tạp như vụ án này. Cần phải nói rõ thêm, về vụ án này đã có mấy chục cá nhân liên quan được cơ quan công an thẩm vấn, điều tra. Trong số các bị cáo, ngoài ông Trịnh Vĩnh Bình là bị cáo chính, còn một nhân vật cũng được rất nhiều người biết đến, đấy chính là ông Lê Quang Luyện, tiến sĩ hóa học, đã từng là thư ký riêng của Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; gia đình bà Hương, vợ ông Luyện, lại có quan hệ với bà phó chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm (lúc đó mới chỉ là Bộ trưởng Bộ ngoại giao). Từ đó đã nảy sinh ra rất nhiều mối quan hệ, nhiều sức ép từ nhiều phía. Bằng con đường ngoại giao, chính phủ Hà Lan đã có công hàm cho chính phủ Việt Nam. Thường vụ Bộ chính trị Việt Nam đã phải họp mở rộng bốn lần về vụ án này.

Theo quan điểm ngoại giao, ông Phan Văn Khải và bà Nguyễn Thị Bình (đã từng là bộ trưởng ngoại giao và trưởng phái đoàn đàm phán của CPLTCHMN Việt Nam tại Pari) đề nghị đình chỉ vụ án và giải oan cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Ngược lại, ý kiến của ông Lê Khả Phiêu, Lê Minh Hương và đặc biệt người tỏ ra quyết liệt, gay gắt nhất là ông Phạm Thế Duyệt (người mà tác giả Nguyễn Thiện Tâm viết tắt là PTD, còn ba người kia nữa là ông Châu Văn Mẫn - giám đốc công an tỉnh Bà rịa – Vũng tàu, Lê Văn Dỹ - bí thư tỉnh ủy, sau này bị khiển trách và đưa ra làm Phó Ban kinh tế Trung ương, và Phạm Văn Phương) là phải kiên quyết xử lý. Nhưng từng ý kiến của các vị Ủy viên Bộ chính trị ấy đều không có tính quyết định bằng các chứng cứ của Tổng cục II đưa ra, họ khẳng định rằng Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam là để hoạt động gián điệp, núp dưới cái “vỏ” doanh nhân. Tổng cục II đã đưa ra hàng loạt những ghi chép theo dõi về các hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình, một trong những mục tiêu của Trịnh Vĩnh Bình là mua chuộc các cán bộ cao cấp nhất, mà cụ thể Tổng cục II đưa ra dẫn chứng về một cuộc sắp đặt của ông Trịnh Vĩnh Bình tiếp xúc ông Phan Văn Khải, cũng như việc ông Trịnh Vĩnh Bình đã dùng tiền hối lộ (mà theo tổng cục II là để mua chuộc, khống chế) ông Nguyễn Trọng Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà rịa – Vũng tàu (sau này ông Minh cũng bị mất chức Chủ tịch vì vụ việc này) (người viết chỉ đưa ra các chi tiết theo các tài liệu có được, điều này chắc chắn ông Trịnh Vĩnh Bình là người biết rõ nhất và là đúng sai như thế nào ?).

Về phía bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm cũng được Tổng cục II cho biết những mối quan hệ và tiếp xúc với gia đình ông Lê Quang Luyện, do vậy ông Khải, ông Cầm và bà Bình gần như “chết cứng”, không thể nói được gì nữa. Vậy là từ một âm mưu tống tiền rồi chuyển thành một vụ án kinh tế, một vụ án kinh tế lại được biến ra thành một vụ án chính trị. Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã phải trực tiếp chỉ đạo vụ án. Tuy nhiên, cả phía an ninh quân đội và công an đều cho rằng họ đã “bắt non” ông Trịnh Vĩnh Bình, vì vậy họ phải xử theo một vụ án kinh tế (chứ không phải là “hình sự hóa quan hệ kinh tế” như ông Trịnh Vĩnh Bình đã trả lời phỏng vấn báo chí). Vậy là việc ông Trịnh Vĩnh Bình bị kết án là việc không thể tránh khỏi và là một “vở kịch” đã được Tổng cục II viết sẵn rồi, các công việc thủ tục pháp lí tiếp theo chỉ còn mang tính chất hợp pháp hóa cho cái “vở kịch” đó thôi.

Nhưng sau khi ông Trịnh Vĩnh Bình đã bị kết án và bắt giam rồi thì lại xảy ra một “tấn tuồng” khá vụng về của cơ quan an ninh Việt Nam và “tấn tuồng” ấy đã để lại hậu quả đến hôm nay. Đấy chính là việc “để thoát” ông Trịnh Vĩnh Bình, cần xem lại các báo chí Việt Nam viết về sự kiện đó, các báo đưa tin: “Trịnh Vĩnh Bình đã bỏ trốn khi cơ quan công an di lí từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài - Hà Nội” (đào thoát trên máy bay mới lạ chứ! Thật là một “trò hề” quá vụng về!). Việc này, gần đây tất cả các bài báo và trả lời phỏng vấn của ông Trịnh Vĩnh Bình đều không đề cập đến. Có thể vì lí do nào đó mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã né tránh điều này, chỉ duy nhất hai lần ông Trịnh Vĩnh Bình và ông Trọng Kim nhắc đến sự việc này với từ “đào thoát” mà không nói gì thêm. Tôi chắc chắn rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có thể viết sách bán được về cái vụ “đào thoát” của mình. Tôi cũng đề nghị ông Trịnh Vĩnh Bình cần công khai tất cả những chi tiết này, vì nó sẽ có lợi hơn cho ông. Theo một thông tin tuyệt mật được phía Bộ công an tiết lộ thì âm mưu đào thoát của ông Trịnh Vĩnh Bình lại là một kế hoạch được thỏa thuận ngầm của Tổng cục II.

