Thursday, June 11, 2009

Việt Nam và Thử Thách Xã Hội Chính Trị Dân Sự


KD lượt dịch

Ông Carlyle A. Thayer là một Giảng viên về bộ môn Chính Trị tại ĐH New South Wales thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc Châu ở Canberra, là một quan sát viên và là nhà phân tích chuyên về Việt Nam được nhiều người biết tiếng trên thế giới, hiện ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Ohio-Hoa Kỳ, về môn Đông Nam Á Học.

Lời người dịch: Cụm từ “xã hội dân sự” được dùng trong ngữ cảnh của “civil society” mà tác giả sử dụng trong bài này. Tác giả cũng đã nhấn mạnh rằng “xã hội dân sự” trong quan niệm của nguời Việt không đồng nghĩa với ý nghĩa của “civil society” của Tây Phương. Người dịch cũng muốn khuyên bạn đọc nên so sánh với bản gốc bằng Anh ngữ nếu cảm thấy cần phải hiểu rõ ý nghĩa của từng chữ một trong câu văn. Bản Anh ngữ có thể tìm thấy tại đây: http://www.viet-studies.info

Bộ mộn chính trị Việt Nam đương thời đã bị chế ngự bởi hai mẫu hình chính: “chính trị thường nhật” và xã hội dân sự. Bài viết này chứng tỏ rằng hai mẫu hình “chính trị thường nhật” và xã hội dân sự đã giảm thiểu tầm quan trọng của việc tìm hiểu về các thế lực ủng hộ dân chủ đã và đang đấu tranh chống lại ngôi vị độc tôn của Đảng CSVN. Người ta cũng cho rằng các thay đổi chính trị tại Việt Nam sẽ được định đoạt một cách đáng kể bởi phương cách mà chính quyền độc đảng Việt Nam sẽ lựa chọn nhằm để xoay trở trước các thử thách xã hội chính trị dân sự đặt ra. Cụm từ xã-hội-chính-trị-dân-sự ám chỉ mạng lưới mà các tập hợp chính trị đã liên kết lại thành một phong trào dân sự vừa nẩy nở với tên gọi Khối 8406. Các tổ chức chính trị hải ngoại, như Đảng Việt Tân chẳng hạn, đóng một vai trò càng ngày càng trở nên quan trọng trong việc ủng hộ vật chất và tinh thần cho xã hội chính trị dân sự. Mẫu hình xã hội dân sự đang bị chỉ trích vì đã bị độc quyền chiếm hữu bởi các thứ được gọi là “tổ chức phi-chính-quyền” và đoàn thể nhân dân được xem như là tác động chủ yếu nhất cho các thay đổi chính trị. Bài viết này sẽ kết thúc với một ước tính về các ảnh hưởng tương lai của xã hội chính trị dân sự tại Việt Nam cùng các viễn ảnh có thể xảy đến.

Từ khóa: “chính trị thường nhật”, XHCN độc đảng, xã hội dân sự, xã hội chính trị dân sự, Khối 8406, Việt Tân, Việt Nam.

Bài viết này nhắm vào việc thúc đẩy các thảo luận về tình hình chính trị Việt Nam vượt qua những nghiên cứu đương thời chỉ chuyên về hai đề tài “chính trị thường nhật” và “xã hội dân sự” bằng cách đề xướng khái niệm về xã hội chính trị dân sự. Xã hội chính trị dân sự nói về tổ chức chính trị, đoàn thể đấu tranh dân chủ [1], công đoàn, tổ chức tôn giáo, và phong trào đấu tranh bất bạo động nhằm thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo trong một xã hội độc quyền độc đoán. Danh từ “chính trị” đã được thêm vào để bao gồm bản chất hoạt động chính trị trong xã hội dân sự ở Đông Âu trong hai thập niên 1970 và 1980 khi người dân trở nên tích cực trong việc thành lập các tổ chức bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền nhằm tạo ảnh hưởng đến môi trường họ sinh sống, và để tạo sức ép chính trị lên chính quyền. Tầm quan trọng của bộ môn nghiên cứu về xã hội chính trị dân sự phần lớn đã bị giảm thiểu bởi các viện sĩ có xu hướng đặt nặng vai trò phát triển của các tổ chức phi chính phủ (TCPCP) và đoàn thể nhân dân (ĐTND) trong các bài viết của mình về chính trị Việt Nam. [2]

Bài viết này sẽ chú trọng vào vai trò của các “đảng phái chính trị” vừa hình thành và các hiệp hội thương mại vừa ló dạng trong năm 2006 và kết thành một liên hiệp chính trị được biết đến với tên gọi Khối 8406. Các nhóm này đã tạo nên một số thử thách cho đảng phái chính trị độc tài CSVN (ĐCSVN) trước khi họ bị trấn áp. Bài viết này cũng sẽ phân tích vai trò của các tác động bên ngoài, như Đảng Việt Tân, trong việc giúp đỡ tài liệu, tài lực và nhân lực cho các tập hợp xã hội chính trị dân sự.

Trong quá khứ, các hoạt động của các tổ chức nhân quyền, đấu tranh dân chủ, và tự do tôn giáo tương đối bị ngăn cách với nhau.[3] Nhờ vào mối liên kết gia tăng giữa các tập hợp xã hội chính trị dân sự, quan hệ chồng chéo được thiết lập, một phong trào tranh đấu nẩy sinh và dần dần hình thành, bất chấp sự đàn áp của chính quyền. Sự phát triển này xảy ra trong lúc quyền cai trị chính thống của ĐCSVN đang bị thử thách vì người dân bất mãn với căn bệnh tham nhũng thối nát, lạm phát gia tăng, ô nhiễm môi trường và các bệnh chứng xã hội khác. Bài viết này sẽ được kết thúc bằng cách lưu ý rằng Việt Nam có thể đối diện với nguy cơ xã hội không ổn định nếu chính quyền độc đảng không thể giải quyết những thử thách xã hội chính trị dân sự một cách thỏa đáng.

Bài viết này sẽ được chia thành 4 phần. Phần 1 sơ lược về những đặc tính của nhà nước độc đảng Việt Nam. Phần 2 thảo luận về câu hỏi: Xã hội dân sự là gì theo quan điểm của người Việt? Phần 3 phân tích về sự trỗi dậy của xã hội chính trị dân sự chủ yếu bằng cách chú tâm vào các hoạt động của Khối 8406 và Việt Tân. Cuối cùng, phần 4 đưa ra một vài nhận định về thử thách mà các tiến triển chính trị này đang tạo nên cho chế độ độc đảng tại Việt Nam.

Thể Chế Chính Trị Độc Đảng của Việt Nam

Trước thời kỳ đổi mới, các nhà nghiên cứu chính trị phương Tây không gặp trở ngại gì trong việc phân loại Việt Nam là một thể chế chính trị theo chủ nghĩa Lênin. Danh từ “xã hội chủ nghĩa độc đảng” cũng đã được dùng để miêu tả thể chế chính trị của Việt Nam.[4] Trong một thể chế như thế, Đảng có toàn quyền điều khiển các cơ quan chi bộ quốc gia, quân đội, và các hội đoàn khác trong xã hội bằng cách xâm nhập vào qua hình thức cán bộ Đảng viên và các ủy ban. Các Đảng viên lão thành họp thành một bộ phận lãnh đạo ngay trọng tâm của guồng máy chính quyền, Quốc Hội, Quân Đội Nhân Dân, và Mặt Trận Tổ Quốc VN (MTTQVN). Các lãnh đạo Đảng này được mệnh danh là “thành phần đóng 2 vai trò”.

MTTQVN là một tổ chức bao gồm 29 hội đoàn lớn và cơ quan chi bộ. Hội Phụ Nữ VN là một hội đoàn lớn với 12 triệu thành viên và 300 nhân viên trên toàn quốc, được tài trợ bởi nhà nước. Các hội đoàn tầm cỡ khác gồm có Đoàn Thanh Niên CS HCM, và Hội Liên Hiệp Thanh Niên VN với 3.5 triệu và 2.5 triệu thành viên. Lãnh đạo của các hội đoàn này là thành viên thường trực của Ủy Ban Trung Ương Đảng.

Liên Hiệp các Tổ Chức Hữu Nghị VN là cơ quan chính thức có bổn phận quản lý “sự giao tế giữa-người-và-người”. Liên hiệp này quản lý Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), PACCOM sau đó lại giám sát và sắp đặt tất cả các hội đoàn phi-chính-phủ quốc tế (INGO) đang hoạt động tại Việt Nam. Các INGO này làm việc với các chi bộ, cơ quan kỹ thuật, chính quyền địa phương, và các hội đoàn lớn của phụ nữ, nông phu, công nhân, và thanh niên để hỗ trợ các hình thức phát triển.

Phòng Thương Mại và Công Nghiệp VN (VCCI) là một tổ chức quốc doanh đại diện cho các công ty tư nhân ló dạng sau khi tiến hành đổi mới. Thành viên của VCCI bao gồm các tổ chức kinh doanh chính phủ, công ty tư nhân, hội đoàn thương mại với con số tương đương với nhau. Mặc dù không được tài trợ bởi chính phủ, VCCI vẫn là một thành viên của MTTQVN. VCCI là một thí dụ điển hình cho sự phát triển của một đoàn thể bên ngoài những hạn chế trong ĐCS. Tuy là vậy, ủy ban thường trực của Đảng vẫn phải được thiết lập trong tất cả các tổ chức kinh doanh tư nhân.

Từ một khía cạnh đối lập khác, ĐCSVN đã từng cố gắng cải cách chính trị qua hình thức “dân chủ-nhân dân”. Năm 1998, trước những nổi loạn lan rộng của thành phần nông dân tỉnh Thái Bình 1 năm trước đó, Ủy Ban Trung Ương ĐCSVN đã ra Chỉ thị 30-CT nhằm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, khuyển khích sự tham gia của các tầng lớp địa phương như công xã, cơ sở, và các tổ chức kinh doanh chính phủ. Dưới khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nghị định số 29/1998/ND-CP của Chính Phủ nhắm vào mục đích cải tiến sự trong sáng và tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Điều khoản thứ 4 trong đó chỉ thị các viên chức địa phương phải phổ biến các thông tin về chính sách, luật pháp, các dự án phát triển định kỳ mỗi năm và dài hạn, chính sách sử dụng đất đai, và ngân sách hằng năm.[5] Người dân phải nắm được tình hình và tham gian thảo luận, quyết định, và kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương. Cuối cùng là nghị định số 79/2003/ND-CP về “Dân Chủ Nhân Dân” cho phép các hội đoàn xã tham gia trong các hoạt động phát triển của phường xã. [6]

