Sunday, June 28, 2009

Nhà văn Xuân Vũ

Xuân Vũ

  • Sinh năm 1930 ở Bến Tre
  • 1945 bỏ nhà đi theo kháng chiến
  • 1947 tác phẩm đầu tiên đăng trên báo Nhân Dân Miền Nam của Lưu Quý Kỳ, ký tên Công Nhân
  • 1947-1950 phóng viên báo Tiếng Súng Kháng Địch ở khu 9
  • 1951 đoạt giải Cửu Long Nam Bộ với bản nhạc Niềm Thương Mến, Phan Văn phổ nhạc
  • 1954 tập kết ra Bắc, làm thư ký ở nông trường Trình Môn, Nghệ An, rồi biên tập viên cho đài phát thanh Hà Nội
  • 1955 sau một thời gian sống ở Hà Nội, vỡ mộng vì thực tế, nhận ra “cái xã hội xã nghĩa” ngoài đó nó “kỳ cục làm sao ấy”, XV đến Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến ở Hà Nội để xin về Nam (điều này hợp lệ do hiệp định Geneve quy định trong thời hạn 300 ngày người Bắc có quyền vô Nam, người Nam có quyền ra Bắc). Bị báo về cơ quan và kiểm thảo nặng nề. Chuyện này lọt ra ngoài, đài phát thanh Sài Gòn loan tin XV lên UBQT đòi về Nam. XV bị ép buộc phải viết bài đính chính đọc nhiều lần trên đài phát thanh Hà Nội
  • Không về Nam được bằng đường chính thức, XV tìm cách trốn bằng các đường khác : Hải Phòng, Bến Hải, Đô Lương, La Hán nhân khi đi công tác nhưng thất bại.
  • 1958 được kết nạp vào Hội Nhà Văn Hà Nội
  • 1960 xuất bản truyện ngắn đầu tiên Chiến Lũy Ngầm
  • 1963 thấy các bạn bè bắt đầu lên đường đi B, XV tình nguyện xin đi nhưng bị từ chối (thành tích lên gặp UHQT).
  • 1965 nhờ Trần Bạch Đằng (cấp trên ngày xưa, khi XV là Ủy Viên Thiếu Nhi Cứu Quốc Bến Tre thì TBĐ là Xứ Đoàn Phó Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ) xin và bảo lãnh, XV được Ban Tổ chức Trung Ương chấp thuận cho đi
  • Sau 6 tháng trèo đèo lội suối, băng rừng, sốt rét, đói khát, thoát các trận pháo kích, bom B52, biệt kích (được kể lại trong “Đường đi không đến”), XV tới được Trung ương Cục. Được phân công về Tiểu ban Văn nghệ, trực thuộc Ban Tuyên Huấn của Trần Bạch Đằng.
  • Được Nguyễn Thị Định, Phó Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Quân Sự Miền, giao nhiệm vụ về Bến Tre để viết một tác phẩm về quê hương Đồng khởi
  • 1968 về hồi chánh
  • Được bác sĩ Hồ Văn Châm, Bộ trưởng Chiêu Hồi bổ nhiệm làm phó giám đốc Nha Chiêu Hồi, phụ tá cho giám đốc Phạm Thành Tài, nguyên phụ giảng Đại học Tổng Hợp Hà Nội, cũng là một hồi chánh viên
  • 1972 xuất bản hồi ký Đường Đi Không Đến (trước đó đã được đăng hàng ngày trên tờ Tiền Tuyến từ năm 1969)
  • 1973 tác phẩm “Đường Đi Không Đến” đưoc trao giải thưởng Văn Chương Nghệ Thuật Toàn Quốc VNCH
  • 1975 cùng gia đình tỵ nạn tại Hoa Kỳ
  • Mất tháng giêng năm 2004 tại San Antonio, Texas
Tác Phẩm
Hơn 70 tác phẩm (không kể những tác phẩm viết lúc còn ở bên kia chiến tuyến) gồm kịch, thơ, ký sự, hồi ký, truyện phim, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, trường thiên tiểu thuyết…