Rất may khi ông Trịnh Vĩnh Bình đã nghĩ là: “sau một thời gian tôi được tại ngoại, tôi cảm thấy là có nguy cơ tôi sẽ bị bắt lại và đưa vào tù và có thể tôi sẽ bị chết. Do đó, với hoàn cảnh đó, tôi phải đào thoát khỏi Việt Nam”. Bởi vì, theo kế hoạch đó của Tổng cục II, việc họ bắt và xử ông là không có cơ sở, trái với luật pháp Quốc tế và Việt Nam. Do vậy, các Chính phủ và tổ chức Quốc tế sẽ can thiệp và nếu sự việc vỡ lở lúc đó sẽ dẫn đến những hậu quả lớn hơn trên trường Quốc tế. Vậy thì, cách tốt nhất là họ để ông “đào thoát” và sau đó sẽ tìm cách thủ tiêu ông, lúc đó sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về vụ án của ông cũng như mạng sống của ông nữa. Nếu có một tổ chức điều tra Quốc tế nào đó có thể điều tra ra thì đấy cũng chỉ như một vụ án hình sự thanh toán lẫn nhau của các băng nhóm giang hồ mà thôi. Những linh tính đã mách bảo cho ông Trịnh Vĩnh Bình và cứu ông thoát khỏi cái chết trong tay của Tổng cục II. Phải chăng, đây là một trong những trường hợp may mắn khá hi hữu, hay là khi ông Trịnh Vĩnh Bình tiết lộ rõ mọi chuyện thì người ta sẽ lại được thấy thêm những bộ mặt phản trắc trong nội bộ Tổng cục II ?

Từ vụ án này người ta lại thấy bản chất cực kỳ thâm độc của cơ quan An ninh cộng sản - Tổng cục II. Nhưng hơn tất cả là người ta nhận thấy sức mạnh ghê gớm của nó, nó có thể điều hành tất cả các vị trí, chức vụ cao nhất trong Đảng, trong Chính phủ, kể cả các ủy viên Bộ chính trị. Nó có thể can thiệp vào mọi công việc và quyết định mọi sự việc theo ý mình. Sau vụ này cũng cần phải nói thêm là viên trung tá phụ trách Tổng cục II ở Bà Rịa - Vũng Tàu là Võ Minh Thắng (biệt hiệu là Thắng “què”) đã được phong quân hàm lên chức thượng tá.

Cuối cùng, điều gì cần rút ra sau vụ án này ? Dù ông Trịnh Vĩnh Bình có thắng hay thua trong vụ án này thì nhiều bài học rất xót xa cũng đã và sẽ được rút ra từ các bên, mà những nguyên nhân của nó lại chính xuất phát từ cơ quan an ninh - Tổng cục II, Bộ quốc phòng Việt Nam, một cơ quan đã gây ra quá nhiều vụ án, tai tiếng từ quá khứ và hiện tại rồi sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả dân tộc. Nhà nước Việt Nam thì bị tai tiếng, mất uy tín trên trường Quốc tế. Chính quyền Việt Nam thì bị mất đi một số cán bộ do bị họ chụp mũ, vu khống, cưỡng bức. Các cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp, những người không thể tự mình có thể đối phó với thế lực của họ thì bị tù đày, oan ức, sạt nghiệp và không ít người bị thủ tiêu, bức tử. Và điều gì nữa sẽ xảy ra nếu ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ thắng kiện trong vụ kiện sắp tới (mà cá nhân tôi tin chắc rằng ông ta sẽ thắng kiện) ?

Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã khẳng định rằng số tài sản ban đầu mà ông đầu tư vào Việt Nam chỉ tổng cộng trên dưới 4 triệu Mỹ kim; tất nhiên con số 100 triệu Mỹ kim của ông Bình và luật sư của ông đưa ra yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bồi thường cũng phải rất có cơ sở, vậy số tiền chênh lệch lên đến 96 triệu đô la Mỹ, có nghĩa là phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ gấp 24 lần giá trị ban đầu. Một trăm triệu đô la Mỹ, đâu phải là một khoản tiền nhỏ ? Một khoản tiền rất lớn đối với mọi quốc gia, và đối với Việt Nam lại càng là một số tiền khổng lồ. Ở Việt Nam, với số tiền đó có thể xây dựng được hơn 200 trường học khang trang, hiện đại; khoảng 30 bệnh viện lớn. Số tiền đó có thể giúp cho khoảng 160.000 hộ gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Và nếu chia đầu người 82 triệu dân Việt Nam phải ghánh chịu thì già trẻ, lớn bé mỗi người đều phải đóng góp gần 20.000 đồng mới đủ để trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, chưa tính được án phí sẽ là bao nhiêu nữa.