[1] Như Liên Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Hội Nhà Báo Tự Do, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam.
[2] Xin lưu ý đến việc các đoàn thể xã hội chính trị dân sự không được đề cập đến trong bản báo cáo nghiên cứu Các Hình Thức Hoạt Động giữa Cơ Quan Chính Quyền và các Đoàn Thể Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam (Hanoi VUFO-NGO Resource Center, tháng 12 năm 2008). Bản báo cáo này được soạn thảo cho cộng đồng tài trợ quốc tế và được tài trợ bởi Bộ Phát Triển Quốc Tế Phần Lan. Như sẽ được rõ ràng ở phần sau, danh từ NGO người Việt được sử dụng như đã báo trước. Đáng lý tôi phải thêm vào nhóm từ “được xem là” phía trước hoặc đóng ngoặc kép từ NGO. Nhưng để bài viết được trôi trãi, tôi đã giới hạn không làm thế.
[3] Bài viết tựa đề “Bất Đồng Chính Kiến và Đổi Mới Chính Trị tại Việt Nam, 1997 – 2002” của t/g Carlyle A. Thayer trong quyển Sức Mạnh của Sáng Kiến: Các Nhận Thức Lỗi Lạc và Thay Đổi Chính Trị ở Đông Á và Đông Nam Á, biên tập bởi Claudia Derichs và Thomas Heberer (Copenhagen: NXB Nordict Institute và Asian Studies Press, 2006) trang 115-132.
[4] “Chủ Nghĩa Xã Hội Độc Đảng và Chính Quyền” của t/g Carlyle A. Thayer trong Những Chuyển Đổi Nông Thôn tại Việt Nam, biên tập bởi Benedict J. Tria Kerkvliet và Dough J. Porter (Boulder: NXB Westview Press, 1995) trang 39-64.
[5] “Xã Hội Dân Sự và các NGO tại Việt Nam: Một vài Ý Kiến Khởi Đầu về Phát Triển và Chướng Ngại” của t/g Bach Tan Sinh. Bài viết được trình bày trong cuộc họp mặt với Hội Đồng Đại Biểu Nghị Trường Thụy Điển về chính sách Phát Triển Quốc Tế của Thụy Điển tại Hà Nội, ngày 2 tháng 3 năm 2001. Trang 4.
[6] “Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam: Từ Bên Bờ đến Giữa Nguồn” của t/g Gita Sbharwal và Tran Thi Thien Huong (CIVICUS: Liên Minh Toàn Cầu vì Sự Tham Gia của Công Dân, tháng 7 năm 2005). Trang 4.

Xã Hội Dân Sự có nghĩa gì theo quan điểm của người Việt Nam?

Với tiến trình đổi mới trong thập niên 1980, xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi và theo đó, các mối quan hệ giữa chính quyền và xã hội cũng thay đổi. Khi được mở cửa với thế giới bên ngoài, các nhà tài trợ và cơ quan viện trợ chính phủ nước ngoài, cũng như các hội đoàn phi-chính-phủ quốc tế, đổ xô vào để giúp đỡ Việt Nam bằng cách áp dụng các mô hình phát triển của họ. Các mô hình này kết hợp chặt chẽ với quan niệm cho rằng việc ủng hộ các tổ chức phi-chính-phủ tương ứng là biện pháp tốt nhất để dọn đường cho các hoạt động xã hội dân sự trong các thể chế chính trị độc tài nắm quyền.[7] Trong thực hành thì đây có nghĩa là hội nhập với với các tổ chức phi-chính-phủ quốc nội và theo đuổi phương cách tiếp cận “từ dưới lên” nhằm đẩy mạnh đóng góp phát triển, công bình giới tính và sắc tộc.

Vào khoảng thời gian đầu thập niên 1990, hoạt động của các hội đoàn khác nhau ở mọi tầng lớp bùng nổ tại Việt Nam.[8] Giáo sư, kiêm luật gia, Mark Sidel của ĐH Iowa ở Hoa Kỳ đã sáng lập được các mô hình học đầu tiên nhằm nắm vững tính chất phức tạp của sự phát triển này.[9] Sidel đã phân loại các tổ chức này vào 9 loại khác nhau: (1) các tổ chức độc lập còn mới mẻ chuyên tìm hiểu và truyền dạy chính sách; (2) các mạng lưới của các đoàn thể tích cực trong xã hội và các đoàn thể phục vụ xã hội ở TP HCM và miền Nam VN; (3) các ĐH tư nhân, tựa-tư-nhân/tựa-công-cộng và các trường sư phạm khác; (4) các đoàn thể được hỗ trợ bởi các lãnh đạo lão thành chuyện tài trợ các chương trình huấn luyện và nghiên cứu; (5) các tổ hợp chuyên gia, kinh doanh thương mại; (6) các tập thể và liên hiệp nông dân; (7) các đoàn thể tôn giáo được chính quyền nhìn nhận, không được nhìn nhận; (8) các hiệp hội thương mại và hội đoàn tầm cỡ theo truyền thống Đảng-chỉ-đạo; và (9) các tổ chức tranh đấu chính trị đang thử thách Đảng và nhà nước. Ông Sidel đã từ chối, một cách rõ ràng và dứt khoát, việc sử dụng cụm từ NGO (tổ chức phi-chính-phủ) để miêu tả các tổ chức này; thay vào đó, ông ta liệt kê họ như là “các nhóm khởi xướng và các tổ chức mới mẻ có định hướng theo chính sách hoặc định hướng phát triển.” [10]

Trong cùng năm, ông Sidel cũng đã sáng lập được một mô hình học dùng để liệt kê các đoàn thể người của người Việt vào một trong 9 loại như sau: chính trị, hội đoàn có tầm cỡ, kinh doanh, thương mại và chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật, hội họa và văn hóa, NGO/thiện nguyện, tôn giáo, các hội đồng hương và đoàn thể lo chuyện quần chúng.[11] Trong năm 2003, có 2 mô hình học khác được thiết lập. Tiến Sĩ người Đức Jörg Wischermann và tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh nhận định 4 thể loại (tầm cỡ, chuyên nghiệp, kinh doanh, có định hướng),[12] trong khi tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul nhận định 5 thể loại (chính trị-chuyên nghiệp, tầm cỡ, nổi tiếng, các trung tâm và trường nghiên cứu độc lập, các hội đoàn độc lập).[13]

Các mô hình học này ở nhiều khía cạnh khác nhau đã bị sự phát triển nhanh chóng của các hội thiện nguyện (phi lợi nhuận) ở tầng lớp nhân dân đuổi kịp. Các hội đoàn (nhóm) này được các nghiên cứu gia nước ngoài gọi chung là “đoàn-thể-nhân-dân” (ĐTND). Các ĐTND đã dẫn đầu trong việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, chống ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển đời sống vững bền, phát sinh thu nhập, và phổ biến kiến thức. Các thí dụ điển hình của ĐTND gồm có: các tập đoàn thủy điện, các liên hiệp ngân hàng tài chính nhỏ, các nhóm liên quan đến người tiêu dùng, hợp tác nông nghiệp, các hợp tác với mục đích khác, tình nguyện viên trong lĩnh vực y tế, các ủy ban phát triển phường khóm và ủy ban bảo vệ trẻ em lang thang. Tính đến tháng 7 năm 2005, người ta ước tính Việt Nam có khoảng 140,000 ĐTND, cùng với 3,000 hợp tác (nông nghiệp, công nghiệp nuôi cá, xây dựng, vệ sinh, và y tế), 1,000 “tổ chức phi-chính-phủ (NGO)” hợp pháp và 200 hội thiện nguyện.

Sự phát triển của các ĐTND làm căng thẳng hệ thống luật pháp của Việt Nam trong lúc hệ thống luật pháp này cố gắng xoay trở tìm một cơ cấu điều hành thích hợp với tính đa dạng của các ĐTND này. Kết quả có được là hàng loạt những qui định và luật lệ chắp vá đặc biệt không đủ khả năng để trở thành một cơ cấu luật pháp toàn diện có thể quản lý sự thiết lập, giấy phép đăng ký, và hoạt động của các ĐTND này.[14] Nhiều ĐTND hoạt động tương đối độc lập với chính quyền nhưng địa vị pháp lý nhập nhằng không rõ ràng của họ luôn đặt họ vào tình trạng nguy hiểm bởi những nhạy cảm chính trị trong xã hội gây ra.

Chương trình Hỗ Trợ Phát Triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Ngân Hàng Thế Giới đến với Việt Nam với mục đích rõ ràng là hỗ trợ xã hội dân sự qua hình thức hùng hạp với các đối tác địa phương. Các NGO quốc tế (INGO) cũng đặt vấn đề xúc tiến xã hội dân sự thành một phần trong bản tuyên bố mục đích hoạt động của họ nhằm để tìm nguồi tài trợ từ chính phủ của mình cho các hoạt động bên kia bờ đại dương (tại VN). Nói chung, các đoàn thể trực thuộc hệ thống của Liên Hiệp Quốc, cũng như các nhà tài trợ nước ngoài và các INGO, đã nhanh chóng hoạt động ở nhiều tầng lớp khác nhau với các đoàn thể có tầm cỡ ở trong nước và các đối tác của họ dù cho các đoàn thể tầm cỡ này không chính xác là các đoàn thể phi-chính-phủ (NGO) theo ý nghĩa Tây phương của nó. Các đoàn thể tầm cỡ quốc nội này là cánh tay nối dài, nếu không phải là cơ quan, của chính quyền. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã thiếu óc phê bình khi sử dụng nhóm từ các-tổ-chức-phi-chính-quyền (NGOs) để gọi chung tất cả các đoàn thể, liên hiệp, tổ hợp, hội đoàn đa dạng trong các mô hình học được nói đến phía trên là “xã hội dân sự”.[15]

Theo ông Joseph Hannah, mô hình xã hội Mác-Lênin gồm có 3 bộ phận: đảng phái, chính quyền, và nhân dân (Xem biểu đồ 1).[16] Người Việt Nam có một khẩu hiệu ai cũng biết đến, đó là “Đảng lãnh đạo, dân nắm quyền, nhà nước quản lý.” Theo quan niệm chính thức, người dân Việt Nam có quyền thành lập các hội đoàn riêng của họ như các đoàn xã, các hội đoàn theo tên gọi của mình, các trường đua, các câu lạc bộ, và các đội thể thao. Các đoàn thể này được xem như là “của dân” và thường được gọi là “các đoàn thể có tiếng.” Tuy nhiên, chính quyền và các đoàn thể có tầm cỡ, đang hăm hở lôi cuốn các nguồn tài trợ và sự ủng hộ của nước ngoài, thường gọi họ là các NGO.[17] Cách gọi này ăn khớp chặt chẽ với chú tâm của các nhà tài trợ nước ngoài và các NGO quốc tế: thiết lập xã hội dân sự tại Việt Nam bằng cách nổ lực phát triển các đoàn thể địa phương được gọi là NGO.

Phương cách tiếp cận được sử dụng bởi các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các NGO quốc tế, và các nhà tại trợ nước ngoài đã khiến các đoàn thể xã hội dân sự trở thành một nhu cầu rất lớn ở Việt Nam. Bất kể sự thật hiển nhiên rằng các đoàn thể người Việt quốc nội thuộc loại được chính quyền đỡ đầu tài trợ và là một phần của ma trận đoàn thể trực thuộc MTTQVN, các đoàn thể này được các tổ chức tương ứng của họ ở nước ngoài gọi là “các đoàn thể phi-chính-phủ”. Các viên chức chính quyền Việt Nam rất ngại sử dụng nhóm từ NGO khi phát biểu với người dân quốc nội nhưng không dè dặt gì khi giao thiệp với các tổ chức tương ứng ở nước ngoài. Ông Salemink đã đề cho rằng một trong những lý do đằng sau là vì nhóm từ NGO khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt, cụm từ phi-chính-phủ phát âm gần giống như vô-chính-phủ.[18] Nói một cách khác, nhóm từ NGO theo quốc ngữ ngụ ý tách rời, nếu không phải là chống đối, chính quyền.

