Monday, July 6, 2009

Con đường !!

Thursday, July 02, 2009

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97386&z=7


Ngày 1 Tháng Bảy ở Bắc Kinh có một cuộc biểu tình phản kháng biến thành một bữa tiệc ăn mừng. Ðáng lẽ ra hôm đó là ngày chính phủ Bắc Kinh bắt đầu áp dụng lệnh bắt buộc các nhà sản xuất máy vi tính PC phải gài một nhu liệu mới vào máy để giúp nhà nước Cộng Sản kiểm duyệt tất cả các mạng lưới mà người dùng máy muốn vào. Nhưng trước sự phản kháng của người dân Trung Quốc dùng Internet cũng như dư luận ngoại quốc, một ngày trước khi mệnh lệnh trên có hiệu lực, Bộ Công nghiệp và Kỹ Thuật Thông Tin tuyên bố “hoãn” không áp dụng.

Họa sĩ Ai Weiwei (Ai Vị Vị) là một người làm blog (blogger) rất hoạt động. Ông đã hăng hái cổ động giới dùng blog ở trong nước cùng lên tiếng phản đối cái khí cụ kiểm duyệt toàn diện trên. Nếu để yên, nhà nước sẽ dùng vũ khí mới của họ để theo dõi, kiểm duyệt từng cái máy PC!

Bộ nhu liệu mang tên Lục Bá (Ðê mầu Xanh) mà Bắc Kinh bắt các nhà sản xuất PC phải cài vào trong máy được mô tả là nhằm bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các mạng lưới mạng khích dâm. Ai cũng đồng ý đây là một việc cần làm và nhiều quốc gia khác đã làm. Trên thế giới có bán nhiều nhu liệu loại này, phần lớn để giúp các phụ huynh kiểm soát việc con em sử dụng Internet. Nếu chính phủ Trung Quốc muốn đạt mục đích giáo dục đó, họ có thể khuyến cáo dân chúng sử dụng các nhu liệu sẵn có. Không có lý do nào khiến nhà nước phải bắt mỗi cái máy đều mang sẵn một nhu liệu loại này, do nhà nước đặt một công ty trong nước sản xuất.

Cho nên ai cũng thấy chính quyền Trung Quốc chỉ nhắm mục đích kiểm soát các mạng lưới, không cho dân Trung Hoa được tự do sử dụng phương tiện truyền thông này.

Nhưng người Trung Hoa bây giờ không sợ chính quyền như trước nữa. Cho nên cả nước đã dội lên một phong trào phản kháng. Tuy bên ngoài không ai nghe thấy nhưng trên các mạng lưới rất mọi người góp ý kiến ồn ào, náo nhiệt! Hiện nay có khoảng hai trăm triệu người Trung Hoa dùng Internet, số “công dân mạng” (netizen) sắp sửa lên cao hơn con số ở Hoa Kỳ. Và họ nói rất mạnh!

Trong Han Han blog có người viết, “Ai cũng biết nhà nước lúc nào cũng lấy cớ bảo vệ thiếu nhi để kiểm soát văn hóa!” Một blogger viết đặt thẳng câu hỏi cho nhà nước, “Các ông đã chối bỏ không cho các 'công dân mạng' quyền tự do ngôn luận! Các ông và những cơ quan thông tin của Ðảng Cộng Sản đã âm mưu làm mờ tối và bóp méo sự thật!” Một người khác lên án, “Chúng tôi sẽ coi các ông là Kẻ thù Số Một của Internet!” Một blogger còn dám cất lời đe dọa, “Ðể bảo vệ tự do Internet, để Internet tiến triển thêm, và để bảo vệ quyền tự do của chính chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công phá bộ máy kiểm duyệt của các ông một cách có hệ thống để cho các ông biết guồng máy kiểm duyệt của các ông nó yếu như thế nào!”

Mấy dòng trích từ các blog mà phóng viên nhật báo Financial Times ở Bắc Kinh giới thiệu cho thấy sự phẫn nộ của các bloggers Trung Quốc trước âm mưu kiểm duyệt thông tin thô bạo của chính quyền. Nhiều bloggers đã chính thức xuất hiện, do lời mời của họa sĩ Ai Weiwei, hẹn gặp nhau tại một quán ăn có vườn rộng ở phía Ðông thành phố Bắc Kinh đúng ngày 1 Tháng Bảy. Những người làm blog, bloggers, đã chuẩn bị một cuộc họp mặt phản kháng, với những chiếc áo thung T-shirt viết khẩu hiệu đả đảo nhu liệu “Lục Bá;” có nhiều chiếc áo viết chữ Anh, Green Dam. Hơn 200 người đã tới, gồm các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên, phần lớn đều làm blog riêng. Nhưng thay vì biểu tình phản đối thì họ lại uống bia ăn mừng khi chính quyền Trung Quốc “hoãn” việc áp dụng biện pháp kiểm duyệt trên.