Thật là khủng khiếp! Thật là đáng căm giận! Số tiền đó ai sẽ phải trả ? Chính phủ Việt Nam ư ? Chẳng có Ngân sách quốc gia nào cả, đấy chính là tài sản của nhân dân Việt Nam đó. Tất cả một đồng bạc nào của đất nước Việt Nam cũng đều do nhân dân lao động làm ra và đóng góp cả. Hết vụ kiện của ông Letard kiện Liên đoàn bóng đá Việt Nam số tiền 197.000 Mỹ kim, rồi lại đến vụ hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airline bị kiện bồi thường khoảng 5 triệu đô la Mỹ, rồi lại đến vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình sắp tới đây. Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ lấy đâu ra tiền để bồi thường những khoản tiền đấy (dù chỉ là chi phí theo hầu kiện và án phí)? Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam làm gì có “của hồi môn” nào để lại mà tự ghánh chịu thiệt hại ? Tất nhiên những đồng tiền ấy là của NHÂN DÂN rồi! Thế thì, ai cho phép Đảng cộng sản Việt Nam được tự ý sử dụng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân như vậy ? Ai cho phép Đảng cộng sản Việt Nam dùng mồ hôi của người lao động để đóng cái khoản “tiền ngu” cho mình như thế ? Tại sao báo chí Việt Nam và những ông luật gia, luật sư lại chỉ nói đến việc ấy một cách vô cảm, vô trách nhiệm như là một “bài học kinh nghiệm”? Nhân dân Việt Nam đâu có cần và đâu có làm ra những “bài học kinh nghiệm” đó ??

Hay phải chăng những đồng tiền đó không phải là mồ hôi, nước mắt của nhân Việt Nam? Hoàn toàn không thể như vậy được, chẳng qua là do người dân không được biết sự thật đó thôi. Nhân dân Việt Nam cần phải biết sự thật! Những nhà hoạt động dân chủ, những người có khả năng và phương tiện để tuyên truyền đến dân chúng, cùng tất cả những người dân yêu nước Việt Nam, phải vạch rõ những sự thật này cho mỗi người dân trong nước được biết đến. Trách nhiệm là của tất cả mọi người, nếu chúng ta không muốn nhìn thấy bất công, nếu chúng ta không muốn đất nước và nhân dân phải chịu thiệt hại, nếu chúng ta không muốn lại tái diễn những sự kiện tương tự, chúng ta phải có trách nhiệm thông báo và giải thích rõ những sự kiện này đến mỗi người dân lao động Việt Nam ? Tại sao các tổ chức đối lập ở Hải ngoại không lên tiếng đấu tranh với Chính phủ Việt Nam về những sự kiện này ? Phải chăng là họ không cảm thấy thương xót cho tài sản, mồ hôi nước mắt của đồng bào mình đã bị Nhà nước cộng sản xâm phạm ? Tại sao những nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước không lên tiếng đấu tranh với một sự việc quá rõ ràng và không thể bưng bít được (so với vụ án Tổng cục II mà lâu nay vẫn tốn nhiều giấy mực nói đến)? Phải chăng các nhà hoạt động dân chủ cho rằng vụ việc này không liên quan đến đấu tranh dân chủ, không thiệt hại đến đồng bào và cá nhân mình ? Còn chờ gì nữa ? Đã đến lúc cần phải tự cảnh tỉnh và tự vấn mình!!

Bài viết này tôi cũng xin gửi đến toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và Hải ngoại để chúng ta được biết thêm sự thật đằng sau bức màn đen tối của chế độ cộng sản Việt Nam. Tôi xin nhờ đến các cơ quan đài, báo Việt Nam ở Hải ngoại và đài, báo quốc tế có quan tâm đến sự việc này giúp tôi chuyển bài viết này đến đồng bào Việt Nam ở trong nước và trên khắp Thế giới. Tôi cũng rất mong sẽ nhận được những ý kiến của ông Trịnh Vĩnh Bình để khẳng định thêm tính trung thực về những tư liệu mà tôi đưa ra, đồng thời cũng rất mong muốn rằng ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ cho các cơ quan báo chí và đồng bào Việt Nam được biết thêm những chi tiết về cuộc “đào thoát” của mình, cùng những thủ đoạn đen tối của cơ quan an ninh cộng sản đã áp dụng đối với ông. Tôi cũng sẽ xin cung cấp thêm những thông tin riêng mà mình đang có liên quan đến vụ án mà ông đang theo đuổi, nếu ông thấy cần thiết.

Xin hẹn trở lại với độc giả ở một bài viết sau, nói về hậu quả của vụ án Bình Châu (Trịnh Vĩnh Bình) đã để lại cho gia đình ông Phạm Văn Phương và Ngô Chí Đan, cũng chính là một vụ bê bối chính trị trong bộ máy cộng sản được ém nhẹm, ngụy trang dưới cái vỏ “kinh tế” để lừa bịp che mắt nhân dân.

Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 25/5/2005


Theo lời Lưu Vũ, tác giả "là một chuyên viên tư vấn, trong thời gian làm việc tại Hà Lan đã có dịp tiếp cận với vụ án ở mức độ thượng tầng”.