Biểu đồ 1: Quan niệm Mác-Lênin về Đoàn Thể Nhân Dân. Nguồn: Joseph Hannah, Các Tổ Chức Phi-Chính-Phủ Địa Phương tại Việt Nam: Phát Triển, Xã Hội Dân Sự, và Quan Hệ Chính Quyền-Nhân Dân (Seattle: Nghị luận tiến sĩ ĐH Hoa Thịnh Đốn, 2007), trang 54.


[7] “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam: Câu Chuyện về Những Lầm Lẫn có Tính Toán.” của t/g Oscar Salemink trong Môi Giới Phát Triển và Thông Dịch Viên: Dân Tộc Học vể Viện Trợ và Cơ Quan Chính Quyền, biên tập bởi David Lewis và David Mosse (Bloomfield, CT: NXB Kumarian Inc., 2006) trang 102.
[8] Một cuộc nghiên cứu chuyên nghiệp thiết lập tại Hà Nội và TP HCM ghi nhận hơn 700 “đoàn thể nhân dân”, phần đông được thiết lập sau 1986; “Mối Quan Hệ giữa các Đoàn Thể Nhân Dân và Đoàn Thể Chính Quyền tại Việt Nam: Một Khám Phá Lựa Chọn” của t/g Joerg Wischerman và Nguyễn Quang Vinh trong Để có được Sự Ngăn Nắp tại Việt Nam: Xâm Nhập và Len Lỏi trong Quốc Gia XHCN, biên tập bởi Ben J. Tria Kerkvliet, Russel H.K. Heng, và David W.H. Koh (Singapore: Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, 2003). Trang 186.
[9] “Sự Xuất Hiện của Bộ Phận Phi-Lợi-Nhuận và Thành Phần Yêu Nước trong CHXHCNVN” của t/g Mark Sidel trong Xã Hội Dân Sự Đang Ló Dạng trong Cộng Đồng Châu Á Thái Bình Dương, biên tập bởi Tadashi Yamamoto (Singapore: Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, 1995). Trang 294-296.
[10] Ibid., 293-294.
[11] Thayer, “XHCN Độc Đảng và Chính Quyền”, trích đoạn trang 54.
[12] Wischerman và Vinh, “Mối Quan Hệ giữa các Đoàn Thể Nhân Dân và Đoàn Thể Chính Quyền tại Việt Nam.”, trích đoạn trang 186.
[13] “Từ Phá Rào đến Kết Nối: Đường Hướng, Đoàn Thể Nhân Dân, và những Ảnh Hưởng Chính Sách trong thời Hậu XHCN Việt Nam.” của t/g Thaveeporn Vasavakul trong Để có được Sự Ngăn Nắp tại Việt Nam, biên tập bởi Kerkvliet, Heng và Koh. Trang 26-28.
[14] Các văn bản luật pháp then chốt gồm có: NĐ 35-CP (1992), “Chỉ Đạo và Định Hướng Các Hoạt Động Khoa Học và Kỹ Thuật”; NĐ 29/1998/NĐ-CP (11.5.98); NĐ 71/1998/NĐ-CP (8.9.1998); NĐ 07/1999/NĐ-CP (13.2.1999); NĐ 177 (1999) về hội thiện nguyện và các nguồn viện trợ xã hội; và Điều Luật về Khoa Học Kỹ Thuật (2000).
[15] “Lấp Đầy Khoảng Trống: Sự Xuất Hiện của Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam.” của t/g Irene Norlund. (CIVICUS: Liên Minh Toàn Cầu vì Sự Tham Gia của Công Dân, tháng 1 năm 2007). Trang 11.
[16] Các Tổ Chức Phi-Chính-Phủ Địa Phương tại Việt Nam: Phát Triển, Xã Hội Dân Sự, và Quan Hệ Chính Quyền-Nhân Dân của t/g Joseph Hannah, nghị luật Tiến Sĩ ĐH (Seattle: ĐH Hoa Thịnh Đốn, 2007). Trang 54.
[17] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”. Trích đoạn trang 117-118.
[18] Ibid, trang 106.

Các NGO Việt Nam nhìn nhận vai trò của họ rất khác biệt so với các đối tác của họ ở nước ngoài. Trước hết, họ tự xem mình là cổ phần hùn hạp làm việc trong các kế hoạch phát triển để ủng hộ chính sách nhà nước. Thứ nhì, họ tự xem mình là những người đã chủ trương cho những cải tiến từ chính quyền. Cuối cùng, họ tự xem mình là đại diện của các đoàn thể bên ngoài chính quyền và vận động bên lề nghị viện cho các thay đổi trong chính sách nhà nước. Trong vai trò này, các NGO Việt Nam muốn thương lượng và khuyên bảo viên chức nhà nước thay vì phải đương đầu với họ để đem đến thay đổi. Nói một cách khác, những hoạt động của họ trực tiếp ủng hộ các chương trình đang hiện hành của Đảng và nhà nước hoặc trực tiếp ủng hộ các chính sách to lớn hơn đã được chính quyền phê chuẩn (như phát triển đất nước hoặc xóa đói giảm nghèo). Thí dụ điển hình là thành phần lãnh đạo của các tổ chức phi-chính-phủ VN thường xuyên liên lạc với các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các công ty nước ngoài hoặc quốc nội có sỡ hữu và quản lý các công xưởng, và các công nhân của những công ty này. Các NGO Việt Nam đã cố gắng thúc đẩy gia tăng sức khỏe và đời sống của công nhân bằng thái độ tránh đối diện hoặc tránh sử dụng các biện pháp đối đầu. Như ông Hannah quan sát, “không có khoảng trống xã hội nào cho các phong trào từ các hội đoàn địa phương nhằm chống lại các xí nghiệp bóc lột công nhân thậm tệ”.[19] Các NGO Việt Nam đã giới hạn hoạt động của mình trong phạm vi ngôn ngữ của luật pháp.

Theo ước lượng thì có khoảng hơn 30 trung tâm nghiên cứu phục vụ và giúp đỡ xã hội bằng các kế hoạch phát triển và chương trình nghiên cứu ứng dụng.[20] Các trung tâm nghiên cứu này được thành lập và quản lý bởi các giảng viên giáo sư kiêm hội viên của các trường ĐH, cơ sở cấp tỉnh, hoặc các đoàn thể chuyên nghiệp như Hội Dân Tộc Học hoặc Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam.[21] Tuy vậy, các trung tâm nghiên cứu này có địa vị pháp lý rất yếu. Các trung tâm nghiên cứu này cũng hoạt động rất chặt chẽ, họ không tuyển nhập thành viên mới như các NGO đúng nghĩa khác.

Phần lớn các trung tâm này được đăng ký với tư cách đoàn thể đại diện theo nghị định số 35-CP (1992) nhằm chỉ đạo các đoàn thể khoa học và kỹ thuật.[22] Các trung tâm này chủ yếu là các đoàn thể phi lợi nhuận, hoạt động rộng rãi trong những phát triển kinh tế xã hội bằng cách hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài. Họ có thể hoạt động dựa trên các qua hệ cá nhân giữa cấp trên của họ và các viên chức chính quyền.[23] Một loại NGO khác bao gồm nhân viên quốc nội của các NGO quốc tế khác làm những việc tương tự như các trung tâm nghiên cứu.[24] Nhưng vì họ không chính thức đăng ký hoạt động, các vấn đề liên quan đến luật pháp không được rõ ràng minh bạch.

Sự thống trị độc tài lãnh đạo ở Việt Nam đã lùi dần vào hậu cảnh kể từ thập niên 1990 khi các cơ quan do nhà nuớc làm chủ dần dần được thương nghiệp hóa. Cũng trong ý nghĩa này, các NGO của người Việt Nam bắt đầu xuất hiện để cung cấp các phục vụ mà chính quyền không còn phụ trách nữa. Dần đà, vị trí của các NGO này được thay đổi bởi các NGO quốc tế qua sự phát triển của các NGO địa phương.[25]

Hoạt động của các đoàn thể bùng phát tại Việt Nam trong thập niên 1990 không những đã nhanh chóng lấn áp tình trạng độc quyền toàn trị của tể chể độc tài XHCN mà nó còn vượt nhanh hơn những quy chế luật pháp liên quan đến các đoàn thể nhân dân. Năm 1992 trước sự khởi xướng từ các nhà tại trợ nước ngoài, Bộ Nội Vụ đã bắt đầu soạn thảo pháp chế dối với các tổ chức phi-lợi-nhuận nhằm để quản lý các hoạt động đang nới rộng một cách nhanh chóng từ các đoàn thể tư nhân đang được hình thành. Mục đích này đã trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi và trong 7 năm liền, họ đã không đạt được một sự đồng thuận nào.[26] Năm 1995, chính quyền nhà nước Việt Nam bắt đầu soạn thảo một đạo luật cho các tổ chức phi-lợi-nhuận; chỉ tính đến đầu năm 1996, bản thảo nãy đã được chỉnh sửa đến hơn 20 lần.[27]

Trong năm 2002, các viên chức Việt Nam lại thử soạn thảo điều luật cho các tổ chức phi-chính-phủ (NGO). Và kể đến tháng 7 năm 2005 thì bản thảo đã được chỉnh sửa ít nhất là 10 lần và đổi tên thành Luật về Hội.[28] Bản thảo của đạo luật này không bao gồm các hội đoàn được gọi là NGO của người Việt Nam. Các chuyên gia quốc gia và hiệp hội thương mại đã cố gắng hoạt động bên lề nghị viện để hoàn thiện các phòng bị trong đạo luật này, làm chậm trễ việc nó được chấp thuận và thực hiện.

Cũng trong năm 2002, 181 NGO quốc tế đang hoạt động chính thức hoặc đang hoạt động qua hình thức có mặt tại Việt Nam đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong khoảng không gian dành cho xã hội dân sự.[29] Danh từ “xã hội dân sự” trở thành thông dụng đối với các nhà tài trợ nước ngoài và các NGO quốc tế khi đề cập đến Việt Nam và khi xác nhận rằng các tổ chức được gọi là NGO của người Việt này những khối cơ bản quan trọng trong xã hội. Như đã nói đến phía trên, cách gọi này là một sự lừa dối vì các đoàn thể của người Việt đang đối tác với bộ phận tương ứng của họ ở nước ngoài thật ra chỉ là các cánh tay vươn dài của chính quyền, hoặc các đoàn thể tầm cỡ (hoặc có định hướng đặc biệt) dưới sự lãnh đạo/quản lý của chính quyền.

Thật ra không có định nghĩa thống nhất cho xã hội dân sự trong cộng đồng trí thức (xem biểu đồ 2).[30] Bà Mary Kaldor đã nhận dạng được 5 nhận thức khác nhau về xã hội dân sự: công dân, tư sản, tân-tự-do, hoạt động chính trị, và thành phần chống chủ nghĩa hiện đại.[31] Tuy vậy, hai chữ “dân sự” vẫn được xem chung như là chuyện của dân hoặc chủ trương bất-bạo-động. Những vẫn có những bất đồng về việc các hoạt động bất-bạo-động có nên tuân theo pháp luật hay không vì trong một xã hội độc tài thống trị, như Việt Nam, rõ ràng là luật pháp được đặt ra để ngăn cấm các hoạt động như thế. Xã hội dân sự có thật sự hiện hữu trong một quốc gia không có một kết cấu dân chủ hoặc một quá trình tiến triển dân chủ hay không?