Đường Đi Không Đến (gồm 5 tập: Đường đi không đến, Xương trắng Trường Sơn, Mạng người lá rụng, Đến mà không đến, và Đồng bằng gai góc), 2000 ngày đêm trấn giữ Củ Chi (7 tập, viết chung với Dương Đình Lôi, nguyên trung tá trung đoàn trưởng pháo binh, huyện ủy Củ Chị), Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết (3 tập), Mười Năm Mưa Phùn Gió Bấc, Những Bậc Thầy Của Tôi, Tình trên cánh gió, Nửa Thế Kỷ Phạm Duy (khảo luận), Trả Ta Sông Núi (thơ), Lệnh Tấn Công (kịch), Cách mạng Tháng 8, Cha Đẻ Còng Số 8, Kẻ Sống Sót (song ngữ Việt Anh: The Survivor), Đỏ và Vàng, Đỏ và Bùn, Bùn Đỏ, Biển Lửa Và Núi Tro, Ta Về Hôn Đất, Sông Nước Hậu Giang, Cái Rác (truyện phim về tù binh Mỹ), Coi Chừng Chó Dữ (truyện phim), Ngọn Rạch Bằng Lăng, Thiên Đàng Treo, Thiên Đàng Treo Đứt Giây, Thiên Đàng Chuột, Con Người Vốn Qúy Nhất, Tự Vị Thế Kỷ, Ông Lão Thổi Bong Bóng, Trăng Kia Chưa Xế, Vàng Mơ Bông Lúa, Những Độ Gà Nòi, Thầy Tư Cóc, Dưới Bóng Dừa Xanh, Xóm Cái Bần, Mưu Trí Đàn Bà, Buồng Cau Trổ Ngược, Tấm Lụa Đào, Dây bầu Năm Ngọn, Cô Ba Trà, Ngọc Vùi, Hột Xoàn Là Của Trời Cho, Quê Hương Yêu Dấu, Đồng Bạc Để Nái, Cái Móng Tay, Bữa Tiệc Thịt Chó Dưới Trời Cần Vương (lịch sử tiểu thuyết), Tôm Hùm Huýt Sáo, Nữ Hoàng Trắng, Hoàng Thi Thơ: Nhịp Cầu Tre Muôn Kiếp Vẫn Còn, Hà Nội Sài Gòn Tình Cũ, Bảo Lửa Ở Hạ Long, Con Đường Gió Xoáy, Hà Nội Hà Ngoại, Tình Ca Trong Gió Bấc, Búp Sen Hình Tim, Thiên Đàng Nhẹp, Dấu Chân Xuôi Ngược, Nước U Minh Ngầu Đỏ, Tây Đô Reo Lúa Hát Vàng, Nữ Thần Giữ Kho Vàng U Minh, Gánh Bầu Lúa, Đứa Bé Đi Tìm Cha, Giọt Máu 4 Đời, Quê Nội Quê Ngoại, Trí Thức Miền Nam Theo Mặt Trận Giải Phóng, Thất Sơn : Địa Linh Nhân Kiệt…



Xuân Quỳnh
(Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Mà Tôi Biết)

Bất ngờ bỏ nghề múa hát ở Văn Công Trung ương để làm nghề mới: Nghề Làm Thơ, cái nghề bất hạnh. Bất ngờ ly dị để lập cuộc đời mới với một nghệ sĩ vừa chớm nở tài năng và giúp cho chồng thành tài. Bất ngờ vụt sáng trên thi đàn Hà Nội. Và bị tai nạn bất ngờ! Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu. Phải chăng cụ Tiên Điền đã tiên đoán cho Xuân Quỳnh tam bách dư niên tiền! Cũng như đã tiên đoán cho Kiều: “Sông Tiền Đường là chốn mệnh căn” vậy.

Xuân Quỳnh mồ côi ở với bà nội, (nay thấy chị Mai của Quỳnh viết trên báo Diễn Đàn Phụ Nữ thì thấy sự hiểu biết của tôi không sai nhiều. Tôi nghe nói là Quỳnh ở với bà ngoại). Tôi có quen với anh Ntluệ Giang, Trưởng ty Thông Tin Hà Đông. Anh Giang thường hay ra Hà Nội chơi và đến nhà tụi tôi uống bia nói chuyện ba đồng bảy đổi. Một bữa anh rủ tụi tôi sang nhà hát lớn xem Văn Công. Ở Hà Nội có rất nhiều đoàn Văn Công: Đoàn Nam Bộ , Đoàn Khu 5, Đoàn Chèo, Đoàn Quân Đội, Đoàn Ca Múa, Đoàn Nghệ Thuật Dân Tộc, v.v. và v.v… Đoàn Ca Múa Nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Phương, tác giả các bài ca bất hủ như Đêm Đông sáng tác năm 1942 và bài Bình Trị Thiên Khói Lửa sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chính Xuân Quỳnh là một đoàn viên trong đoàn này. Đoàn chuyên môn biểu diễn các điệu múa xòe, múa quạt. múa nón. Điệu múa nón coi như tiết mục mới học được của Trung Quốc, sau các điệu kia.