Đến chính phủ, bộ ngoại giao và quốc hội HL yêu cầu giải quyết mà VN trước sau như một vẫn tôn trọng nguyên tắc "Im lặng là vàng" thì số phận các đơn khiếu kiện của người dân VN ra sao các bác thấy rồi. Chúc các bác Việt kiều đầu tư nhiều may mắn


Vụ Kiện Trịnh Vĩnh Bình
Tùng Nguyên (danchimviet)

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã và đang được chính phủ Hà Lan quan tâm đặc biệt, vì nó xâm phạm nghiêm trọng Hiệp định Đầu tư Song phương Hà Lan - Việt Nam (BIT), trong khi phía Việt Nam luôn luôn coi đó như là một vụ án cá nhân thuộc lãnh vực nội bộ của Việt Nam, do đó đã tạo ra sự căng thẳng giữa hai nước, không phải chỉ mới xảy ra trong năm nay mà đã diễn ra liên tục, từ cuối năm 1996 (lúc ông Bình bị bắt). Tuy nhiên, những nỗ lực của Hà Lan trong lãnh vực ngoại giao “ngầm” đã không mang lại kết quả nào, sau đó vụ án được công khai trên báo chí và dư luận từ đầu năm 2000 (khi ông Bình bị tuyên án 11 năm tù và bị tịch thu toàn bộ tài sản).

Trước các phản ứng của chính phủ Hà Lan từ âm thầm nhưng mạnh mẽ qua đường ngoại giao (1996 – 2000), đến áp lực công khai qua dư luận và báo chí (2000 – 2004), chính phủ Việt Nam, do thái độ thiếu hiểu biết và coi thường luật pháp, tiếp tục im lặng trước những đòi hỏi chính đáng của phía Hà Lan, nên vụ án Trịnh Vĩnh Bình đã và đang bước sang giai đoạn nghiêm trọng và có thể gây thiệt hại lớn lao cho đất nước.

Đầu năm 2000 chúng tôi nhận được một tập hồ sơ 752 trang (đã được cơ quan lưu trữ gạn lọc và đánh số thứ tự) từ văn phòng Hội đồng chính phủ Hà Lan, bao gồm các văn kiện và tài liệu liên quan đến vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhiều văn kiện có đóng đấu MẬT nhưng đã được gạch chéo, nghĩa là hồ sơ đã được giải mã và có thể phổ biến công khai. Nhiệm vụ của chúng tôi là nghiên cứu tập hồ sơ và đúc kết cho chính phủ Hà Lan.

Sau khi tham khảo toàn bộ hồ sơ, chúng tôi đã đúc kết thành một bản Tổng lược vụ án Trịnh Vĩnh Bình (5 trang) gởi cho Hội đồng chính phủ, một tuần sau, chúng tôi được mời đến Văn phòng Hội đồng để gặp Giáo sư Tiến sĩ Kỹ sư J.J.C. Voorhoeve, sau khi thảo luận về bản Tổng lược, ông yêu cầu chúng tôi thực hiện bước thứ hai: lập bản Tóm lược những vấn đề cơ bản trên cơ sở luật pháp của vụ án Trịnh Vĩnh Bình, bản Tóm lược này chúng tôi đúc kết trong bốn trang nhưng các văn kiện và chứng từ kèm theo lên đến 200 trang, ngoại trừ các văn kiện bằng tiếng Anh và tiếng Hòa Lan, chúng tôi còn phải chuyển ngữ khoảng 140 trang từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay tiếng Hòa Lan. Sau này chúng tôi được biết công việc mình đang làm là do sự đòi hỏi của một số Dân biểu Hòa Lan muốn công khai hóa hồ sơ vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nên Hội đồng chính phủ với nhiệm vụ Hoà giải ra tay trước, tránh cho Chính phủ và bộ Ngoại giao bị Quốc hội đàn hạch.

VN làm ngơ trước các đòi hỏi của Hòa Lan

Trong bài này, tôi muốn đề cập đến sự khác biệt về quan niệm giữa hai chính phủ Hà Lan - Việt Nam, những nỗ lực ngoại giao và áp lực chính trị của chính phủ Hà Lan liên quan đến vụ án Trịnh Vĩnh Bình, dựa vào những tài liệu có sẵn và nhật ký công việc của cá nhân, cũng như những sự việc mà bản thân có tham dự vào. Qua đó, độc giả có thể hiểu được nguyên do nào dẫn đến tình trạng tồi tệ và nghiêm trọng như hiện nay. (Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói thêm về ông Voorhoeve, người điều phối và thúc đẩy các nỗ lực từ phía Hà Lan trong vụ án Trịnh Vĩnh Bình, ông có văn bằng Tiến sĩ Ngoại giao Mỹ, tốt nghiệp Kỹ sư Kinh tế và Luật Quốc tế, là một chính khách có nhiều uy tín chính trị, hiện là một trong 18 thành viên của Hội đồng chính phủ, giảng viên về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Amsterdam và Leiden, cựu chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do, cựu Dân biểu quốc hội từng là lãnh tụ khối đa số tại Hạ viện, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Viện Bang giao Quốc tế, từng là cố vấn cho nhóm chuyên gia soạn thảo Bộ luật Đầu tư của Liên Bang Nga (hậu Cộng sản), vợ ông là người Nga và ông có một thiện cảm đặc biệt với Việt Nam)