Nhận thức của các nhà hoạt động chính trị về xã hội dân sự xuất hiện cùng lúc với sự sụp đổ của XHCN ở Đông Âu qua những nổ lực của Điều khoản 77 ở Cộng Hoà Czech và Tinh Thần Đoàn Kết ở Ba Lan. Trong ngữ cảnh này, xã hội dân sự được nâng cấp thành phương tiện thúc đẩy dân chủ và tự do, quân bình quyền lực của chính quyền và thành phần tư nhân, cũng như nâng cao hiệu quả, trách nhiệm, và sự lãnh đạo cao cả của chính quyền.[32] Như tôi sẽ nhắc đến phía dưới, các đoàn thể đấu tranh dân chủ của người Việt ở hải ngoại đang chủ trương thúc đẩy phát triển “xã hội dân sự” như một phần của chiến lược chấm dứt thể chế độc tài Đảng trị CS ở Việt Nam.

Biểu đồ 2: Xã Hội Dân Sự qua Hình Thức Cổ Điển. Nguồn: Joseph Hannah, Các Tổ Chức Phi-Chính-Phủ Địa Phương tại Việt Nam: Phát Triển, Xã Hội Dân Sự, và Quan Hệ Chính Quyền-Nhân Dân (Seattle: Nghị luận tiến sĩ ĐH Hoa Thịnh Đốn, 2007), trang 53.

Thế thì xã hội dân sự có nghĩa gì trong quan niệm của người Việt Nam? Các nhà nghiên cứu Bắc Mỹ, hội viên của Nhóm Nghiên Cứu Việt Nam thuộc Hiệp Hội Châu Á Học Hoa Kỳ, sau khi thảo luận về việc xã hội dân sự chuyển ngữ sang tiếng Việt là gì đã kết luận rằng không có một từ đồng nghĩa nào như thế cả. Các nhà nghiên cứu này đã nói thêm rằng có một vài từ gần như có cùng nghĩa đã được sử dụng nhưng chúng ý nghĩa của các từ này hầu như khác ý nghĩa của Tây phương.[33]

Danh từ xã hội dân sự không được sử dụng rộng rãi trong các bài thuyết trình của các nhà nghiên cứu và viên chức Việt Nam. Có hai nhóm từ trong tiếng Việt – xã hội dân sự và xã hội công dân – được sử dụng thường xuyên đại diện cho “civil society” (xã hội dân sự). Cho dù vậy, Bộ Nội Vụ đang tìm một danh từ chính thức để thay thế cho “civil society” khi chuyển ngữ. Cả hai nhóm từ đều không được sử dụng trong các văn bản chính thức khi đề cập đến các đoàn thể người Việt quốc nội; các đoàn thể mà người nước ngoài gọi là NGO được xem như là các đoàn thể nhân dân. Có bằng chứng chứng tỏ rằng những NGO ở tầng lớp nhân dân người Việt không đồng ý với cách giải thích này.

Nhóm từ xã hội dân sự có hai ý nghĩa khác biệt trong quan niệm của người Việt Nam hiện nay.[34] Ý nghĩa thứ nhất là một ý nghĩa kinh tế nhìn vào xã hội dân sự qua những phục vụ mà các NGO địa phương cung cấp. Trong ý nghĩa này, quan niệm về xã hội dân sự được xem như gắn liền với các tổ chức thiện nguyện quốc tế và nghị trình của họ. Lý do là vì trong xã hội độc tài Đảng trị của Việt Nam, không có 1 xã hội dân sự nào thật sự độc lập hoặc tự lập từ sự kiểm soát quản lý trực tiếp của chính quyền.

Ý nghĩa thứ nhì có liên quan đến chính trị. Theo T/S Hoàng Ngọc Giao, ý nghĩa này bao gồm các hiệp hội chính trị chẳng hạn như những hiệp hội là hội viên của MTTQVN.[35] Kể từ thập niên 1990, xã hội dân sự có một ý nghĩa mới đối với Việt Nam. Các nhà bất đồng chính kiến đã sử dụng cụm từ này trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Trong ngữ cảnh này, xã hội dân sự mô tả sự hình thành của một khoảng không trong quần chúng mà trong đó, thể chế độc tài Đảng trị của Việt Nam bị thử thách bởi sự huy động chính trị bất bạo động nơi người dân. Thí dụ như lời nhà đấu tranh chính trị Lữ Phương từng nói “công cuộc vận động xây dựng xã hội dân sự cũng sẽ trở thành công cuộc vận động cho luật pháp, tự do, và nhân quyền cơ bản của con người.”[36] Tổng quát mà nói thì xã hội dân sự trong quan điểm chính trị nói đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ trước thể chế thống trị toàn quyền của Việt Nam.

Khái niệm về xã hội dân sự không được người dân nắm vững một cách rộng rãi trong xã hội Việt Nam.[37] Khi cụm từ này được dùng đến lúc thảo luận với người nước ngoài, nó thường đuợc dùng để nói đến các đoàn thể, hiệp hội có liên kết chặc chẽ với chính quyền. Các đoàn thể, hiệp nội này đang cố gắng khiến cho người ta nghĩ họ “chính thực” là các tổ chức xã hội dân sự được thiết lập theo định hướng độc lập của riêng mình.

[19] “Các Diễn Viên và Hoạt Động Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam: Kết Quả Sơ Bộ và Những Phát Họa từ Cuộc Tranh Lận đang Tiến Triển” của t/g Joseph Hannah trong Hướng Về Xã Hội Tốt Đẹp: Các Diễn Viên Xã Hội Dân Sự, Chính Quyền và Tầng Lớp Thương Gia ở Đông Nam Á - Kẻ Giúp Ích hay Gây Trở Ngại cho một Xã Hội Vững Bền, Dân Chủ, và Công Bằng? (Berlin: Heinrich Böll Stifflung, 2005) . Trang 105
[20] Các thí dụ điển hình gồm có Trung Tâm Phục Vụ Phát Triển Nông Thôn thành lập năm 1994; Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, Tư Vấn, Nghiên Cứu, và Rèn Luyện Phát Triển Cộng Đồng thành lập năm 1996.
[21] Vasavakul, “Từ Phá Rào đến Kết Nối”, trang 28.
[22] Hannah, “Các Diễn Viên và Hoạt Động Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trang 107-108. NĐ 35-CP được đặt tên “Một Vài Chỉ Đạo nhằm Định Hướng Hoạt Động Khoa Học Kỹ Thuật.”
[23] Trích lời của Kathrin Perdersen trong “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam” của t/g Salemink, trang 118.
[24] “Tạo Lập Xã Hội Dân Sự? Sự Xuất Hiện của các NGO tại Việt Nam” của t/g Michael Gray trong tờ Phát Triển và Thay Đổi 30, số thứ 4 (tháng 10, 1999): 698.
[25] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trích đoạn trang 119.
[26] Hannah, “Các Diễn Viên và Hoạt Động Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trang 107. Tác giả viết rằng những cố gắng nhằm để soạn thảo Điều Luật cho các NGO là một nổ lực được giữ kín kéo dài 15 năm.
[27] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trích đoạn trang 120.
[28] Hannah, “Các Diễn Viên và Hoạt Động Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trang 107 và Sabharwal & Trần Thị Thiên Hương, “Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam: Từ Bên Bờ đến Giữa Nguồn”, trang 4.
[29] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Vìệt Nam”, trang 105-106.
[30] Có rất nhiều dữ liệu về đề tài này. Để thao khảo tổng quát, xin xem Xã Hội Dân Sự và Thay Đổi Chính Trị ở Á Châu: Nới Rộng và Thu Hẹp Khoảng Không Dân Chủ của t/g Muthiah Alagappa. (Stanford: ĐH Standford – HK, 2004) và “Đổi Mới Chính Trị tại Việt Nam: Đổi Mới và Sự Xuất Hiện của Xã Hội Dân Sự” của t/g Carlyle A. Thayer trong Sự Phát Triển của Xã Hội Dân Sự trong các Thể Chế Cộng Sản, biên tập bởi Robert F. Miller (Sydney: NXB Allen & Unwin, 1992) trang 110-129.
[31] Tóm lược trong “Xã Hội Dân Sự và các NGO tại Việt Nam” của t/g Bach Tan Sinh”, trang 2-3.
[32] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trang 102-104.
[33] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trang 105 và “Chính Quyền, Đoàn Thể Địa Phương, và những Tính Chất Dân Sự khác ở Nông Thôn Bắc Việt.”của t/g Hy V. Luong trong Đời Sống Dân Sự, Toàn Cầu Hóa, và Thay Đổi Chính Trị ở Á Châu: Sắp Xếp giữa Gia Đình và Chính Quyền, biên tập bởi Robert P. Weller (London: Routledge, 2005). Trang 123-147.
[34] Phần này được rút tỉa từ bài “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam” của t/g Salemink, trang 104 và bài “Sự Kết Hợp của Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam” của t/g Hoàng Ngọc Giao, tháng 1 năm 2007, trang 1. Bài viết này được đăng trên trang mạng của Dự Án Hỗ Trợ Cải Cách Pháp Luật (LERAP)
[35] Trong bài “Sự Kết Hợp của Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam”, Hoàng Ngọc Giao nhận xét rằng mặc dù Điều khoản 69 của Hiến Pháp cho phép người dân tự do lập đoàn thể tổ chức, hoat động của các tổ chức đoàn thể có thể bị chính quyền ngăn cấm. Ông Giao không có nghi ngờ gì về sự độc tài toàn trị của chính quyền độc Đảng Việt Nam.
[36] “Xã Hội Công Dân: Từ Triệt Tiêu Đến Phục Hồi” của t/g Lữ Phương. Một phần của bài này đã được chuyển sang Anh ngữ và đọc tại hội thảo “Vietnam Update 1994: Đổi Mới, Nhà Nước, và Xã Hội Công Dân” do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Thái Bình Dương thuộc ĐH Quốc Gia Úc ở Canberra tổ chức, ngày 10-11 tháng 11 năm 2004. Chính quyền VN đã ngăn cản không cho ông Lữ Phương tham dự buổi hội thảo này.
[37] Salemink, “Chuyển Ngữ, Dẫn Giải, và Thực Hành Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam”, trang 121-122.