Xuân Quỳnh là một cô gái xinh xắn, có vóc hình thon thon và đặc biệt có cặp mắt hơi man rợ, như Cholokhov tả Aksinia trong Sông Đông Êm Đềm. Đó là một cách ví von của bọn chúng tôi như vẫn kêu mấy thằng bạn cao giò là Đồng Ki Sốt vậy. Vì mắt Xuân Quỳnh rất đen và có bộ lông mi dài và cong tự nhiên. Thời đó gái Hà Nội không dùng phấn son còn Văn Công thì chỉ xài trong lúc biểu diễn trên sân khấu mà thôi

Trở lại ông bạn Nhuệ Giang của tôi. Anh ta lấy tên Nhuệ Giang là vì Hà Đông có con sông gọi là sông Nhuệ. Ông bạn trưởng ty của tôi rủ vào câu cá làm thơ trên con sông này, nhưng trong cái thời mà mỗi đầu người mua phiếu bốn mét vải, nửa ký lô đường và mười ba ký gạo mốc như trong thư Quỳnh gởi cho chị Mai, - thì một bài thơ giá không bằng một nồi cơm độn củ sắn củ chuối - thì việc đi câu cá thẩn thơ là chuyện của ai đâu khác chớ nào phải của chúng tôi. Lãnh lương là hết ngay. Cơ quan bắt bỏ tiết kiệm năm đồng, thì bỏ vô buổi sáng buổi chiều lấy ra… xài. Cho nên bọn tôi chỉ vào Hà Đông có một lần để xếp hàng mua thịt heo. Thịt heo ở đâu cũng phải xếp hàng mới mua được, nhưng nhờ bà trưởng ty Thông Tin làm ở cửa hàng thịt mua dùm nên khỏe hơn. Ối giời, viết tới đâu nhớ tới đó, kéo ra nhằng nhằng, dài cả cuốn sách cũng không hết. Nhuệ Giang có quen với đoàn Văn Công nên dắt mấy đứa tôi đi cửa hậu nhà hát lớn. Chúng tôi đâu có làm khán giả, mà vô nhà hát để xem diễn viên ở trong hậu trường, thú vị hơn. Xem cái bát nháo ở sau cánh gà ấy mà ! Một loại khán rả ma quái.

Do đó thằng bạn tôi, vốn là họa sĩ, mới bắt gặp cặp mắt “hơi man rợ” kia. Anh chàng này rất nhạy và rất đa tình. Anh ta vẽ bụi bông không giống bụi bông ngoài thực tế. Hỏi tại sao? Anh ta bảo:

- Vẽ bông, ai chả vẽ được! Tao vẽ cái mùi hương kìa!

Nhuệ Giang biết chàng này mê cặp mắt, bèn mở hơi:

- Thằng nào chịu làm nhân viên cho tao, thì tao giới thiệu với nó cho! Nó kêu tao bằng chú đấy !

Chúng tôi không đứa nào chịu kêu như vậy, chỉ mình hắn thôi. Hắn bảo:

- Tôi mà vẽ được cặp mắt đó, thì lên trời tôi cũng đi, chớ nói chi vô Hà Đông làm nhân viên cho “chú”!

Rồi mọi việc đều qua. Chúng tôi xem sự bắt gặp cặp mắt “hơi man rợ” kia cũng như gặp một đóa hoa bên đường. Có mơ có ước cũng không trở lại được mà hái! Thời gian qua, việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở. Bỗng một hôm, Nhuệ Giang gặp tôi, bảo:

- Nói đùa chớ con bé nó có người yêu rồi. Hai đứa sắp cưới nhau đấy. Mày bảo thằng họa sĩ của mày rằng con nhỏ rất khó tánh. Có bao nhiêu thằng đút đờ-măng mà chen vô không xuể đó !