Bằng một cử chỉ thân thiện, ông Voorhoeve đã đến thăm Đại sứ Đinh Hoàng Thắng ngày 28/06/2000, khi Việt Nam vừa thiết lập toà Đại sứ tại Den Haag. Trong dịp này, ông Voorhoeve đã trao cho ông Thắng (vị đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hà Lan) tập hồ sơ vụ án Trịnh Vĩnh Bình bằng tiếng Việt (550 trang) với những đề nghị cụ thể cho phía Việt Nam: Khẩn cấp giải quyết vụ án ông Bình bằng một phiên tòa công khai, hoặc ân xá và hoàn trả tài sản cho ông, vì hậu quả cuả nó đang làm xấu đi hình ảnh Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến nền bang giao và đầu tư giữa hai nước. Ông Thắng hứa sẽ báo cáo nội dung cuộc gặp gỡ này về bộ Ngoại giao Việt Nam. Để hỗ trợ cho những đề nghị này và tạo áp lực lên phía Việt Nam, ông Voorhoeve đã yêu cầu Thủ tướng Wim Kok, bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Van Aartsen gởi thư trực tiếp đến Chủ tịch nước Việt Nam Trần đức Lương yêu cầu giải quyết vụ án ông Bình, đồng thời triệu hồi Đại sứ Thắng đến Bộ Ngoại giao để phản đối. Đây là hành động khởi đầu cho một chuỗi các hành động gây bất lợi cho Việt Nam từ phiá chính phủ Hà Lan.

Từ phía Quốc hội, là cơ quan cao nhất theo Hiến pháp Hà Lan, sau khi nhận được đầy đủ tài liệu liên quan đến vụ án, các dân biểu đã công khai áp lực lên phía Việt Nam bằng cách không thông qua nhiều hiệp ước, cắt giảm viện trợ phát triển và nhân đạo, đặc biệt trong các dịp có phái đoàn Việt Nam đến thăm Hà Lan, các dân biểu đã thay nhau đặt vấn đề vụ án Trịnh Vĩnh Bình.

Trong dịp phái đoàn Quốc hội Việt Nam do ông chủ tịch Nguyễn văn An dẫn đầu, dân biểu Hessing thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hà Lan đã cảnh cáo: “Phía Việt Nam cần tôn trọng những điều đã cam kết trong Hiệp định Đầu tư (BIT) giưã hai nước, vụ án ông Bình là một sự vi phạm hiệp định và là rào cản trong bang giao giữa hai nước”. Phiá Việt Nam thừa nhận ở tầm mức địa phương đã gây ra sai trái và cam kết sẽ giải quyết gấp theo yêu cầu của Hà Lan, lời hứa này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Ghi nhận bên lề: Trong bữa tiệc do Quốc hội Hà Lan khoản đãi phái đoàn Việt Nam, một đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tâm sự với ông Hessing: “Quốc hội Hà Lan họp cả năm, chỉ nghỉ có một tháng Hè, trong khi các khóa họp của Quốc hội chúng tôi cả năm cộng lại không quá 30 ngày, chưa kể quyền hạn của chúng tôi chỉ mang tính cách tượng trưng, thì làm sao chúng tôi có thể đáp lại những yêu cầu của quý vị”.

Một tháng sau, trong chuyến viếng thăm đáp lễ của phái đoàn Quốc hội Hà Lan, do bà Chủ tịch Nieuwenhoven làm trưởng đoàn. Ngoài các dân biểu do Quốc hội sắp đặt, Hội đồng Chính phủ đề nghị ba dân biểu tháp tùng theo phái đoàn gồm ông Hessing (chủ tịch nhóm 38 dân biểu thuộc đảng Dân chủ Tự do) bà Dijksma (thành viên chủ tịch đoàn Quốc hội, phát ngôn viên chính thức của đảng Xã hội đang nắm chính quyền với 45 ghế trong Quốc hội) ông Ter Veer (thành viên Ủy ban Ngoại giao, thuộc đảng Dân chủ 66 dù chỉ có 14 ghế trong Quốc hội, nhưng đang liên kết với đảng Xã hội trong liên minh cầm quyền). Ba dân biểu này có nhiệm vụ nói thẳng cho Việt Nam biết rõ quan điểm của Hà Lan trước vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Việc đề nghị ba dân biểu này mang ý nghĩa đa số trong quốc hội (tổng số 97 ghế) đồng ý đặt vấn đề vụ án với chính phủ Việt Nam.

Theo nhật ký công tác sau chuyến đi Việt Nam của phái đoàn Quốc hội nói trên có các đoạn sau: “Thông qua Đại sứ Việt Nam tại Den Haag, chúng tôi (cả Hành pháp lẫn Lập pháp) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam xét lại vụ án Trịnh Vĩnh Bình và trả lại tài sản cho ông, một hành động như vậy về phiá Việt Nam sẽ được dư luận Hà Lan và Quốc tế coi như là một biểu hiện của thiện chí, phục hồi niềm tin về sự công minh và tính nhân đạo của luật pháp Việt Nam, giải tỏa các trở ngại trong quan hệ hai nước mà lẽ ra phải được tiến triển tốt đẹp”.