Sự Trỗi Dậy của Xã Hội Chính Trị Dân Sự

Kể từ 4 đến 5 năm qua, có một sự thay đổi rõ rệt trong bản chất xã hội chính trị dân sự tại Việt Nam. Lúc trước, các nhà đấu tranh chính trị và tôn giáo chỉ hoạt động riêng rẻ hoặc theo từng nhóm nhỏ cách ly với nhau.[38] Nhưng trong những năm gần đây, có một sự phối hợp giữa những nổ lực từ nhiều phía nhằm thiết lập các đoàn thể chính trị dứt khoát chuyên đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo. Các tổ chức chính trị được hình thành với con số chưa từng có.[39] Các tổ chức này bị chính quyền xem như là bất hợp pháp và vì thế, họ không có chổ đứng nào trong hệ thống chính trị độc Đảng ở Việt Nam. Trong số các tổ chức, đoàn thể chính trị này có:

· Đảng Dân Chủ Nhân Dân Việt Nam (ĐDCND). Đảng này được thành lập vào năm 2004 bởi ông Đỗ Thành Công, một cư dân Mỹ gốc Việt sinh sống tại bang Cali (Hoa Kỳ), sau 5 năm liên kết với những người cùng chí hướng trong nước. Ông Công cũng được biết đến qua biệt danh Trần Nam. Mạng lưới ĐDCND bao gồm các vị đứng đầu Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông (xem phía dưới). Ông Công bị bắt giữ vào ngày 14 tháng 8 năm 2006 ở Phan Thiết và bị kết tội âm mưu đánh phá Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP HCM. Cáo trạng này sau đó lại đổi sang phân phát truyền đơn chống chính quyền. Ông Công bị giam đúng 1 tháng trong tù trước khi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam. Một thời gian ngắn sau khi ông Công bị bắt giữ, 6 thành viên quốc nội của ĐDCND cũng bị câu lưu. 6 thành viên này đã bị xét xử trước Tòa Án Nhân Dân ở TP HCM. Trong số đó, thành viên lãnh đạo BS Lê Nguyên Sang, nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo, và LS Nguyễn Bắc Truyền đã bị kết án 5, 4, và 3 năm tù giam theo thứ tự.

· Đảng Vì Dân Việt Nam (ĐVDVN).[40] Lúc đầu chỉ là một nhóm người ở Hoa Kỳ họp lại với tên gọi ĐVD. ĐVD được sáng lập ở bang Houston (Hoa Kỳ) bởi ông Nguyễn Công Bằng. Trong năm 2005, thành viên của ĐVD liên lạc với người Việt quốc nội, kể cả thành viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông (xem phía dưới). Ông Bằng khuyên họ nên không nên quá lộ diện để có thể thiết lập một mạng lưới liên kết bí mật. Ông Bằng cho rằng vị thế tranh đấu tích cực trong lúc này chỉ có thể mang đến áp bức và giảm thiểu khả năng thu nạp nhân lực. ĐVD chỉ thu hút được 1 số nhỏ thành viên quốc nội. Có ít nhất 3 thành viên của họ bị bắt giữ vào năm 2007: Mục sư Hồng Trung, đại diện của ĐVD tại Việt Nam (tháng Hai); nhà báo Trương Minh Đức (tháng Năm); và SV Đặng Hùng (tháng Bảy).

· Đảng Dân Chủ Việt Nam (ĐDCVN): sáng lập tháng 6 năm 2006, là một nhóm thảo luận chính trị do cụ Hoàng Minh Chính dẫn đầu. Đảng này cũng được biết đến với tên gọi Đảng Dân Chủ Việt Nam thế kỷ XXI (ĐDC XXI). ĐDCVN tuyên bố họ là sự phục hồi hoạt động của ĐDCVN sáng lập vào năm 1944, một trong 2 Đảng phi-CS được trình diện trước Quốc Hội cho đến lúc bị giải thể vào năm 1985. Cụ HMC được huấn luyện từ Moscow, là cựu viện trưởng viện Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội VN. Cụ bị cáo buộc tội kêu gọi cải cách dân chủ theo Liên Xô, bị tù giam và rồi được thả vào năm 1967. Cụ tiếp tục đấu tranh cho những thay đổi chính trị và lại chịu cảnh giam cầm năm 1981 và 1995.

Cụ HMC đã nắm giữ chức vụ Tổng Thư Ký của ĐDCVN từ năm 1951-1956. Cụ đưa ra kế hoạch khôi phục lại ĐDC bằng cách cách kêu gọi tinh thần yêu nước của Hồ Chí Minh, một lập trường xa lại đối với các nhà bất đồng chính kiến trẻ tuổi. ĐDCVN có thể có đến 12 thành viên tại Hà Nội và TP HCM. Cụ HMC đã được phép sang Hoa Kỳ để chữa bệnh vào năm 2005. Khi ở Hoa Kỳ, cụ đã có điều trần trước Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ và mạnh dạng chỉ trích cách chính quyền CS đối xử với các nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Khi trở về Việt Nam, cụ đã được nhiều người ca ngợi cũng như bị đả kích bởi thành phần ủng hộ chính quyền.[41] Còn có LS Bùi Thị Kim Thành bị bắt giữ tại TP HCM trong cuộc đàn áp thẳng tay trước Hội nghị thượng đỉnh APEC và bị khống chế vào BV Tâm Thần Biên Hòa.

· Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN), sáng lập bởi BS Nguyễn Văn Đài. Tháng 6 năm 2007, kỹ sư Trương Minh Nguyệt và hai nhà đấu tranh khác bị bắt giữ vì phân phát tài liệu tuyên truyền phản động vi phạm Điều khoản 258 của Bộ luật Hình Sự. Kỹ sư Nguyệt bị kết án 2 năm tù giam bởi Tòa án Tỉnh Đồng Nai. Bà Nguyệt, một thành viên của MLNQVN đã sử dụng mạng Internet để phát biểu quan điểm của mình về tình hình kinh tế chính trị Việt Nam.

· Hội Nhà Báo Tự Do của Việt Nam (HNBTDVN) được thành lập bởi tác giả của các trang blog người Việt ở hải ngoại, bao gồm một mạng lưới blogger và các nhà báo bất đồng chính kiến trong nước. Mạng lưới này thu thập và phổ biến thông tin lề trái ở Việt Nam. Năm 2006, DNBTDVN đã thử thiết lập một tờ báo điện tử phổ biến thông tin độc lập với nguồn tài trợ từ Viện Quốc Gia Thăng Tiến Dân Chủ Hoa Kỳ. Công an an ninh Việt Nam đã bắt giữ và thẩm vấn nhiều nhà đấu tranh của HNBTDVN và ít nhất đã cấm cản 1 thành viên tự do xuất ngoại để tham dự một hội nghị quốc tế về quyền tự do ngôn luận.

· Khối 8406, thành lập ngày 8 tháng 6 năm 2006 (sẽ nói thêm ở phần sau).

· Đảng Thăng Tiến Việt Nam (ĐTTVN), thành lập ngày 8 tháng 9 năm 2006 bởi Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, và Hoàng Thị Anh Đào. LM Nguyễn Văn Lý được đề cử làm cố vấn. Lê Thị Công Nhân là một luật sư thông thạo Anh ngữ đã từng được Lãnh sự quán Anh quốc mời bào chữa cho một phụ nữ Anh gốc Việt bị tố cáo buôn lậu ma tuý. Chị Lê Thị Công Nhân cũng là một trong những người đã ký tên vào bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ của khối 8406. Các thành viên sáng lập khác của Khối 8406 cũng cư ngụ tại Huế. ĐTTVN tiêu biểu cho một thế hệ bất đồng chính kiến với tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 8 tháng 9 năm 2006, ĐTTVN đã công bố Cương Lĩnh Lâm Thời kêu gọi dân chủ đa nguyên, tự do tôn giáo, bầu cử tổng quát, và bào vệ tài sản cá nhân. Năm 2007, ĐTTVN và ĐVDVN đã chính thức hợp tác và lập thành Liên Đảng Lạc Hồng.

· Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam (LMDCNQVN), thành lập ngày 16 tháng 10 năm 2006 giữa Khối 8406 và Giáo hội Phật Giáo VN Thống Nhất. Liên minh này được thiết lập theo mô hình Liên Đoàn Toàn Quốc vì Dân Chủ Miến Điện của bà Daw Aung San Suu Kyi. Sự liên hiệp này được xem là phong trào đấu tranh lớn nhất chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ khi quốc gia thống nhất năm 1975.

· Công Đoàn Độc Lập Việt Nam (CĐĐLVN), thành lập ngày 20 tháng 10 năm 2006 và là công đoàn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Khắc Toàn được công nhận vào chức vị Chủ tịch Ban Đại Diện Lâm Thời gồm có 11 ủy viên: ông Nguyễn Công Lý, ông Ngô Công Quỳnh, bà Nguyễn Thị Phương, ông Trần Hoàng Dương, ông Phạm Sử Thiện, ông Nguyễn Xuân Đạo, ông Trần Hiền Thanh, ông Lương Hoài Nam, ông Lê Trí Dũng, bà Trần Khải Thanh Thủy, và ông Trần Quốc Thủy. CĐĐLVN liệt kê 3 mục đích chính: bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân Việt Nam; giúp đỡ các công nhân bị tàn phế hoặc có bệnh vì việc làm; và kêu gọi đoàn kết trong giai cấp công nhân.

· Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông (HHĐKCN), thành lập ngày 30 tháng 10 năm 2006 bởi Nguyễn Tấn Hoành và Trần Thị Lệ Hằng. Cả hai sáng lập viên này đều có thành tích tranh đấu kêu gọi công nhân đình công. Trong giai đoạn thành lập, thành viên của hiệp hội này đã liên lạc với Đảng Vì Dân với trụ sở ở bang Houston (Hoa Kỳ). Sau những khác biệt xảy ra trong đường hướng, HHĐKCN đã liên kết với một tổ chức khác ở hoa kỳ, ĐDCNDVN, và giữ lấy địa vị tích cực hơn theo mô hình của phong trào Đoàn Kết Ba Lan. Tuy thế, chiến lược chính thức công bố mời gọi sự đàn áp từ phía chính quyền. Đến giữa tháng 12 năm 2006, sau hội nghị thượng đỉnh của khối APEC ở Hà Nội, 10 trong số các thành phần nòng cốt trong HHĐKCN đã bị giam giữ. Đến năm 2007, HHĐKCN đã phải trở vào hoạt động bí mật.

· Liên Đảng Lạc Hồng, thành lập tháng 2 năm 2007 từ sự liên kết giữa Đảng Thăng Tiến VN và Đảng Vì Dân VN.

Nói chung thì các tổ chức chính trị kể trên không có một số lượng thành viên với trụ sở trãi rộng khắp nơi trên toàn quốc. Tên gọi “đảng phái chính trị” mà họ tự đặt cho mình cũng có vấn đề. Cho dù vậy, mạng lưới đấu tranh dân chủ của các nhà tranh đấu và các đoàn thể tranh đấu đã liên hợp thành trong năm 2006 được xem là một phong trào chính trị đáng kể, đánh dấu cho một sự phát triển mới trong chính trị Việt Nam.[42] Mạng lưới tranh đấu chính trị này đã ban hành nhiều bản tuyên ngôn kêu gọi chính quyền nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền cơ bản, tự do tôn giáo, và cho phép người dân tự do thành lập và gia nhập các đảng phái chính trị khác ngoài Đảng CSVN.[43] Vào ngày 6 tháng 4 năm 2006, 116 người đã đồng ký tên vào bản Appeal for Freeom of Political Association và phổ biến rộng rãi trên toàn quốc bằng mạng Internet. Ngày 8 tháng 4, 118 người đã đồng ký tên bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho VN.[44] Các nhà đấu tranh dân chủ này sau đó được biết đến với tên gọi Khối 8406, được đặt theo ngày bản tuyên ngôn ra đời.

Thành viên của Khối 8406 đã xuất bản tờ Tự Do Ngôn Luận 2 tuần 1 lần, bắt đầu từ ngày 15 tháng 4 năm 2006. Đây là một tờ báo gồm khoảng 30 trang trên khổ giấy A4 bằng cả hai dạng in và điện tử. Dạng điện tử của tờ Tự Do Ngôn Luận được xuất bản theo dạng PDF cho tiện việc phổ biến. Tờ báo này do LM Nguyễn Văn Lý, LM Phan Văn Lợi, và LM Chân Tín biên tập.