Một hôm, đi chợ mua thịt chó về nhậu, (đáng lẽ tôi nên viết là đi mua hoa cho nó thơ mộng hơn, nhưng sự thực là đi mua thịt chó ở chợ Hàng Da). Thịt chó là món tụi Nam Kỳ tôi rất khoái, còn hoa thì suốt đời chưa chắc đã tốn một hào cho. Thì Nhuệ Giang trỏ một cặp đèo nhau đi và bảo:

- Coi kìa ! Thằng nỡm của nó xinh trai thế đó, còn thằng họa sĩ của mày hút thuốc lá, đầu bù tóc rối, mang “hia” cao su không “ăn” được cú này đâu mà nhào vô. Hơn nữa hắn cũng là nhạc sĩ chớ phải thường dân hay sao!

Tôi nhìn chàng nhạc sĩ trẻ. (Theo bà Đông Mai viết, tên là Tuấn thì đúng đấy. Tôi chỉ biết là Tuấn chớ không rõ là Anh Tuấn hay Văn Tuấn, Võ Tuấn…) Dân văn công đều đẹp cả. Trai cũng như gái. Có đẹp mới ca múa cho người ta xem chứ xấu như ma lem thì múa ai mà coi cho. Quả thật cặp Tuấn - Quỳnh rất đẹp đôi. Trông thấy, chỉ thoáng qua thôi, ai cũng phảí nghĩ như vậy.

Thằng bạn họa sĩ của tôi là một tên chúa lãng mạn. Phòng ở như cái tổ đĩa, giày và nón để chung. Cọ màu ngủ cùng với hắn. Hắn chưa có dịp trở thành Picasso nhưng vẽ vời cũng theo cái kiểu xét lại của Ba Lan. Còn ăn cơm hằng ngày thì không cần báo cáo cũng không tự nấu lấy ăn. Hắn đi cơm tám giò chả ở Phố Huế độ vài ngày thì hết tháng lương, rồi ăn chịu hợp tác xã, lót lòng thì có bà bán xôi thường trực ở góc đường. Hễ bữa nào thấy hắn không đến thì biết hắn “trở mình”, bà sai con đem xôi lên cho chú em.

Cuộc mê đuổi của hắn cố nhiên là không thành. Là vì:

Nếu biết rằng em đã có chồng,
Trời ơi người ấy có buồn không ?


Và vì hắn cũng biết vậy nên không theo đuổi mà chỉ tương tư. Một hôm thấy lâu qua hắn không đến, tôi vác xác đế thì thấy trên tường đến năm, sáu bức vẽ nguệch ngoạc những “cặp mắt man rợ” kia. Cái thằng tài thật. Nó vẽ cái ánh mắt cũng như nó vẽ cái hương hoa, chớ không vẽ mắt và hoa như người ta thường vẽ . Thật khó giải thích bằng một bài con con. Nhưng tôi thấy hắn tài thật. (Nay tôi xem ảnh trên báo đăng trong bài “Xuân Quỳnh: Một Nửa…” thì tôi thấy đúng là cặp mắt ấy, cặp mắt mà hắn say mê và diễn tả kia.

Nó bảo tôi:

- Mày đề cho tao mấy câu thơ coi !

Tôi lắc, vì tôi không biết làm thơ. Đúng ra thi hứng đâu bất ngờ vậy? Thời đó, tôi cũng thường hay lại xưởng họa và nhà riêng của anh Diệp Minh Châu chơi. Anh Châu, người Bến Tre, đồng hương của tôi, hiện là giáo sư Cao Đẳng Mỹ Thuật là thầy của anh họa sĩ kể trên của tôi. Anh Châu thời trẻ đi học ngoài Hà Nội đã được mệnh danh là “Họa sĩ của tóc và mắt” , có nghĩa là anh vẽ tóc và mắt tuyệt đẹp, nói theo Mỹ bây giờ là “Specializing on hair and eyes”. Quả thật ông bạn tôi đã được thầy truyền “đạo”.

Anh ta không đeo đuổi mà ôm mối hận sầu đôi mắt man rợ kia. Đến nay đã trên ba mươi năm, mặc dù bao nhiêu cuộc bể dâu đã qua đời tôi, bao nhiêu bụi thời gian đã vùi mất bao nhiêu kỷ niệm, tôi vẫn thấy bức tường kia treo những cặp mắt - một cặp mắt đẹp man rợ.

Thời đó tôi quen nhiều lắm. Ai tôi cũng quen, ai tôi cũng làm quen. Để mắt tìm học cái bí quyết trong nghề văn mà thời đi kháng chiến, mặc dù đã tập tễnh viết, nhưng không hiểu nghề nghiệp là gì.