Trong một đoạn khác phía Hòa Lan đã đặt vấn đề một cách trực tiếp hơn: “Chúng tôi biết rõ đây là một trường hợp phức tạp, không thuần túy mang tính chất pháp lý hay chính trị, mà còn mang nhiều yếu tố khác, chính vì vậy chúng tôi muốn giải quyết cho xong vụ này, vì càng để lâu càng ảnh hưởng không tốt tới quan hệ song phương. Chúng tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh pháp lý, vì chính bản thân dư luận tại Việt Nam cũng không thống nhất được với nhau về các yếu tố cấu thành tội phạm, những ý kiến của các tổ hợp luật sư cũng như những trao đổi giữa các viên chức trong chính phủ Việt Nam, đã cho thấy rõ điều này. Chúng tôi cũng không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, chúng tôi chỉ muốn qúy vị chứng tỏ rằng thực sự Việt Nam muốn trở thành đối tác tin cậy của Hà Lan, và sự tin cậy bao giờ cũng là con đường hai chiều. Chúng tôi hy vọng sớm nhận được hồi âm tích cực từ phía Việt Nam”. Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên thừa nhận có sự sai sót trong vụ án ông Bình và hứa sẽ yêu cầu cơ quan chức năng điều tra lại.

Tưởng cũng cần nói thêm, để chuẩn bị cho chuyến đi của phái đoàn Quốc hội nói trên, tháng 10/2000 nhật báo De Telegraaf, tờ báo có uy tín lớn nhất Hà Lan đã cử một đội phóng viên do ký giả Charles Sanders hướng dẫn, đến tiếp xúc trực tiếp với ông Bình tại một điạ điểm bí mật, phỏng vấn các chính khách Hà Lan và cử phóng viên theo phái đoàn Quốc hội sang Việt Nam để tìm hiểu tại chỗ, sau đó De Telegraaf đã cho chạy liên tiếp sáu bài liên quan đến vụ án, khiến dư luận nóng nên, lôi kéo sự quan tâm của các viên chức trong chính phủ, các dân biểu trong Quốc hội và lan sang cả Nghị hội Âu châu, làm cản trở hoặc trì hoãn nhiều dự án dành cho Việt Nam trong suốt ba năm liền và còn tác hại cho đến ngày nay.

Sự im lặng của chính quyền Việt Nam chỉ có thể giải thích do thái độ coi thường dư luận, không đếm xiả gì đến các đòi hỏi chính đáng từ phía Hà Lan. (Vào thời điểm này, báo Ngày Nay cũng đã có một loạt năm bài liên quan đến vụ án Trịnh Vĩnh Bình, tạo ra luồng dư luận sôi nổi về phiá người Việt trong cũng như ngoài nước, nhưng chính quyền Hà Nội vẫn nhắm mắt làm ngơ như người “điếc không sợ súng)”.

Áp lực quốc tế

Tại Quốc hội Âu châu, các dân biểu Hà Lan cũng liên tiếp nêu vấn đề ông Bình trong những dịp tiếp xúc với các phái đoàn quan chức Việt Nam, Trong dịp Phái đoàn Việt Nam đến thăm Quốc hội Âu châu, Dân biểu Jules Maaten, thuộc ủy ban Đối ngoại Quốc hội Âu châu đã phát biểu: “Trong những ngày qua, chúng tôi bàn thảo đến nghị quyết về nhân quyền tại Việt Nam, trong đó mục đầu tư ở mức độ Âu châu là một mục nóng (do ảnh hưởng bởi vụ án Trịnh Vĩnh Bình). Bây giờ, tôi được nghe chính đảng Cộng sản Việt Nam trong một báo cáo thừa nhận rằng: ông Bình là nạn nhân của cán bộ địa phương. Tôi không chờ đợi cho đến khi ông Bình được phục hồi, mà đã trực tiếp đến gặp Đại sứ Đinh Hoàng Thắng tại Den Haag và Đại sứ Tôn Nữ thị Ninh tại Bruselles, tôi cũng đã viết thư đến tất cả các Sứ quán Việt Nam tại Âu châu để bày tỏ sự bất mãn của mình, tôi cũng sẽ nghiên cứu việc thông báo cho các đồng nghiệp trong Quốc hội Mỹ. Hiện có nhiều tín hiệu cho thấy Hà Nội đang muốn tiếp xúc với Liên hiệp Âu châu, nhưng trước hết những sai trái phải được sửa chữa. Bằng không, về phần tôi, cánh cửa sẽ đóng”. Một tuần sau Quốc hội Âu châu thông qua Nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với những biện pháp chế tài kèm theo, tác giả của bản văn này chính là ông Maarten, trong bản nghị quyết cũng nhắc đến vụ án Trịnh Vĩnh Bình như một trường hợp điển hình.

Trong năm 2000 đã có tất cả 8 phái đoàn Việt Nam đến thăm Hà Lan, từ Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đến các phái đoàn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin, Bộ trưởng Công nghiệp, Bộ trưởng Đầu tư và Phát triển... đều gặp sự tiếp đón lạnh nhạt hoặc chống đối từ phía Hà Lan, báo chí gọi các phái đoàn này là những người “khách không mời mà đến” hay tệ hại hơn là những con vẹt “chỉ biết nói mà không biết nghe”. Trong khi đó, báo chí tại Việt Nam thì khi tường thuật các chuyến đi này, luôn luôn được đánh giá là thành công.