Khối 8406 tượng trưng cho một mạng lưới bao gồm nhiều chuyên gia, trí thức khác nhau ở rãi rác khắp nơi trên toàn quốc. Trong số các người ký tên vào bản tuyên ngôn có 31% là giảng viên và giáo viên, 14% là các linh mục Thiên Chúa giáo, 13% là các giáo sư ĐH, 7% thuộc các nhà văn, 6% là bác sĩ y khoa và 29% còn lại gồm có các trí thức, kỹ sư, y tá, các lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo, thương gia, cựu bộ đội, chuyên viên kỹ thuật, thường dân, và cả 1 luật sư.

Khối 8406 chủ yếu là một mạng lưới ở khu trung tâm thành thị, với hơn phân nữa những người ký tên cư ngụ tại Huế (31%) và TP HCM (15%), những người ký tên khác quy tụ từ Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, và Cần Thơ. 4 thành phố này chiếm 30% chữ ký.[45] Phần còn lại của các thành viên Khối 8406 nằm rãi rác trên toàn quốc ở Bắc Ninh, Nha Trang, Phan Thiết, Quãng Ngãi, Vũng Tàu, và Vĩnh Long.

Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 năm 2006 có bao gồm cuộc họp mặt giữa các lãnh tụ quốc gia. Vì cả thế giới đang chú tâm vào Hà Nội, nhân viên an ninh VN lúc đầu rất thận trọng trong cách đối phó với Khối 8406. Họ đã gây khó khăn cho một vài người trong số những người nổi bật đã ký tên vào bản tuyên ngôn ngày 8 tháng 4. Điện thoại nhà của các vị này bị cắt đứt và họ bị theo dõi thường xuyên. Những người khác được mời đến thẩm vấn và bị bắt giữ trong nhiều khoản thời gian khác nhau. Các nhân viên bị đe dọa cho nghỉ việc. Công an cũng đã xông vào nhà các thành viên ký tên khác, lấy đi các máy tính, điện thoại di động, và tài liệu cá nhân.

Hành động của CA đã tạo lên một làn sóng phản đối trong thành phần tranh đấu ủng hộ dân chủ. Ngày 30 tháng 4, Khối 8406 đã ra một kháng thư với 178 chữ ký lên án hành động của CA an ninh. Cho đến ngày 8 tháng 5, số người ủng hộ ký tên trong bản tuyên ngôn lên đến 424; và cho đến cuối năm, các quan sát viên nước ngoài cho biết là khối ủng hộ bản tuyên ngôn của Khối 8406 đã hơn 2.000, phần nhiều trong số đó dưới 30 tuổi.[46] Thành viên Khối 8406 đã cố gắng lẫn tránh bị theo dõi bằng cách sử dụng điện thoại digital và kỹ thuật mã hóa trên các trang mạng cung cấp bởi các phần mềm Voice Over Internet Protocol như Paltalk, Skype, và Yahoo! Messenger.[47] Các trang mạng này đã được sử dụng để thiết lập các buổi thảo luận trong nước cũng như ở hải ngoại.

[38] Trích dẫn bài viết “Bất Đồng Chính Kiến và Đổi Mới Chính Trị tại Việt Nam, 1997 – 2002” của t/g Carlyle A. Thayer.
[39] Đoạn này được rút tỉa rất nhiều từ công trình nghiên cứu của Bill Hayton, sẽ được xuất hiện trong quyển sách sắp xuất bản của ông, Một Việt Nam Mới (New Haven: NXB ĐH Yale – Hoa Kỳ, 2009). Hayton là cựu thông tín viên báo chí của đài BBC ở Hà Nội.
[40] For the People’s Party (FPP)
[41] Cụ Hoàng Minh Chính từ trần ngày 7 tháng 2 năm 2008.
[42] “Việt Nam: Đại Hội Đảng lần thứ 10 và sau đó” của t/g Carlyle A. Thayer trong Các Vấn Đề Đông Nam Á năm 2007, biên tập bởi Daljit Sigh và Lorraine C. Salazar (Singapore: Viện Nghiên Cứu ĐNA, 2007) trang 381-397. Phần nói về Khối 8406 tiếp theo sau được rút tỉa từ bài viết này.
[43] “Việt Nam: Phong Trào Dân Chủ Đang Cất Cánh bị Đe Dọa” của Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới, ngày 10.5.2006.
[44] “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ cho VN năm 2006”, ngày 8 tháng 4 năm 2006. 1 trong những người ký tiên đã rút chữ ký của mình lại, và có thêm 3 người nữa ký vào, nâng con số tổng cộng lên thành 118.
[45] 14 vị LM Thiên Chúa giáo ở Huế đã đồng loạt ký tên vào bản tuyên ngôn. Trong số 9 người từ Hà Nội có LS Nguyễn Văn Đài, nhà bất đồng chính kiến Hoàng Minh Chính, 3 cựu sĩ quan bộ đội (trong đó có cựu biên tập viên của tạp chí Lịch Sử Quân Sự). Vợ của hai nhà bất đồng chính kiến trong đó là nhà văn và một giáo viên.
[46] “Số Người Bất Đồng Chính Kiến Gia Tăng tại Việt Nam” của t/g Matt Steinglass, tạp chí Tiếng Nói Hoa Kỳ phát hành 16.10.2006.
[47] “Tiếng Nói Bất Đồng Chính Kiến” của t/g Kay Johnson, tờ Time Asia, 29.9.2006.

Vào ngày 22 tháng 8 năm 2006, Khối 8406 đã chính thức công bố một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam gồm 4 giai đoạn và 8 bước nhằm gầy dựng lại các quyền tự do công dân, thành lập các chính đảng dân chủ, soạn thảo Hiến Pháp mới, và tiến hành bầu cử dân chủ cho một Quốc Hội đại biểu nhân dân.[48] Ngày 12 tháng 10 năm 2006, thành viên Khối 8406 đã viết một thư mở gửi đến các lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh APEC yêu cầu họ giúp đỡ trong quá trình thúc đẩy xã hội dân chủ cho Việt Nam. 4 ngày sau đó, Khối 8406 đã định chuyển hóa mình thành một phong trào chính trị bằng cách liên kết với Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất trong Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam như đã nói đến phía trên.

Trước hội nghị thượng đỉnh APEC, CA an ninh đã bao vây tư gia của các thành viên Khối 8406 và ngăn cản họ tự do đi lại. Cùng thời gian, thành viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông cũng bị bắt giữ và đưa ra tòa sau đó. Sau hội nghị APEC, Việt Nam tiến hành một chiến dịch phối hợp với nổ lực đàn áp Khối 8406. Có 7 thành viên bị bắt giam, xét xử, và kết tội rong tháng 3 và 4 năm 2007, trong đó có LS Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Án tù của họ sau đó được giảm xuống vào tháng 12.

Các nhà đấu tranh dân chủ khác cũng bị bắt giữ và xét xử trong cùng năm, nổi bật nhất là LM Nguyễn Văn Lý. Thành phần lãnh đạo của Khối 8406 có vẻ như đã bị hóa giải một cách hiệu quả bởi bộ máy an ninh của Việt Nam. Rất nhiều trong số những người ký tên vào bản tuyên ngôn, các kháng thư, kiến nghị đã đồng loạt im lặng trước sự đàn áp của chính quyền. Điều này thể hiện rõ nhất qua kỷ niệm ngày thành lập Khối 8406 năm 2007 và 2008, hai sự kiện đã trôi qua một cách êm ả.

Trong tháng 6 và tháng 7 năm 2007, các nông dân ở tỉnh Tiền Giang đã tổ chức một cuộc biểu tình công cộng kéo dài để kêu oan về việc đất đai bị tước đoạt. Họ đã quy tụ tại TP HCM trước tòa Quốc Hội và được tháp tùng bởi nhiều ủng hộ viên từ 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có một vài điều chung quanh sự kiện này chưa bao giờ xảy ra: số người tham gia khiếu kiện, sự hiện diện của đồng bào từ nhiều tỉnh khác nhau, cùng với thời gian họ được cho phép để biểu tình và căng biểu ngữ ở các nơi công cộng.

Cuộc biểu tình của đồng bào tỉnh Tiền Giang được trực tiếp theo dõi và thông tin bởi các cơ quan truyền thông ở hải ngoại. Một số các đồng bào tham gia biểu tình đã trả lời phỏng vấn trực tiếp bằng điện thoại di động với phóng viên báo chí nước ngoài ở Hà Nội và đài Radio Chân Trời Mới do Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (đảng Việt Tân) quản lý. Hình ảnh các biểu ngữ của đồng bào nông dân biểu tình có thể truy cập được trên trang mạng của đảng Việt Tân. Cuộc biểu tình kéo dài của đồng bào nông dân Tiền Giang sau đó cũng đã chấm dứt khi CA an ninh bao vây và ép buộc chở họ đi nơi khác trong đêm khuya. Điều mới lạ từ các vụ biểu tình này là sự ủng hộ có được từ Khối 8406 và Hòa Thượng Thích Quảng Độ từ Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất.

Theo bề ngoài thì Khối 8406 và các đoàn thể xã hội chính trị dân sự xuất hiện trong năm 2006 có vẻ như đã cùng chung số phận với các nhà đấu tranh chính trị của thập niên 1990. Tuy nhiên, có một yếu tố cần phải được nói đến trong sự phân tích này – đó là vai trò của các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam ở hải ngoại, những người đã bắt đầu liên kết với đồng hương của mình ở quốc nội để cung cấp nguồn tài trợ, ủng hộ tinh thần, và hỗ trợ sách lược đối kháng thể chế chính trị độc đảng.[49] Đoàn thể then chốt – nhưng cũng không phải là duy nhất – trong sự phát triển mới lạ này là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, còn gọi là Việt Tân.[50]

Đảng Việt Tân tuyên bố là họ muốn tranh đấu cho một xã hội dân chủ tại Việt Nam theo phương châm bất bạo động trong lúc truyền thông quốc nội miêu tả họ là một tổ chức khủng bố.[51] Cả hai phía truyền thông Việt Nam và Việt Tân đều đồng thời đều hợp nhất về lịch sử cơ bản của Việt Tân. Việt Tân được sáng lập bởi Hoàng Cơ Minh, nguyên là phó Đề đốc Hải Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Minh sáng lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) vào ngày 30 tháng 4 năm 1980. Sau đó, ông thành lập Việt Tân vào ngày 10 tháng 9 năm 1982. Cả hai tổ chức lúc đó đều muốn lật đổ chính quyền CSVN qua chủ trương bạo động.

Cả hai phía chính quyền VN và những người ủng hộ Hoàng Cơ Minh đề đồng ý rằng (MTQGTNGPVN) đã từng âm mưu đánh phá bằng cách đưa người của mình xâm nhập vào Việt Nam qua đường Lào và Cam Bốt. Một thành viên của đảng Việt Tân đương thời cũng đã cho biết rằng thành viên của Việt Tân sống ở Việt Nam trong thời điểm hoạt động bí mật (1982-1994) có trang bị vũ khí.[52] Phía Việt Nam thì lại tố cáo đảng Việt Tân đã sử dụng vũ khí bạo động cho đến năm 2002 khi họ thuê mướn tội phạm ám sát các viên chức chính quyền.