Tôi thường đi theo các anh Thanh Nha, Chi Lăng, xuống khu Kim Chung xem hát. Sau này thấy trong hồi ký của anh Phạm Duy có cụ Trần Phềnh chuyên môn vẽ đề-co sân khấu. Thì sực nhớ ra rằng lúc đó mình có gặp cụ Trần Phềnh lúc bấy giờ đã ngoài sáu mươi, nếu cụ còn sống thì nay ngót trăm tuổi. Tôi biết anh Sỹ Tiến, anh Ngọc Giao ở khu này. Một hôm đang ngồi uống trà với anh Sỹ Tiến và anh Thanh Nha, tôi nghe một bàn tay vỗ nhẹ vai và một giọng nói:

- Cậu này bữa nay cũng xuống tới đây à?

Tôi quay lại. Thì ra anh Lưu Quang Thuận, ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu. Tôi nhắc ghế mời anh ngồi và nghe các anh nói về tuồng, chèo, bài chòi, cải lương v.v… Anh Lưu Quang Thuận rất vui tính, anh thường lại Hội Nhà Văn luôn. Ở sân sau của hội có một bàn ping pong. Những bữa ăn cơm rau xót ruột quá, bọn tôi thường xách vợt đập hai ba “set” để trả thù ông táo. Anh Thuận cũng hay so vợt với tôi. Thỉnh thoảng anh Nguyên Hồng cũng đập. Nguyên Hồng hiếu chiến nhưng không mấy khi thắng ai.

Nhiều lần đến đây, anh Thuận có chở theo một cậu bé xinh xinh.

(Mãi về sau này, sống trên đất Mỹ, một hôm đọc báo mới thấy tin Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh bi nạn ở cầu Phủ Lương, tôi hỏi ra mới xác định cậu bé ấy chính là Lưu Quang Vũ. Tôi đâu có ngờ tôi già dữ vậy, càng không ngờ nghệ thuật đã se tơ kết tóc cho đôi uyên ương Vũ-Quỳnh).

Trở lại Hà Nội… Khi tôi làm phóng viên cho tờ Tuần Báo Văn Nghệ thì bỗng một hôm anh Tế Hanh giới thiệu một cô bé vào làm trong tổ Thơ do anh phụ trách.

Tế Hanh là thi nhân Việt Nam, thuở bé tôi thường đọc. Anh Nam Trân Nguyễn Học Sỹ, tác giả Huế Đẹp Huế Thơ, cũng có ra Hà Nội nhưng không làm ở đây. Anh Tế Hanh có tặng cho tôi Tiếng Sóng, tập thơ nhớ quê hương của anh. Tôi ngạc nhiên vì cô bé kia không ai khác hơn là “cặp mắt man rợ” trong điệu múa nón ở nhà hát lớn. Tôi không thân với Xuân Quỳnh cũng không mấy khi chịu khó liếc thơ của Xuân Quỳnh đăng báo, mặc dù nghe nói nó hay lắm, tôi cũng ngoan cố, không đọc. Bụt chùa nhà mà !

Thời kỳ này còn có Quang Dũng, nhà thơ kiêm họa sĩ, kiêm phóng viên của tờ báo. Quang Dũng có tánh dễ mến là mỗi khi đi công tác Thượng Du về đều có quà cho anh em tòa soạn. Không gì đắt giá, nhưng “có cái tình”. Một chai rượu, rót mỗi người hớp một ngụm, đặc biệt cho cô em gái nhỏ Xuân Quỳnh thì, có lần anh tặng một chiếc váy màu sặc sỡ của đồng bào Thượng, anh bảo:

- Có phải là chiếc váy mặc múa hoa pan không?

Tôi không rõ lúc này Quỳnh và Tuấn đã thành vợ chồng chưa? Chỉ biết rằng Xuân Quỳnh không còn thích múa nữa. Đã hẳn rồi. Nếu còn mê xòe, múa hoa pan và say tiếng khèn thì đâu có về tờ… báo hại này làm gì. Chữ với nghĩa cũng thế thôi. Có thêm được con tem gạo nào cho ông táo nhờ.