Trước phản ứng khó hiểu và không tôn trọng các nguyên tắc ngoại giao của Việt Nam, một số đân biểu đã yêu cầu Chủ tịch ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hà Lan, bà Margareeth de Boer, dẫn đầu một phái đoàn khác đến Việt Nam và trực tiếp gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, trong dịp này bà nhấn mạnh: “Vì quyền lợi cuả hai nước, vụ án cần được giải quyết tức khắc, sự chậm trễ có thể dẫn đến việc chấm dứt viện trợ Phát tiển từ phiá Hà Lan”. Kết quả phía Hà Lan nhận được một công hàm của bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo về vụ án Trịnh Vĩnh Bình với nội dung “bắt đúng người, xử đúng tội, áp dụng đúng luật pháp”. Đây cũng là phản ứng duy nhất mà Hà Lan nhận được từ phiá Việt Nam.

Sự khác biệt quan điểm về vụ án Trịnh Vĩnh Bình giữa hai chính phủ Hà Lan và Việt Nam đã dẫn đến tình trạng bế tắc, và vụ án chuyển sang một khúc quanh mới nghiêm trọng và tệ hại. Chính phủ Hà Lan coi vụ án như là một vi phạm Hiệp định Đầu tư Song Phương giữa hai nước Hòa - Việt (BIT). Cũng giống như Hiệp định Thương mại Song Phương Việt - Mỹ (BAT) hiệp định BIT quy định không chỉ các nguồn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Hà Lan vào Việt Nam mà bao gồm cả việc đầu tư thông qua các công ty con hay thân nhân ở trong nước (còn gọi là đầu tư đội nón) cũng được luật pháp Hòa Lan bảo vệ, ngay cả phía Việt Nam thông qua Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 767-TTG ngày 17/09/1997 cũng thừa nhận việc đầu tư thông qua thân nhân là hợp pháp. Phía chính phủ Việt Nam, trên lý thuyết, coi vụ án Trịnh Vĩnh Bình như một vụ án cá nhân và là công việc nội bộ của Việt Nam, chính do sự thiếu hiểu biết này đã dẫn đến thái độ thờ ơ hoặc xem các phản ứng của Hòa Lan như là một sự can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Nhưng trên thực tế, dưạ theo các tài liệu trao đổi giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương, phát biểu của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Quốc hội, công văn “Mật” của Ban chấp hành Trung ương Đảng do chánh văn phòng Trần Đình Hoan gởi các cơ quan nhà nước... đã chứng tỏ nhiều viên chức Việt Nam biết rõ ông Trịnh Vĩnh Bình vô tội và ý thức được tầm mức quan trọng cuả vụ án đối với công tác ngoại giao giữa hai nước.

Mặt khác, theo các tài liệu phía Hà Lan thu thập được từ Việt Nam, thì các thông điệp của Hà Lan gởi cho Việt Nam đều được truyền đạt đầy đủ qua Đại sứ Đinh Hoàng Thắng. Ông Thắng trong suốt nhiệm kỳ ba năm của mình (2000 - 2003) đã không làm được gì nhiều cho công tác ngoại giao, vì gần như mỗi ngày ông phải ghi nhận và báo cáo các phản ứng của Hòa Lan về vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Chúng tôi trích đăng một phần các báo cáo này, để dư luận thấy rằng các viên chức Việt Nam biết rất rõ những đòi hỏi từ phía Hòa Lan:

Ngày 23/3/2001 nhóm Nghị sỹ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hà Lan và Quốc hội châu Âu (Blaaw, Maaten, Hoekema, Hessing) yêu cầu tôi báo cáo về Quốc hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị can thiệp gấp, không để tỉnh Vũng Tàu kê biên tài sản và phát mãi dưới mức giá trị nhiều lần Công ty Bình Châu với vốn 100% của công dân Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình.

Ngày 26/3 Ủy viên Hội đồng Nhà nước Voorhoeve, lại một lần nữa, trực tiếp gọi điện thoại cho tôi, nhắc lại yêu cầu này: Đại diện nhà thờ Tin Lành, Cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan, Các doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Lan, cùng gia đình đương sự cũng đề nghị chính phủ ta can thiệp trường hợp trên. Trong tiếp xúc, phía Hà Lan khẳng định: Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hà Lan vẫn tiếp tục đợi trả lời chính thức của Quốc hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau nhiều lần đặt vấn đề cả ở La Hay lẫn Hà Nội, về yêu cầu ân xá và giải quyết ôn thỏa vấn đề tài sản của ông Trịnh. Hà Lan hy vọng, công dân Hà Lan gốc Việt này sẽ được khoan hồng, đặc biệt từ sau khi Việt Nam công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, nhân Đại hội Đảng bộ Vũng Tàu có Trung Ương về dự ngày 4/1/2001 rằng: “Vụ Trịnh Vĩnh Bình là một vụ xử sai, làm giảm sút lòng tin cuả nhân dân, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài, vì thế cấp trên đã thi hành kỷ luật Đảng bộ Vũng Tàu”.

Ngày 28/3, Nghị sỹ Jules Maaten, Quốc hội Âu châu, từ Brúc-xen, Bỉ viết thư cho tôi yêu cầu trả lời những vấn đề ông đã đứng tên cùng nhóm Nghị sỹ trong Hạ Viện Hà Lan nêu ra với ta ngày 23/3. Bức thư khẳng định, trường hợp Trịnh Vĩnh Bình đang gây hoang mang trong giới đầu tư châu Âu và vụ án có thể sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ giữa EU với Việt Nam, điều mà hai bên nên hết sức tránh để xẩy ra.