Ngày 19 tháng 9 năm 2004, tổ chức này tuyên bố giải thể MTQGTNGPVN và cho biết rằng đảng Việt Tân sẽ chính thức hoạt động công khai.[53] Các lãnh đạo đảng Việt Tân công bố cương lĩnh của mình với chủ trương đối đầu bất bạo động nhằm tranh đấu cho xã hội dân chủ ở Việt Nam qua sự hợp tác với các tổ chức cùng chí hướng khác. Kể từ năm 2004, Việt Tân đã trở nên tích cực trong việc vận động các nghị viên chính trị ở Úc Châu, Á Châu, và Hoa Kỳ.

Trong quý 4 của năm 2006, thành viên đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ đã tích cực vận động chính quyền của TT George W. Bush đề cập đến các vấn đề nhân quyền trước hội nghị APEC ở Hà Nội tháng 11 cùng năm. Một thành viên Việt Tân đã từng điều trần trước Nhóm Nhân Quyền Quốc Hội Hoa Kỳ. Việt Tân cũng đã vận động các nhà tài trợ quốc tế kết hợp tính minh bạch và trách nhiệm cùng với các chương trình viện trợ của họ tại Việt Nam. Tháng 3 năm 2007, Việt Tân tổ chức các buổi tập họp toàn thế giới để chống đối làn sóng đàn áp chính trị đang được tiến hành ở Việt Nam vào lúc đó.

Vào khoảng thời gian cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2007, một rào chắn bằng các bài viết xuất hiện trên báo chí do nhà nước VN quản lý cáo buộc Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Nhưng các bài viết này chỉ có thể vỏn vẹn các chi tiết về hoạt động của MTQGTNGPVN trước khi mặt trận này bị giải thể. Các bài báo này không có chi tiết gì về hoạt động của đảng Việt Tân sau tháng 9 năm 2004. Thật ra, khi các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam bắt đầu chú tâm đến sự phát triển đương thời của Việt Tân, đảng phái này đã báo cáo rằng họ đã thiết lập các tổ chức pháp luật, thương mại, và các chương trình tính dụng vi mô (microcredit) để phát sinh nguồn tài trợ cho các hoạt động của họ tại Việt Nam. Đảng Việt Tân cũng bị tố cáo là đã kêu gọi tẩy chay các mặt hàng quốc nội cùng các dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam. Tất cả những lời cáo buộc về các hoạt động này hoàn toàn có tính chất bất bạo động trong đó.

Các viên chức an ninh quốc phòng Việt Nam đã cố tình đúc kết các hoạt động chống kháng chính quyền để gán ghép tên gọi khủng bố cho Việt Tân, kể cả những hoạt động chống đối có tính chất hòa bình và bất bạo động. Người ta cũng không rõ rằng chính quyền nhà nước Việt Nam đã sử dụng điều luật pháp chế nào để cáo buộc đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố.

Các sự kiện của năm 2006 – 2007 tiêu biểu cho sự lớn rộng của các tổ chức xã hội chính trị dân sự tại Việt Nam; một sự phát triển qua thế lực, qua con số, và mạng lưới liên kết càng ngày càng gia tăng của các tổ chức này. Bất đồng chính kiến đã trở thành một hình thức tổ chức to lớn hơn với sự xuất hiện của các đảng phái chính trị mới lạ và các liên đoàn thương mại cũng như các tổ chức có khuynh hướng độc lập khác đại diện cho các nhà báo tự do, các nhà tranh đấu nhân quyền, và các cựu tù nhân chính trị. Sự liên hiệp vẫn còn mới mẻ giữa Khối 8406 và Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, và sự hình thành của Liên Đảng Lạc Hồng là bằng chứng tượng trưng là khoảng trống cách biệt trong quá khứ giữa các tổ chức tranh đấu hiện nay đã dần dần biến mất.

Tuy nhiên, không có một nhận thức rõ rệt nào cho thấy rằng phong trào đấu tranh dân chủ ngày càng vững bền hoặc đang liên kết thành một thế lực có thể trở thành một thử thách lớn đối với chính quyền độc Đảng Việt Nam. Thành phần chủ chốt của Khối 8406 và các đoàn thể xã hội chính trị dân sự liên đới đã bị đàn áp bởi hệ thống an ninh của Việt Nam, các thành viên của họ buộc phải trở lại hoạt động bí mật. Dù sao đi nữa thì sự phát triển này là một dấu hiệu báo trước cho tương lai. Sự xuất hiện của Việt Tân (và các tổ chức khác ở hải ngoại), cùng với quyết tâm theo đuổi chủ trương tranh đấu bất bạo động của Việt Tân, đã đem lại nguồn tài trợ, đào tạo, và các tiềm lực khác cho các tổ chức xã hội chính trị dân sự tại Việt Nam. Điển hình như việc bắt bớ và xét xử các thành viên Việt Tân vào tháng 12 năm 2006 và tháng 11 năm 2007 là bằng chứng cho thấy đảng Việt Tân đã có thể hoạt động tại Việt Nam.

[48] “Việt Nam Lo Ngại Trước Tiếng Nói Ủng Hộ Dân Chủ Đang Ló Dạng”, đài Radio Free Asia, 26.9.2006.
[49] Vai trò của ĐDCNDVN và Đảng Vì Dân đã được nói đến trong phần trước. Có thể cho rằng họ không phải là Đảng phái chính trị đáng tin cậy tại ViệtNam vì nguồn gốc lúc đầu ở hải ngoại. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa với vai trò của các cộng đồng không có uy tín này càng ngày càng được xem như rất quan trọng, việc loại bỏ họ vì lý do trên chỉ tùy người mà thôi.
[50] Tài liệu về Đảng Việt Tân được trích từ bài “Một bài viết về đảng Việt Tân” của t/g Carlyle A. Thayer, BBC World Service, 4.5.07.
[51] “Tổ chứng khủng bố phản động phủ bóng mờ lên xã hội Dân Chủ” của Quốc Minh, Vietnam News Service, 30.3.2007 và bài bình luận “Các đoàn thể hải ngoại đi ngược lại chính sách quốc gia”, đài Tiếng Nói Việt Nam, 2.4.2007.
[52] “Phản hồi Lời Tố Cáo đảng Việt Tân của báo chí ĐCSVN”, đảng Việt Tân, 1.4.2007.
[53] Ngày 28 tháng 10 năm 2003, đài truyền hình ABC ở Úc Châu trình chiếu một buổi phỏng vấn 1 thành viên Việt Tân và tuyên bố rằng đây là lần đầu tiên tổ chức này được công nhận tại Việt Nam.

Xã Hội Chính Trị Dân Sự và Chính Quyền Độc Đảng của Việt Nam

Biểu đồ thứ 3 trình bày sơ đồ nhận diện vai trò xã hội dân sự của các tổ chức và đoàn thể đang hoạt động hiện nay tại Việt Nam. Đa số các tổ chức xã hội dân sự được đề cập đến trong bài viết này quy tụ ở phía bên phải của biểu đồ. Phần lớn các tổ chức và đoàn thể người Việt khác được xác nhận hình thành xã hội dân sự thật ra có liên hệ chặt chẽ hoặc gắn liền với chính quyền độc đảng. Họ hoạt động như các đối tác của chính quyền để thi hành chính sách nhà nước trên phương diện tạo lợi ích, phục vụ xã hội, và xóa đói giảm nghèo.

Biểu đồ 3: Các Vai Trò của Xã Hội Dân Sự. Nguồn: Joseph Hannah, Các Tổ Chức Phi-Chính-Phủ Địa Phương tại Việt Nam: Phát Triển, Xã Hội Dân Sự, và Quan Hệ Chính Quyền-Nhân Dân (Seattle: Nghị luận tiến sĩ ĐH Hoa Thịnh Đốn, 2007), trang 93.

Theo thời gian, các tổ chức này cũng đã nới rộng vai trò của họ sang tranh đấu cho quyền lợi cử tri bằng cách khuyến khích thay đổi cách thi hành chính sách nhà nước. Và gần đây, một số trong các tổ chức được gọi là tổ chức xã hội dân sự này đã trở nên tích cực trong công cuộc vận động thay đổi chính sách.

Việt Nam vẫn còn chưa thiết lập được các tổ chức xã hội dân sự có thể đóng vai trò thanh tra, kiểm soát nhằm vạch mặt sự tham ô của các lực lượng nòng cốt trong xã hội và viên chức chính quyền. Trách nhiệm đưa ra ánh sáng các vụ tham nhũng hối lộ phần lớn vẫn còn nằm trong tay các nhà báo gan dạ dũng cảm làm việc cho các tờ báo tân tiến như Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Truyền thông Việt Nam đóng vai trò nổi bật trong việc vạch trần vụ tham nhũng PMU và Bộ Giao Thông Vận Tải ngay trước Đại hội Đảng X năm 2006. Nhưng các viên chức lãnh đạo nhanh chóng nhúng tay vào và chận đứng thông tin không kiểm soát từ phía truyền thông. Tháng 6 năm 2008, sau khi Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải (Nguyễn Việt Tiến) được thả, hai nhà báo làm việc cho tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên đã cố gắng khơi dậy vụ tham ô PMU lần nữa. Vào tháng 5, hai nhà báo này và 1 tướng CA đưa tin đã bị bắt và bị khởi tố là đã lạm dụng quyền lực. Sự đàn áp báo chí gia tăng vào tháng 8 khi thẻ báo chí của 7 phóng viên nhà báo và biên tập viên từ 4 tờ báo bị thu hồi. Hai biên tập viên của tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan báo chí chính thức của MTTQVN, đã bị đuổi việc vào tháng 10.

Nói chung thì các nhà nghiên cứu nước ngoài đã ngại không dám nghiên cứu về hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội dân sự nằm phía bên trái của biểu đồ 3.[54] Bởi vì Việt Nam không cho phép các tờ báo hoặc cơ quan truyền thông tư nhân hoạt động, Việt Nam không có các thông tin báo chí đối kháng chỉ trích chính quyền và chính sách của thể chế độc tài Đảng trị.[55] Các loại thông tin chỉ trích chính quyền chỉ giới hạn trong phạm vi báo rơi được phổ biến, phân phát bởi các nhà bất đồng chính kiến. Trong những năm gần đây, mạng lưới Internet đã trở thành công cụ phổ biến quan điểm đối kháng. Thêm vào đó, đài radio Chân Trời Mới điều khiển bởi Đảng Việt Tân thường xuyên phát sóng bằng Việt ngữ vào Việt Nam.

Bài viết này đã minh chứng sự xuất hiện của các tổ chức xã hội chính trị dân sự với các vai trò xã hội dân sự nằm phía bên trái của biểu đồ 3. Các tổ chức, đoàn thể chưa chính thức đối kháng qua hình thức bất tuân dân sự hoặc tổ chức các cuộc biểu tình tầm cỡ chống lại chính quyền. Cho đến nay, họ chỉ giới hạn mình trong việc công khai chỉ trích việc chính quyền độc Đảng của Việt Nam không cho phép người dân thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do bài tỏ chính kiến, cũng như các quyền tự do khác của con người.

Câu hỏi chính thức cho xã hội Việt Nam trong tương lai là sự hình thành của xã hội chính trị dân sự sẽ có ảnh hưởng gì cho chính quyền độc Đảng của Việt Nam?