Thời kỳ này những nhà thơ lớn đang ngự trị các tờ báo. Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Những mầm non như Xuân Quỳnh mới nhú lên rất được chú ý. Anh Tế Hanh đặc biệt giúp đỡ Xuân Quỳnh. Anh là nhà thơ tên tuổi từ trước 45, có uy tín, có chân trong cả Ban lãnh đạo nhà xuất bản Văn Học (nhà độc nhất của Hà Nội). Một hôm tôi nghe anh nói chuyện với Xuân Quỳnh tại tòa soạn. Anh nói cà rỡn (đùa):

- Trong tôi có hai Tế Hanh. Một Tế Hanh “nhà” thơ và một Tế Hanh “nhà” nước.

Tụi tôi cười ầm ầm. Một thằng hỏi:

- Nhưng “nhà” nào lớn?

Anh cười vui vẻ :

- Nhà nào cũng lớn. Thơ lớn đằng thơ. Nước lớn về nước.

Một thằng khác lại hỏi:

- Giữa lúc chúng tôi không có nhà ở, anh lại ở hai “nhà”. Vậy ở nhà nào thích hơn?

- Mình làm thơ thì ở nhà thơ thích hơn. Nhưng không được quên nhà nước. Quên nó, thì không có phiếu mua gạo.

Anh trả lời kiểu biểu tượng hai mặt như thế nên không ai bắt bẻ anh được. Rồi anh nói với Xuân Quỳnh về tập thơ. Lẽo đẽo mà cô bé đã góp vào thơ một tập chớ chẳng phải chơi. Có lẽ đây là nhà thơ trẻ nhất thời bấy giờ. Các chị Anh Thơ, Ngân Giang, Hằng Phương đều khen hay, (chị Vân Đài đã qua đời), nhưng anh Tế Hanh bảo có những bài hay nhưng không thể để in trong tập vì nó sẽ “con sâu làm sầu nồi canh”.

Các chị bao vây anh, anh thản nhiên bảo:

- Tế Hanh nhà thơ bảo hay, nhưng Tế Hanh nhà nước bảo coi chừng lập trường. Nhà nước thắng, nhà thơ phải phoọc-phe!

Chúng tôi hiểu. Xuân Quỳnh cũng hiểu chớ đâu có tối tăm gì. Ba bài thơ cắt ra (bỏ) từ một tập thơ như những mảnh tim của một nhà thơ. Đau gì bằng, nhưng nhà thơ muốn in cả tập thơ thì phải ôm bụng cho người ta cắt mà chỉ khóc thầm chớ không được la.

Khi tôi và vài thằng bạn được gọi đi vào Trường Sơn, anh Tế Hanh có tặng tụi tôi một chai rượu săm-banh. Không biết ở Hà Nội mà anh làm sao mua được thứ rượu đế quốc này. Bọn tôi đem đãi khắp Hà Nội. Trước nhất ghé anh Nguyễn Tuân. Rồi ghé anh Tô Hoài (anh Tô Hoài không uống rượu như hồi 55 anh mua rượu vang ở Hàng Da đãi tôi). Rồi đem lại tòa soạn, rót mỗi người một ly con con.

Xuân Quỳnh không uống, bảo tụi tôi:

- Các anh đem theo mà chống sốt rét.

Còn dưới đít chai một tí, tôi xách lại nhà thằng họa sĩ. Nó gầy nhom mặt mũi quái gỡ giống như Van Gogh. Trên tường vẫn trên những bức tranh “mắt man rợ” của hắn ta. Vẫn “mắt” không gì khác. Có lẽ cũng còn tương tư. Quái nhỉ, cái thằng!

Hắn uống xong cái cặn rượu chép môi bảo:

- Đề cho tao một câu thơ trước khi mày đi.

Tôi cầm bút viết luôn tám đoạn trong đó tôi còn nhớ có hai câu (trên ba mươi năm rồi còn gì).

Ai ơi, tôi muốn làm thi sĩ
Mãi mãi cùng em lên xứ thơ!
( 1963)

Thơ chẳng bằng phiếu gạo. Nhưng thơ độc địa hơn gạo. Nó giết người. Chính vì Lưu Quang Vũ - cậu bé con, làm thơ hay mà mắc nạn. Làm thơ hay mà chi hở cháu Lưu Quang Vũ ! Sau đó ít lâu, tôi nghe nói anh Lưu Quang Thuận qua đời. Và chị Thuận buồn phát điên. Năm nào cũng ra Hà Nội cúng cơm con và khóc. Chị trước kia là hoa khôi Quảng Nam. Tôi nhớ sau này có lần ra Quảng Nam tôi gặp em ruột của anh Thuận. Anh còn một người em trai nữa là Lưu Trùng Dương cũng là thi sĩ nổi danh từ trẻ (năm 1945).