Ngày 2/4, tại cuộc gặp gỡ thường kỳ giữa Ngoại trưởng Van Aartsen với một số Đại sứ trong khuôn khổ Câu lạc bộ châu Á, một quan chức bộ Ngoại giao Hà Lan cũng đã lưu ý tôi về quyết định của Sở Tư pháp Vũng Tàu phát mãi tài sản Trịnh Vĩnh Bình và yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam có biện pháp can thiệp gấp đối với đề nghị trước đây của các nghị sỹ/chính khách Hà Lan
”.

Ảnh hưởng tai hại

Qua sự tiết lộ của các tài liệu trên đây, chứng tỏ phía chính quyền Việt Nam biết rõ vụ án Trịnh Vịnh Bình là sai trái và nắm rất vững những đòi hỏi của chính quyền Hà Lan. Chưa kể những phân tích pháp lý vụ án Trịnh Vĩnh Bình của Trung tâm Pháp luật Thăng Long (Hà Nội) và của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) mà chắc chắn các viên chức chính quyền Việt Nam đều biết. Thế nhưng không một cơ quan hữu trách nào đáp ứng những đòi hỏi chính đáng từ phía Hà Lan, dù chỉ là hình thức. Điều này chỉ có thể giải thích là đàng sau chính quyền Việt Nam có một quyền lực chi phối mọi hành động và quyết định mọi vấn đề đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình, khởi đầu là một vụ án Kinh tế, khi bị chi phối bởi các thế lực đen nó biến thành vụ án Chính trị, do sự bất lực và vô trách nhiệm của chính quyền Việt Nam nó trở thành tranh chấp ngoại giao giữa hai nước, tiếp theo là thái độ coi thường luật pháp cùng những quy tắc ngoại giao của phía Việt Nam, vụ án trở thành nghiêm trọng và đang là điển hình cho một tranh chấp mang tính chất quốc tế, là bài học cho cả hai chính quyền Hà Lan và Việt Nam. Trong ý nghĩa này, một nhà xuất bản các sách nghiên cứu Hà Lan đã ký hợp đồng với một nhóm luật gia và kinh tế gia Hòa Lan, đúc kết các diễn tiến vụ án ông Bình vào một cuốn sách với ba ấn bản Anh ngữ, Hà Lan và Việt Nam, dự trù sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Dĩ nhiên các phản ứng của chính phủ Hà Lan và Việt Nam liên quan đến vụ án sẽ được ghi nhận và phân tích, do đó dù muốn dù không, cuốn sách cũng sẽ tạo ảnh hưởng bất lợi lâu dài cho Việt Nam.

Kể từ ngày 15/10/2003, vụ án Trịnh Vĩnh Bình bước sang giai đoạn mới, vượt ra khỏi lãnh vực của hai nước Hà Lan và Việt Nam, khi ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức nhờ tập đoàn Luật sư Covington Burling đứng ra kiện nhà cầm quyền Việt Nam trước Tòa án Quốc tế sẽ xử tại Thụy Điển chiếu theo bản Hiệp định BIT và đòi bồi thường 100 triệu đô la Mỹ, trong khi số tiền ông Bình đầu tư vào Việt Nam mới khoảng 4 triệu . Lại một lần nữa, chính phủ Việt Nam do thiếu hiểu biết và chủ quan đã đánh mất cơ hội hòa giải, khi luật sư Thomas Johnson đại diện cho ông Bình gởi thư cho ông Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Hà Minh Trí, đề nghị giải quyết bằng thương thuyết, song mọi nỗ lực dàn xếp trong gần hai năm qua đã không đạt được kết quả, ông Bình đã chính thức nộp đơn kiện hồi tháng 5/2004 và sẽ được xét xử công khai vào đầu năm 2006. Phía Việt Nam cũng đã ký quỹ 150 ngàn đô la để nhờ tổ hợp Luật sư Glide Loyrette Rouel tại Pháp đại diện, nghĩa là Việt Nam từ chối hoàn trả số tiền đã cưỡng đoạt của ông Bình để chấp nhận bồi thường gấp 24 lần giá trị ban đầu nếu thua kiện.

Vụ án, theo một bài phân tích từ trong nước gởi ra cuả ông Trần Quốc Hoàn, mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, nó tố cáo chế độ cộng sản ở nhiều mặt và dù ông Bình thắng hay thua thì Việt Nam cũng thiệt hại nặng nề về uy tín và vật chất. Đặc biệt số tiền đòi bồi thường 100 triệu đô la là một số tiền quá lớn đối với một nước nghèo khó như Việt Nam, với số tiền đó, theo tác giả bài báo cho biết có thể xây dựng được hơn 200 trường học khang trang hiện đại, khoảng 30 bệnh viện lớn, hoặc giúp cho 160.000 hộ gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Và nếu chia đầu người 82 triệu dân Việt Nam phải gánh chịu, thì già trẻ lớn bé mỗi người đều phải đóng 20.000 đồng mới đủ để trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, chưa kể án phí sẽ là bao nhiêu nữa.

No comments:

Post a Comment