Thật không thể chối bỏ được những thành tựu của Việt Nam sau 22 năm đổi mới. Việt Nam đã có được một nền kinh tế tăng trưởng rõ rệt cùng với sự thành công đáng kể trong việc xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam cũng đã duy trì được sự quân bình nội địa trong suốt quá trình chuyển tiếp quyền lực sang thế hệ sau qua các Đại Hội đảng toàn quốc. Quá trình chuyển tiếp chính trị này đã xảy ra một cách điều đặn và thận trọng.

Tuy nhiên, một đường ngoại suy thẳng tắp tượng trưng cho những phát triển kinh tế và sự quân bình chính trị kéo dài cần phải lưu ý đến làn sóng bất đồng chính kiến và những lời kêu than từ xã hội kinh tế đã tụ hình trong những năm gần đây. Bên cạnh các cuộc biểu tình của nông dân và tín đồ Thiên Chúa giáo về tranh chấp đất đai cùng nỗi lo âu của đồng bào về căn bệnh tham nhũng thối nát, mức lạm phát xoay tròn hiện nay của Việt Nam đã khiến nhiều người dân bất mãn, nhất là ở những khu thành thị. Công nghệ dệt và may vá của Việt Nam đã trãi qua nhiều cuộc đình công táo bạo.

Hoạt động của các đoàn thể, đặt biệt là các đoàn thể phường xã nhân dân tại Việt Nam đã có được mức tăng triển bùng phát kể từ cuối thập niên 1980. Trong nhiều năm gần đây, nhất là ở các khu đô thị, Việt Nam đã chứng kiến được sự hình thành của một số tổ chức đấu tranh chính trị chung quanh các vấn đề nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo. Các đoàn thể này có thể sẽ đóng vai trò to lớn hơn trong nhiều năm sắp tới.

Năm 2006, các nhóm đấu tranh cho dân chủ bắt đầu kết hợp thành một phong trào nổi bật được biết đến với tên gọi Khối 8406. Điều này chứng minh rằng không những chỉ có một mạng lưới chính trị đang hình thành, mà còn có sự hợp tác lẫn nhau trên nhiều vấn đề xã hội. Đường hướng này rất có thể sẽ được tiếp tục trong tương lai khi cương lĩnh đấu tranh chính trị của xã hội chính trị dân sự nới rộng để bao gồm dân oan, nhân công, nhân quyền, tự do tôn giáo, và quyền lợi của các dân tộc thiểu số. Các nhà tranh đấu quốc nội có thể trông cậy vào sự ủng hộ gia tăng của thành phần yêu nước và các tổ chức tranh đấu cho xã hội dân chủ ở hải ngoại.

Trong vài năm tới đây Việt Nam sẽ phải đối diện với viễn ảnh gia tăng kinh tế bị thuyên giảm sau một thập niên dài với thành công đáng kể. Lẽ chính thống trong sự cầm quyền của chính quyền độc Đảng VN phần lớn lệ thuộc vào khả năng thực hiện lời hứa của mình. Đó là, sự thành công trong việc phát triển kinh tế và duy trì quân bình chính trị trong xã hội. Các thảm họa kinh tế cũng như căn bệnh tham nhũng tràn lan đang lấn áp khả năng thực thi chính sách nhằm giữ vững sự cầm quyền chính thống của chính quyền nhà nước Việt Nam. Các hình thức chính trị chính thống khác, như tinh thần yêu nước và sự thu hút nơi lãnh đạo, cũng đã lùi dần theo thời gian. Chính quyền độc Đảng VN không có được chủ quyền nhân dân qua các cuộc bầu cử dân chủ tự do đáng có để giữ lấy lẽ chính thống của mình.

Chính quyền độc Đảng VN rất có thể sẽ bị thử thách trầm trọng trong tương lai để có thể thực hiện mục đích của mình trong việc thiết lập một “quốc gia pháp trị”. Các đoàn thể xã hội chính trị dân sự sẽ gây áp lực với ĐCS buộc họ phải thực thi các điều lệ trong Hiến Pháp cho phép người dân có “quyền tự do bày tỏ chính kiến, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, và tự do lập hội, đoàn thể cũng như quyền tự do biểu tình dựa theo các điều lệ của pháp luật đã đặt ra.” (Điều 69, HP) cũng như quyền tự do tôn giáo của Điều 70 HP. Việt Nam tương lai sẽ chứng kiến được nhiều cuộc tranh luận sẽ xảy ra ở nhiều nơi – trước Quốc Hội, trước Mặt Trận (MTTQCN), và cả trước chính nội bộ ĐCSVN - trong lúc các tổ chức, đoàn thể xã hội chính trị dân sự tiếp tục theo đuổi cương lĩnh của mình.

Có 5 mô hình thay đổi chính trị hữu ích có thể dùng làm khuôn khổ để suy đoán những diễn tiến phía trước:[56]

· Nguyên trạng: Thành phần chủ yếu của giới lãnh đạo cầm quyền hiện nay sẽ tranh đấu để giữ vững địa vị của mình qua các biện pháp ức chế, đàn áp, và kéo lê gót chân người ta. Duy trì nguyên trạng có vẻ như không bền vững trước những thay đổi xã hội kinh tế đang diễn ra hiện nay.

· Độc tài cai trị: Suy thoái kinh tế kết hợp với việc mất quân bình chính trị có thể sẽ dẫn xã hội đi ngược về chế độ độc tài cai trị. Tuy nhiên, những mô hình thay đổi chính trị của Việt Nam trong quá khứ cho thấy rằng điều này không thể xảy ra và kết quả có được là ĐCSVN sẽ bị phân đôi.

· Thay thế: Các thế lực đối kháng có thể chiếm thượng phong. Mô hình này cũng khó có thể xảy ra vì các thế lực đối kháng hiện nay còn rất yếu và không có sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng. Các thế lực đối kháng cũng có thể bị chính quyền đàn áp thẳng tay.

· Chuyển đổi: Sự hợp tác lẫn nhau giữa các thành phần chủ yếu trong giai cấp lãnh đạo và các thế lực đối kháng. Mô hình này cũng khó có thể xảy ra trong giai đoạn ngắn vì thế lực đối kháng vẫn còn yếu. Nhưng trên đường dài, rất có thể sẽ thành tựu.

· Thay đổi: Thành phần lãnh đạo nòng cốt khởi xướng thay đổi. Các bằng chứng cho thấy rằng giới lãnh đạo của Việt Nam đang thương lượng với nhau về tốc độ và giới hạn của những thay đổi. Xã hội Việt Nam rõ ràng đang tiến dần đến tự do, không phải dân chủ; Nhưng áp lực từ người dân có thể sẽ khiến nhiều lãnh đạo nòng cốt thúc đẩy thêm những thay đổi chính trị tiếp nối.

Kết luận

Chủ đề chính của bài viết này là sự xuất hiện của xã hội chính trị dân sự tượng trưng cho một sự phát triển mới trong tình hình chính trị quốc nội tại Việt Nam. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu nước ngoài chỉ biết chú tâm vào “chính trị thường nhật” của các tổ chức được xem như là các đoàn thể xã hội dân sự ở Việt Nam. Sự nghiên cứu này đã đem đến nhiều nhận thức sâu sắc đối với tính chất thay đổi của xã hội Việt Nam và mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Vào khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2007, một loạt các đảng phái chính trị tự phong và các liên hiệp thương mại vừa mới thành lập đã liên kết thành một phong trào chính trị, Khối 8406, và với một sự phát triển chưa từng có đã trực tiếp đối kháng với nhà cầm quyền độc tài Đảng trị ở Việt Nam. Ngược lại, “chính trị thường nhật” cùng phương cách tiếp cận qua xã hội dân sự chỉ chú trọng vào các thử thách ở mức vi mô đối với chính quyền và đem đến một số nhận thức ít ỏi về các trường hợp thay đổi chính trị có thể xảy ra trong tương lai.

Bài viết này chứng minh rằng việc xem các “đoàn thể phi-chí-phủ” người Việt là xã hội dân sự là lừa dối, không chính xác vì hai lý do sau đây: Thứ nhất, các tổ chức NGO của người Việt trong nước phần đông là cánh tay vươn dài của chính quyền. Thứ nhì, các nghiên cứu hiện nay chỉ chú trọng và các đoàn thể nhân dân và hội đoàn của phường, xã và xem đó như là xã hội dân sự liên quan đến phát triển chính trị - hoàn toàn loại bỏ các tổ chức tranh đấu cho thay đổi dẫn đến xã hội dân chủ.

Bài viết này xác nhận rằng vai trò của xã hội chính trị dân sự tại Việt Nam rất có thể sẽ trở nên quan trọng vì hai lý do sau đây: Thứ nhất, tuy bị chính quyền đàn áp, Khối 8406 đã thành công phô trương tính hiệu quả của việc phối hợp và liên kết các tổ chức cùng chí hướng lại với nhau, kết nối tự do tôn giáo, nhân quyền, và tự do dân chủ thành một chủ đích bất phân. Thứ nhì là sự hỗ trợ gia tăng đáng kể từ các tổ chức xã hội chính trị dân sự của người Việt ở hải ngoại. Họ đã biết tránh né các hình thức bạo động và hiện đang cung cấp nguồn tài trợ và kế sách đối lập chính trị.

Trong 2 năm tới đây, chính quyền độc Đảng tại Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thử thách lớn khi thi hành chính sách nhằm củng cố lẽ chính thống của mình. Rõ ràng là căn bệnh tham nhũng tràn lan, ô nhiễm môi trường, cùng với mức độ phát triển kinh tế đang trên đà thuyên giảm đang tạo căng thẳng cho chế độ độc Đảng và kể cả chính ĐCSVN.

Bài viết này được kết thúc bằng cách nêu rõ rằng thay đổi chính trị tại Việt Nam sẽ được phần lớn sẽ được quyết định bằng phương cách chế độ độc Đảng chọn sử dụng để đối phó với những thử thách được đặt ra bởi xã hội chính trị dân sự. Trong số 5 trường hợp khuôn mẫu được nói đến, có hai trường hợp có thể xảy ra. Đó là sự chuyển đổi dẫn đến bởi các thành phần lãnh đạo và các thế lực tranh đấu hợp tác với nhau trong thời gian dài. Trường hợp có khả năng xảy ra cao nhất là thay đổi do các lãnh đạo nòng cốt trong ĐCSVN dẫn đầu khởi xướng thay đổi chính trị.

[54] Abuza là một ngoại lệ. Tìm đọc “Đối Lập Trung Thành: Sự Nổi Dậy của các Nhà Bất Đồng Chính Kiến VN” của t/g Zachary Abuza, tạp chí Harvard Asia Quarterly (2000) và bài “Phục Hồi Chính Trị trong XH Việt Nam Hiện Đại” của t/g Zachary Abuza (Boulder: NXB Lynne Rienner, 2001).
[55] "Truyền Thông và sự Xuất Hiện của một ‘Xã Hội Công Dân’”, bài viết được đọc trước
[56] 3 mô hình khuôn mẫu cuối về thay đổi chính trị được sử dụng bởi Samuel P. Huntington trong Làn Sóng Thứ Ba: Tiến Trình Dân Chủ Hóa Cuối Thế Kỷ 20” (Norman: ĐH Oklahoma – HK, 1991) trang 109-163.

No comments:

Post a Comment