Nay nhân ngồi xem báo Diễn Đàn Phụ Nữ thấy ảnh Xuân Quỳnh, sực nhớ lại cả một quãng đời trẻ say mê viết lách, thấy cặp mắt “hơi man rợ” năm xưa mà nhớ thằng bạn họa sĩ kỳ quái. Ông “Picasso-Van Gogh” không biết còn sống hay chết. Nay đã xiêu lạc phương nào? Không biết phòng của hắn nằm trên vách có còn treo tranh xưa. Nhưng chắc chắn cặp mắt ấy không bao giờ mờ trong trí hắn.

Tôi viết bài này để báo cáo cho hương hồn nhà thơ biết một điều mà chắc nhà thơ không biết. Chắc chắn không biết. Không bao giờ biết được. Với lòng thương tiếc một người đồng nghiệp, tôi xin ghi lại câu thơ độc nhất mà tôi đọc của Xuân Quỳnh trích đăng ở đâu đó:

Mỗi ngày không thấy nhau, lòng thuyền như rạn vỡ
Nếu phải xa anh, em chỉ còn giông tố.

(Thuyền và Biển)

Đó là hay câu thơ tôi bất chợt đọc có lẽ cách đây mười năm, sau khi thấy cái tin buồn về vợ chồng Lưu Quang Vũ. Đọc rồi nhớ luôn, tới bây giờ bỗng bật ra như một tia nước nghẹn. Sau đó tôi lại nghe thơ được Nguyễn Văn Tý phổ nhạc và hát trong Video. Hà Nội lúc bấy giờ có chị Ngân Giang vang bóng một thời. Tôi cũng thường gặp chị đến tòa soạn báo luôn. Tôi được hân hạnh tiếp chuyện với chị một lần và đến nhà thăm chị một lần. Cuộc sống của chị quá thanh bạch. Hai chị em ngồi ngoài vườn dưới giàn dạ lý hương tâm sự chớ không ngồi trong nhà. Bất thần chị bảo:

- Xuân Quỳnh nó cũng có đến đây. Nó ngồi ngay chỗ cậu ngồi đấy. Coi chừng…

Tôi không để chị nói hết câu, tôi lách ngang, hỏi cũng ngang:

- Chị viết bài thơ hồi năm 46 ở đâu?

- Hồi 46 tôi làm thơ nhiều lắm, biết bài nào?

Tôi nói:

- Bài gì có câu: Tôi say uy vũ Trần Hưng Đạo…

Chị nhớ ra rồi đọc cho tôi nghe cả bài. Thơ thật hay. Thời đó cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng đã đánh thức cả dân tộc trong đó có thi nhân. Một thời đại được đánh dấu bằng những thi ca hùng tráng nhất lịch sử.

Chị báo:

- Tôi làm bài đó lúc ở Thái Nguyên. Hình như là tháng 7 năm 1946. Sau đó một năm thì Văn Cao làm bài Trường Ca Sông Lô, Phạm Duy làm bài Tiếng Hát Sông Lô. Kháng chiến bước sang năm thứ hai, có cuộc thi sáng tác nhạc.

Tiếc thay bài thơ chị đọc cho tôi nghe, sau đó chị có chép cho tôi làm kỷ niệm. nhưng tôi đã đánh mất ở đâu, tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ còn nhớ có hai câu:

Hôm nay ôn lại chuyện non sông
Nghe sóng nghìn xưa vỗ bến lòng.


Tôi cho đó là hai câu thơ hay nhất của thơ Việt Nam từ sau 1945 trở lại đây. Đọc thơ, có hai câu mà rung động và thấy suốt lịch sử.

Tôi có cho Xuân Quỳnh đọc bài này ở tòa soạn báo ở số 51 Trần Hưng Đạo Hànội. Tôi thấy mỗi lần chị Ngân Giang đến, hai người đứng nói chuyện với nhau trong nhà. Có lần tôi thấy Xuân Quỳnh đưa chị ra đến ngõ và đứng với nhau rất lâu dưới vòm lá xanh tươi. Nghe nói đây là ngôi biệt thự của vua Bảo Đại. Mỗi lần ra Hànội, ngài đều ngự ở đây (sát vách tường biệt thự của Sainteny đại diện Cộng Hòa Pháp ở Hànội).