Ai Vị Vị là một họa sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh, gần đây ông đã dùng blog của ông làm một diễn đàn tranh đấu cho các quyền tự do của các công dân Trung Hoa, và được giới trẻ khắp nước hưởng ứng. Sau khi trận động đất ở Tứ Xuyên xảy ra, nhiều mạng lưới cùng tố cáo nạn tham nhũng khiến các trường học xây trong vùng này bị sụp đổ trong khi nhà tư nhân được an toàn, chỉ vì bị nhà thầu đồng lõa với các cán bộ địa phương “rút ruột,” theo lối nói của người Việt Nam. Ai Vị Vị dùng blog của ông làm nơi nhận và phổ biến những thông tin về số học sinh tử nạn tại các làng bị động đất nặng, công bố cả nước biết.

Trong bữa tiệc mừng chiến thắng, Ai Vị Vị tuyên bố đây là “một chiến thắng của công luận” đối với chính quyền: “Chính quyền đã rút được một bài học. Là họ không thể đối xử với các công dân theo lối đó được nữa!”

Chúng ta có thể đặt một dấu hỏi sau lời tuyên bố trên. Vì khó đo lường trước được những hành động của một chế độ độc tài toàn trị.

Trong các chế độ độc tài hữu phái bình thường, như đã thấy ở Phi Luật Tân hay Nam Hàn trong các thập niên 1970-1980, những người cầm quyền còn giữ một mức độ liêm sỉ tối thiểu cho nên họ chịu áp lực của dư luận dân chúng. Vì trên căn bản họ vẫn tôn trọng các quy tắc như tự do ngôn luận, tự do bầu cử, vân vân, ngay cả khi họ tìm cách ngăn cản không cho dân được hưởng các quyền này.

Các chế độ độc tài Cộng Sản thì khác. Vì họ là những người chiếm chính quyền nhân danh một lý tưởng mộng mơ, chính thức chủ trương độc tài chuyên chế để thực hiện thứ “tôn giáo mới” của họ. Vì thế họ có thể đàn áp dân một cách thô bạo không cần theo các quy tắc về liêm sỉ tối thiểu. Vì họ cứ lấy chủ nghĩa Cộng Sản làm cứu cánh để tự biện minh cho mọi hành động tàn ác. Trong nửa cuối thế kỷ 20 có hai chính quyền độc tài nhẫn tâm dùng xe tăng giết hàng ngàn người dân trong tay không vũ khí. Ðó là Hồng Quân Nga ở Hungary năm 1956 và Hồng Quân Trung Quốc năm 1989 ở Thiên An Môn.

Cho nên không thể lạc quan quá đáng về “chiến thắng” của các bloggers ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người như ông Ai Vị Vị có lý do để vẫn lạc quan. Vì con số những người vào Internet ở Trung Quốc đã lên rất cao. Lực lượng đáng kể đó gồm những người thuộc thành phần trẻ, có học, lợi tức thuộc tầng lớp trung lưu, và sống ở các đô thị lớn. Có thể nói họ là thành phần ưu tú trong đời sống kinh tế, xã hội ở Trung Quốc hiện nay. Trước đây 15 năm Pháp Luân Công đã là một phong trào quần chúng lớn ở Trung Quốc, khiến cho đảng Cộng Sản phải tìm cách cấm đoán, Việc đặt phong trào này ra ngoài luật pháp cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ như thế nào. Nhưng khi đó số người theo Pháp Luân Ðại Pháp chỉ khoảng vài chục triệu người.

Hiện nay số người dùng Internet lên cao gấp mười con số trên. Họ không có một lãnh tụ và không có những tín điều chung như Pháp Luân Công; nhưng họ có những quyền lợi kinh tế cũng như tinh thần ngày càng lớn và gắn bó với nhau. Ðảng Cộng Sản không thể bỏ qua họ được.

Cơ quan chính thức của Cộng Sản Trung Quốc là Nhân Dân Nhật Báo mới thú nhận như vậy. Tờ báo này mới viết, “Trong thời đại Internet, bất cứ người nào cũng có tiềm năng trở thành một kênh thông tin. Tình trạng giống như ai cũng có sẵn một cái máy khuếch âm (microphone) đặt trước mặt (để lên tiếng khi muốn).”