Xuân Quỳnh xem bài thơ xong hỏi tôi:

- Anh làm quen với chị Ngân Giang hồi nào vậy?

Tôi bảo:

- Ở trong dịp đi tham quan thành phố Hải Phòng với phái đoàn Hội Nhà Văn. Xuân Quỳnh làm thơ, tôi tặng cho đấy. Một nét bút không dễ gì kiếm trên đời.

Xuân Quỳnh cười mắt nhắm tít như sợi chỉ giăng.

- Rồi anh cũng sẽ làm thơ. Anh nên giữ nó để làm bửu bối.

Tôi có được hân hạnh hai đại thi sĩ chép tay cho hai bài thơ: Nguyễn Bính và Ngân Giang. Và tôi đã đánh mất cả hai. Nghe nói chị Ngân Giang có vô Sài gòn sau năm 75, mở quán cà phê nghệ sĩ, rồi bỏ về lại Hànội, còn Nguyễn Bính thì mất hồi năm 1963! Làm sao tôi có lại nét chữ của anh và của chị Ngân Giang?

Nhớ Hànội, nhớ những nghệ sĩ lớn của dân tộc, nhớ những kỷ niệm với các anh các chị, nhớ những bạn bè một thời tranh đua với nhau viết lách, thiệt vui.

Hôm nay ngồi đọc báo, bỗng dở tờ Diễn Đàn Phụ Nữ thấy ảnh Xuân Quỳnh, tôi ngùi ngùi nhớ Hànội. Đọc những vần thơ của Quỳnh và Vũ yêu nhau, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nhớ anh Lưu Quang Thuận một hôm liên hoan thịt chó vào dịp đón Xuân năm nào không nhớ nữa. Hai anh em uống rượu Đồng Tháp. Rượu đựng trong thùng vặn rô-bi-nê, ai uống cứ vặn ra mà uống. Còn cậu bé thì không ăn (thịt chó) cũng không uống, cứ chạy đi chạy lại lấy rượu cho bố và các chú, thỉnh thoảng ăn một miếng bánh chưng.

Anh Thuận bảo tôi:

- Tao chưa thấy thằng nào uống rượu mà nói chuyện có duyên như mày đó, Xuân Vũ!

Đó là câu khen độc nhất mà tôi nhận được khi làm hội viên hội Nhà Văn Việt Nam. Không ai khen viết văn mà khen uống rượu!

Tiệc tan, anh chia tay với tôi. Bữa nay không trả thù ông táo, (vì có thịt vô bụng). Anh bỏ cậu bé lên poọc-baga và nói với tôi:

- Thằng này coi bộ có khiếu văn nghệ! Nó cũng Vũ

Tôi cười đáp:

- Nó muốn khổ như bố và chú nó hay sao?

Rồi ngày tháng qua…

Năm năm, mười năm, hai mươi năm…

Tôi không gặp lại ai ở Hànội…

Ngờ đâu… Ngờ đâu…

Ôi, Phú Lương! Thơ! Quỳnh-Thơ.

Xin ai đó đốt dùm cây nhang cắm trên nấm mồ Thơ…



Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết  này

1 comment:

  1. Đính chính những điểm sai và thêm những chi tiết cần thiết .
    a/ Xuân Vũ không được bổ dụng một chức vụ nào cả mà cũng không phải là Phụ tá Gám đốc cho Phạm thành Tài . Phạm thành Tài cũng không phải là Giám đốc .
    Không biết Phạm thành Tài là Phụ tá Giảng viên Đ H Hà nội hay không . Sau năm 1975 có đi học tập cải tạo nhưng sao không biết mà được về năm 1984 mà không bi VC giết như Huỳnh Cự (Xe tông vào nhà giết chết Huỳnh Cự sau khi học tập về) .
    Xuân Vũ có được cử đi công tác tuyên truyền tại Thụy điển năm 1972, đi cùng Ông Bộ trưởng và có ghé Luân đôn lên Đài Phát thanh BBC .
    Xuân Vũ có viết rất nhiều bài báo, kể cả tiếng Anh, đăng trên báo Việt ngữ xuất bản ở Hoa Kỳ bằng tiếng Việt, trong thời gian cư ngụ tai San Antonio .

    ReplyDelete