Lời thú nhận trên báo Nhân Dân ở Bắc Kinh có thể cũng là một lời đe dọa; vì ai cũng biết Cộng Sản Trung Quốc không thể nào chấp nhận cảnh mỗi người dân trên mạng có một chiếc micro trước mặt! Ðó là lý do họ muốn đặt cái Ðê Xanh, Lục Bá, vào trong từng máy PC! Và trong tương lai chắc họ sẽ tìm cách thực hiện được điều đó lần nữa. Việc hoãn thi hành quyết định này một phần cũng vì Bắc Kinh bị các chính phủ và các công ty sản xuất máy PC trên thế giới phản đối.

Nhưng cuộc cách mạng thông tin vẫn lừng lững tiến tới trên khắp thế giới. Và đó là một vũ khí đang được sử dụng tận tình trong phong trào đòi dân chủ hóa. Khi dân Iran biểu tình hàng trăm ngàn người chống bầu cử gian lận, những thông báo tin tức được truyền qua Internet. Khi nhà nước Teheran cắt Internet, dân dùng Facebook, dùng Twitter để liên lạc với nhau qua máy điện thoại cầm tay. Có lúc công ty điều hành Twitter ở Mỹ định ngưng hoạt động một buổi để điều chỉnh và cải thiện cả hệ thống, chính phủ Obama đã can thiệp yêu cầu họ tạm ngưng việc bảo trì này, để khỏi cản trở việc thông tin của người dân Iran đang tổ chức biểu tình.

Cả thế giới đang dùng các khí cụ truyền thông mới để cải thiện đời sống xã hội, đặc biệt là trong các nước độc tài, nơi nhà nước chiếm giữ độc quyền thông tin. Giới thanh niên trí thức sử dụng các dụng cụ mới đó tranh đấu ngay cho quyền tự do của chính họ.

Tại các nước Á Rập, giới trí thức phản kháng chế độ độc tài cũng sử dụng Internet để đẩy mạnh phong trào đòi tự do dân chủ. Một xứ bảo thủ nhất như Á Rập Sau Ði cũng có những người tranh đấu dùng Internet và cyberspace. Một nữ ký giả ở xứ này bị cha đánh đập sau khi cô dự một buổi họp về dân quyền, cô đã tới một ký túc xá của phụ nữ xin tạm trú và cô bị họ từ chối. Nhưng sau khi cô dùng Facebook loan tin này, tin tức truyền đi, các mạng lưới bàn tán, và nhà trọ trên đã phải mời cô trở lại ngay!

Một blogger ở Ai Cập là ông Wael Abbas đã dùng Internet phổ biến tin tức về các nạn nhân bị cảnh sát tra tấn, theo dõi tin tức những người bị bắt và phổ biến khắp nước. Vào Tháng Tư vừa qua ông Abbas bị bắt vì một ông cảnh sát hàng xóm tố là hành hung ông ta. Ông Abbas đã dùng Twitter, với giới hạn mỗi lần chỉ gửi được 144 chữ qua điện thoại di động, để báo tin thường xuyên cho bạn bè biết mình đang bị cảnh sát hỏi cung như thế nào. Ông báo trước có thể sẽ có người đứng ra làm chứng gian để công an buộc tội ông. Số người theo dõi tin này lan rộng rất nhanh, đi khắp thế giới. Trong khi các bloggers khác ở Ai Cập tụ tập trước Sở Công Tố nơi Abbas bị hỏi cung để theo dõi tin tức thì có những điện văn hỏi thăm ông Abbas từ những nơi xa xôi, như Argentina và Trung Quốc!

Hy vọng giới trẻ Việt Nam, nhất là giới sinh viên, biết những chuyện trên và các tin tức khác để thấy rằng họ đang nắm trong tay một dụng cụ rất mạnh nếu họ muốn tranh đấu cho xã hội nước nhà tiến bộ hơn. Internet và các phương tiện truyền thông qua máy điện thoại sẽ thay đổi thế giới, chúng ta không nên đứng bên lề. Nước Việt Nam đã lỡ chậm chân trong nửa thế kỷ trước đây cho nên bị các nước Á Ðông qua mặt trong cuộc cách mạng công nghiệp và cách mạng tự do dân chủ. Thế hệ mới không nên để mình bị chậm chân lần nữa như các cha anh của mình! Ðứng ngoài lề lịch sử thì sẽ lại xấu hổ với con cháu sau này

No comments:

Post a Comment